Xe buýt - Văn hóa và thân thiện

Tổng công ty Vận tải Hà Nội (Transerco) đã triển khai 'bộ Quy tắc ứng xử dành riêng cho công nhân lái xe, nhân viên phục vụ và hành khách trên xe buýt'.

Bộ quy tắc thực chất là tập hợp cách hành xử văn minh hằng ngày mà có lẽ ai cũng biết.

Đối với lái xe, nhân viên phục vụ, đó là không sử dụng rượu, bia trước khi điều khiển phương tiện, không sử dụng điện thoại khi điều khiển phương tiện; sẵn sàng hỗ trợ, hướng dẫn hành khách; ứng xử đúng mực khi có va chạm trên đường…

Đối với hành khách đi xe, đó là giữ gìn trật tự, mua vé, giữ vé để kiểm tra, nhường nhịn giúp đỡ người khuyết tật, người cao tuổi; xếp hàng lên xuống xe, tôn trọng sự sắp xếp, điều hành của nhân viên phục vụ…

Đây là những hành xử văn minh hằng ngày nhưng có lúc có nơi vẫn chưa được tuân thủ tốt. Vẫn còn tình trạng chen lấn, xô đẩy; sử dụng điện thoại gây ồn ào trên xe. Vẫn còn phương tiện phóng nhanh, lạng lách khi vào điểm đỗ; lái xe, nhân viên phục vụ bật nhạc to, nói chuyện riêng làm mất trật tự, thậm chí phản ứng khi hành khách góp ý… Những hành vi thiếu văn hóa ở cả hành khách, lái xe, nhân viên phục vụ làm xấu hình ảnh xe buýt Thủ đô, ảnh hưởng đến chất lượng dịch vụ. Xe buýt thiếu thân thiện không thể thu hút được hành khách tham gia sử dụng phương tiện công cộng.

Khi ban hành bộ quy tắc, Transerco mong muốn nâng cao chuẩn mực đạo đức về hành vi, ứng xử trên xe buýt, xây dựng văn hóa xe buýt ngày càng gần gũi, văn minh hơn với người dân Thủ đô. Nhìn rộng hơn, xây dựng văn hóa xe buýt chính là xây dựng văn hóa giao thông thân thiện, an toàn, văn minh, góp phần xây dựng Thủ đô văn hiến - văn minh - hiện đại, vì thế cần sự chung tay của cả doanh nghiệp và cộng đồng, không chỉ là khẩu hiệu, áp phích, tờ rơi dán trên xe, ở điểm đỗ mà phải trở thành hành vi ứng xử hằng ngày trên xe buýt.

Muốn vậy, trước hết, Transerco phải tăng cường tuyên truyền, hướng dẫn lái xe, nhân viên phục vụ. Việc hướng dẫn càng cụ thể càng tốt. Đi đôi với đó là kiểm tra, giám sát việc thực hiện của lái xe và nhân viên trên tuyến. Thực tế hình thành văn hóa ứng xử không phải việc ngày một ngày hai làm được ngay nên việc hướng dẫn, tuyên truyền hay kiểm tra, giám sát cần kiên trì, thường xuyên, liên tục.

Đối với hành khách, cần nghiêm túc chấp hành nội quy khi sử dụng phương tiện công cộng, đồng thời tuân thủ các quy tắc ứng xử được đề ra. Ngoài ý thức tự giác, lái xe, nhân viên phục vụ xe buýt chính là người tuyên truyền, hướng dẫn hành khách tuân thủ quy tắc ứng xử, nhắc nhở khi hành khách có hành vi chưa đúng chuẩn mực. Mặt khác, hành khách đi xe sẽ là người giám sát, nhắc nhở nhau và nhắc nhở lái xe, nhân viên phục vụ thực hiện đúng các quy tắc ứng xử. Hành khách cũng là người kiểm tra, phản ánh ngay với đơn vị vận tải khi lái xe, nhân viên phục vụ có hành vi không đúng chuẩn mực, để đơn vị quản lý kịp thời xử lý.

Từ mô hình của Transerco, cơ quan quản lý nên nhân rộng ra các doanh nghiệp vận tải hành khách công cộng khác. Trên địa bàn thành phố Hà Nội không chỉ có riêng Transerco vận hành xe buýt. Vinbus (một đơn vị thuộc Tập đoàn Vingroup) ngay từ khi đi vào hoạt động cũng đã chú trọng xây dựng văn hóa xe buýt thân thiện và an toàn. Hầu hết các tuyến buýt điện của Vinbus đều thu hút lượng khách đông đảo nhờ điều này. Mỗi đơn vị sẽ có cách làm riêng phù hợp nhưng đều phải hướng đến mục tiêu chung là xây dựng xe buýt Thủ đô thân thiện và an toàn, có như vậy mới thu hút ngày càng nhiều hành khách đi xe buýt.

Nguồn Hà Nội Mới: https://hanoimoi.vn/xe-buyt-van-hoa-va-than-thien-645284.html