'Xe tăng bay' nào của Liên Xô từng khiến phát xít Đức 'khóc thét' trong quá khứ?

Làm chủ máy bay, chiến thuật hợp lý, bộ vũ khí mạnh mẽ…đã từng đem lại thành công lớn cho Không quân Liên Xô và 'xe tăng bay' Il-2 trước quân phát xít tàn bạo.

Máy bay Il-2 Shturmovik là một trong những máy bay chiến đấu nổi danh trong Chiến tranh Thế giới thứ hai. Còn ở đất nước sản sinh ra nó - Liên Xô, Il-2 giữ vai trò rất quan trọng trong các trận chiến, thậm chí nhà lãnh đạo Stalin còn gửi thông điệp cho nhà máy sản xuất Il-2 rằng: "Chúng (Il-2) quan trọng với Hồng quân như không khí và bánh mì".

Sự thành công và quan trọng của máy bay cường kích Il-2 thể hiện ở chính số lượng sản xuất. Khoảng 36.000 chiếc Il-2 được sản xuất trong giai đoạn 1941-1945, tung hoành khắc các chiến trường, gây ra bao phen kinh hoàng cho quân đội phát xít. Rất nhiều biệt danh được binh sĩ của hai bên đặt cho mẫu máy bay này, ví dụ như: “xe tăng bay, tử thần đen, đồ tể, Gustav sắt, máy bay ném bom xi măng”. Tuy nhiên, người ta thường gọi chúng với cái tên "xe tăng bay" nhiều hơn cả.

"Xe tăng bay" Il-2 dài 11,6m, cao 4,2m, sải cánh 14,6m, trọng lượng có tải 6,1 tấn. Đặc biệt, một số phần trên máy bay được bọc thêm lớp vỏ giáp chống đạn nặng 700kg (bảo vệ buồng lái, động cơ, bộ tản nhiệt, thùng nhiên liệu). Trong hồi ký của mình, Anh hùng Liên Xô, phi công từng lái Il-2, Valentin Averianov viết rằng: “Bất chấp thực tế rằng, giáp máy bay không được thiết kế để chống lại các loại đạn từ 20mm trở lên, nó vẫn làm chệch hướng nhiều viên đạn loại này”.

Il-2 được trang bị một động cơ Mikulin AM-38F làm mát bằng nước công suất 1.720 mã lực cho tốc độ bay tối đa 414km/h, tầm bay 720km, trần bay 5.500m.

Bộ vũ khí của Il-2 thực sự đáng sợ vào thời điểm bấy giờ, với 2 khẩu pháo 23mm gắn cố định, 2 khẩu súng máy 7,62mm gắn cố định, khả năng mang 600kg bom và rocket (8 quả loại RS-82 cỡ 82mm hoặc 4 quả RS-132 132mm) trên các điểm treo cánh.

Cận cảnh hai khẩu pháo tự động VYa-23 cỡ 23mm gắn cố định trên cánh máy bay Il-2 (cơ số đạn 150 viên/khẩu). Loại pháo này đạt tốc độ bắn 550-650 phát/phút, xuyên giáp dày 25mm cách 400m với đạn xuyên BZ.

Phía sau buồng lái được gắn một khẩu đại liên 12,7mm Berezin UBT với 150 viên đạn để tự vệ, chống máy bay tiêm kích địch. Dù vậy xạ thủ buồng lái sau thường dễ bị thương vong do buồng lái người này bọc giáp kém hơn so với buồng lái phi công.

Không quân Liên Xô nhận những chiếc Il-2 chỉ vài tháng trước khi chiến tranh bùng nổ. Chính vì vậy, giai đoạn đầu cuộc chiến, lực lượng Il-2 hứng chịu tổn thất nặng nề một phần do đội phi công chưa làm chủ được máy bay. Nhưng sau khi đã làm quen Il-2, phi công Liên Xô đã sử dụng máy bay hiệu quả với các chiến thuật bay đội hình từ 6-12 máy bay và bổ nhào tập kích hiệu quả bằng pháo và bom nhỏ.

Làm chủ máy bay, chiến thuật hợp lý, bộ vũ khí mạnh mẽ…đã đem lại sự thành công lớn cho Không quân Liên Xô và Il-2 trước quân phát xít tàn bạo. Ví dụ, trong Trận Kursk ngày 7/7/1943, khoảng 70 chiếc xe tăng Đức thuộc Sư đoàn Panzer số 9 đã bị những chiếc Ilyushin Il-2 tiêu diệt chỉ trong 20 phút.

“Ông đã bỏ rơi đất nước chúng ta và hồng quân của chúng ta. Đến tận thời điểm này ông vẫn chưa sản xuất những chiếc IL-2. Máy bay IL-2 đang cần thiết cho hồng quân, như không khí, như bánh mì. Shenkman sản xuất một chiếc IL-2 mỗi ngày và Tretiakov sản xuất một hay hai chiếc MiG-3 hàng ngày. Đó là một sự chế giễu đối với đất nước và hồng quân của chúng ta. Tôi yêu cầu ông không được để chính phủ phải kiên nhẫn hơn nữa, và yêu cầu ông sản xuất thêm những chiếc IL. Tôi cảnh báo ông lần cuối cùng. Stalin”, nhà lãnh đạo Stalin đã viết như vậy trong thông điệp gửi tới Ilyushin – giám đốc nhà máy sản xuất Il-2.

Tất nhiên, Il-2 không thể không bị bắn hạ, nặng nề, chậm chạp là những điểm yếu của "xe tăng bay" khiến chúng dễ bị tiêm kích Đức tiếp cận từ sau hạ gục. Hồng quân Liên Xô đã mất 26.600 máy bay trong giai đoạn 1941-1945, khoảng một nửa là trong quá trình chiến đấu. Dẫu là tổn thất lớn tới như vậy, nhưng Il-2 thực sự là “cơn ác mộng” trên chiến trường, nó đóng góp phần công không nhỏ trong việc quét sạch xe tăng Đức trên chiến trường. Ảnh: máy bay Il-2 trên bầu trời Berlin, năm 1945.

Sau năm 1945, máy bay cường kích Il-2 hoạt động trong Không quân Liên Xô và một vài nước Đông Âu thêm 5-10 năm nữa trước khi nghỉ hưu hoàn toàn. Ngày nay, Il-2 chủ yếu nằm trong các bộ sưu tập tư nhân, thường bay biểu diễn trong các ngày lễ lớn.

Video Tiêm kích có hỏa lực mạnh nhất WWII - Nguồn: Đăng Khoa@Youtube

PV

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: http://kienthuc.net.vn/quan-su/xe-tang-bay-nao-cua-lien-xo-tung-khien-phat-xit-duc-khoc-thet-trong-qua-khu-1342660.html