Xây hồ Ka Pet: Dân nơi đây khổ vì thiếu nước quá lâu

Bao năm qua, khát, khô là điều hiển nhiên của người dân Hàm Cần, Mỹ Thạnh... Do vậy, khi Quốc hội thông qua việc xây dựng hồ Ka Pet để mang nước về cũng là mang lại cuộc sống mới cho người dân nơi đây, đã khơi dậy niềm khát khao cháy bỏng và tiếp thêm động lực sống trong họ. Tất cả những nội dung trình Quốc hội xem xét thông qua có cả câu chuyện của 'Rừng'…

Tuy nhiên trong những ngày qua có một bài báo viết “Tỉnh Bình Thuận chuẩn bị phá khu rừng tự nhiên hơn 600 ha ở xã Mỹ Thạnh (huyện Hàm Thuận Nam) để làm hồ chứa nước phát triển kinh tế…” Đây là sự phản ánh hoàn toàn không đúng về một chủ trương lớn mà Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã phải xem xét rất nhiều năm mới đưa ra quyết định. Để rộng đường dư luận, Báo Bình Thuận thông tin thêm những yếu tố quan trọng khi Quốc hội họp bàn và quyết định xây hồ Ka Pet.

Cân nhắc kỹ lưỡng khi rừng ảnh hưởng

Ở vùng nắng gió khắc nghiệt như Bình Thuận, cán bộ và nhân dân ý thức rất rõ giá trị của rừng trên thực tế. Câu chuyện mà cách đây khoảng 7-8 năm, khi hồ Ka Pét bắt đầu được phác thảo xây dựng dự án là 1 ví dụ. Vấn đề được đem ra mổ xẻ, bàn luận nhiều nhất tại các hội nghị liên quan là làm sao xây dựng hồ Ka Pét nhưng vẫn bảo đảm tỷ lệ phủ rừng, bảo đảm hệ sinh thái môi trường. Ban đầu theo quy hoạch 2016 - 2020, hồ Ka Pét định xây dựng trên 460 ha đất ngoài 3 loại rừng thuộc xã Mỹ Thạnh nhưng sau khi phân tích các yếu tố kỹ thuật liên quan lẫn vai trò của hồ trung chuyển đến việc tích trên 50 triệu khối nước, vị trí ấy không đảm bảo. Vì thế, tỉnh đã quyết định đưa 460 ha này vào lại quy hoạch 3 loại rừng, để nuôi dưỡng phát triển rừng bảo đảm tỷ lệ phủ rừng đạt 43%. Sau đó, hồ Ka Pét được nhắm xây dựng ở vị trí mới, nơi mà theo người am hiểu vùng rừng này nhận ra ưu thế là nhờ có 2 sườn núi chắn ngang, tạo ra thung lũng rộng đảm bảo tích trữ nước. Ở vị trí xác định thuộc lòng hồ đó rộng 600 ha, thuộc địa phận của Ban quản lý rừng phòng hộ Sông Móng – Ka Pet, Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông và đất sản xuất của các hộ dân ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh.

Công việc sau đó, là việc đánh giá trữ lượng rừng trong lòng hồ Ka Pét thì có rất nhiều báo cáo của ngành chức năng về kiểm kê hiện trạng rừng và đất lâm nghiệp, phúc tra hồ sơ báo cáo kết quả kiểm kê… Kết quả, tổng nhu cầu sử dụng đất của dự án hồ Ka Pét là 693,31 ha, trong đó diện tích đất có rừng là 680,41 ha gồm chuyển đổi mục đích sử dụng rừng đặc dụng là 162,55 ha; rừng phòng hộ là 0,91 ha; rừng sản xuất là 471,09 ha; rừng nằm ngoài quy hoạch 3 loại rừng là 45,85 ha và diện tích đất sản xuất nông nghiệp là 12,9 ha.

Vì đây là dự án quan trọng cấp Quốc gia, cấp quyết định chủ trương đầu tư là Quốc hội (Nghị quyết 93/2019/QH14), cấp quyết định đầu tư là Thủ tướng Chính phủ, chủ quản đầu tư là Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận nên để thực hiện quyền và trách nhiệm, các đại biểu Quốc hội, cũng đã đi thực tế nhiều lần tại vùng ngập lòng hồ. Gần nhất, để trình báo cáo thẩm tra việc điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét, huyện Hàm Thuận Nam, tỉnh Bình Thuận, Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội (KH, CN&MT) cũng đã tổ chức khảo sát thực tế tình hình triển khai thực hiện dự án. Vì vậy, rất khó giấu, nếu những con số trên không đúng thực tế. Rất khó giấu, khi trong các kỳ họp Quốc hội, các đại biểu Quốc hội đều rất quan tâm đến rừng, đã chất vấn tới lui về tình hình mất rừng, về việc trồng lại rừng gấp 3 lần số rừng đã mất với hơn 1.800 ha rừng theo đúng điều 21, Luật Lâm nghiệp... Các đại biểu Quốc hội đã làm hết vai trò, trách nhiệm nên đến nay, dự án đã chuẩn bị đi vào khởi công xây dựng.

Theo báo cáo ngày 10/06/2023 của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường, đã có 77 lượt ĐBQH góp ý tại Tổ và 11 lượt ý kiến góp ý tại Hội trường về điều chỉnh chủ trương đầu tư Dự án Hồ chứa nước Ka Pét. Có ý kiến đề nghị nên gắn việc trồng rừng thay thế với tạo việc làm cho người dân địa phương, nên ngoài Khu bảo tồn thiên nhiên núi Ông và Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Kóu, có thể trồng rừng thay thế trên diện tích quy hoạch rừng sản xuất.

Làm tất cả để mang nước về cho dân

Điều đáng bàn là vì sao những nơi có liên quan đến hồ chứa này đã ủng hộ dự án ngay từ lúc ban đầu, khi mà đến nay có một số người vẫn nhân danh yêu rừng không muốn làm thủy lợi, bỏ qua chuyện phát triển. Vì sự thật chỉ có người trong cuộc là hiểu hơn hết. Thực tế, trong 2 năm (2017 – 2018), theo trình tự, chủ đầu tư dự án đã phối hợp tổ chức các buổi tham vấn ý kiến cộng đồng dân cư ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh và 2 ban quản lý rừng về việc xây dựng và những đánh giá tác động khi xây dựng dự án “Hồ chứa nước Ka Pét". Cụ thể, lấy ý kiến theo từng nội dung như giới thiệu chung về dự án đồng thời đưa ra những tác động môi trường và những biện pháp giảm thiểu những tác động môi trường của dự án; xác định các bên liên quan, nhóm người được hưởng lợi, đối tượng bị ảnh hưởng khi thực hiện dự án; hiện trạng khu vực dự án, các điều kiện địa lý, các thành phần môi trường tự nhiên, kinh tế - xã hội khu vực dự án; các tác động môi trường khi thực hiện dự án và biện pháp giảm thiểu; ý kiến, nguyện vọng của người dân xung quanh việc thực hiện dự án.

Kết quả, sau buổi họp dân, UBND xã Mỹ Thạnh đồng ý với nội dung đề xuất biện pháp giảm thiểu tác động tiêu cực trong báo cáo đánh giá tác động môi trường. Đồng thời đề nghị chủ dự án phối hợp với UBND xã tiến hành đo, vẽ diện tích các hộ bị ảnh hưởng để bồi thường, hỗ trợ các hộ dân theo quy định của pháp luật. Khi triển khai thi công, chủ đầu tư phải đảm bảo vệ sinh môi trường, phòng chống cháy rừng. Còn UBND xã Hàm Cần và cả Ban Quản lý Khu bảo tồn thiên nhiên Núi Ông; Ban QLRPH Sông Móng – Ka Pét cũng đều thống nhất, đều ủng hộ xây dựng hồ chứa Ka Pét với các đề nghị như chủ dự án triển khai thi công, vận hành theo đúng thiết kế đã phê duyệt; thi công phải đảm bảo an ninh trật tự và phòng chống cháy nổ.

Theo UBND huyện Hàm Thuận Nam, ngay bây giờ, người dân ở 2 xã Hàm Cần, Mỹ Thạnh cũng mong ngóng sớm xây dựng hồ Ka Pet để có nước sản xuất, có cuộc sống mới. Bởi trong mùa khô rồi, chứ không đâu xa, người dân ở đây đã ra sông Linh đào giếng lấy nước cho sinh hoạt, nên nước cho sản xuất là một sự xa xỉ. Sao có thể không quan tâm, khi đã gần 50 năm sau giải phóng mà 2 xã còn nhiều đồng bào thuộc diện nghèo, cận nghèo đến vậy (Mỹ Thạnh: nghèo chiếm 66%, cận nghèo 11%; Hàm Cần: nghèo 20,53 %, cận nghèo 42,67% dân số), bất chấp những chính sách hỗ trợ liên tục được triển khai. Bởi cái chính là chính quyền có cấp đất 04, đất dân tự khai phá, hộ ít nhất cũng khoảng 1 ha đất, hộ nhiều cũng tới 2 – 4 ha đất nhưng không có nước thì chỉ hy vọng đến “con cá” được cho, chứ làm sao phát huy “cần câu”, dù đã được tập huấn kỹ thuật trồng, nuôi cây này, con nọ.

Đó là 1 lý do mà Bình Thuận phải kiên trì xây dựng hồ Ka Pét, dù đã trải qua nhiều trở ngại, bởi tính đến nay, công trình đã mất đến 20 năm để chuẩn bị cho các hoạt động nghiên cứu, thẩm tra… mới đến chuẩn bị khởi công. Thêm lý do lớn khác, đây là hồ trung chuyển trong mạng lưới thủy lợi ở khu vực phía Nam tỉnh, nơi luôn bị tình trạng khô hạn rình rập vào mỗi năm, khi mà đã nỗ lực xây dựng các hồ thủy lợi nhưng bị thiếu một “mắc xích” từ chính vị trí hồ Ka Pét.

Sắp tới, khi công trình hồ chức nước Ka Pét chính thức khởi công thì việc cắt giảm lũ trên sông Cà Ty càng bền vững hơn. Cụ thể như dự án nêu là trung chuyển nước từ hồ La Ngà 3 sang lưu vực sông Cà Ty với lưu lượng 8,3m3/s, khi có hồ La Ngà 3; cắt giảm đỉnh lũ trên sông Cà Ty và điều tiết nước cho vùng hạ du gồm huyện Hàm Thuận Nam và TP. Phan Thiết, đồng thời cải thiện môi trường sinh thái. Vì hồ Ka Pét này có dung tích hữu ích thiết kế khoảng 50 triệu m3, là kho nước rất lớn với địa bàn huyện Hàm Thuận Nam có nhiệm vụ cấp nước tưới cho hơn 7.760 ha. Trong đó trước hết cho khu tưới Mỹ Thạnh là 127 ha; Khu tưới đập Hàm Cần 1.430 ha (hiện trạng 450 ha, mở rộng 980 ha). Sau đó, còn bổ sung nước tưới cho khu tưới 745 ha của kênh Sông Linh - Cẩm Hang; điều tiết bổ sung nước cho diện tích 1.000 ha thuộc khu tưới của hồ Ba Bàu; tiếp nước để tưới mở rộng cho khu tưới của hồ sông Móng gồm: Khu tưới kênh Sông Móng – Đu Đủ - Tân Lập với diện tích 2.500 ha và khu tưới kênh Đu Đủ -Tân Thành (dự án ADB8) diện tích 1.960 ha. Ngoài ra, còn cấp nước cho sinh hoạt và công nghiệp trên địa bàn huyện.

Một công trình đáp ứng sự khát khao cháy bỏng của người dân, nay đã được cả “Hội nghị Diên Hồng” quan tâm, xem xét phân tích nhiều góc độ để quyết định. Vì thế, chuyện một vài cá nhân chưa hiểu hết vấn đề lớn mà xem việc ảnh hưởng vùng đất có rừng khi xây Hồ Ka Pet, “làm mất không gian sống” của người Mỹ Thạnh - khi ở đây chỉ là nơi dân đi hái măng vào mùa mưa, mà không có cách nhìn tổng quan chung về tầm quan trọng cuộc sống người dân khi công trình thủy lợi này hình thành, thì đó là suy nghĩ thiển cận trong sự nghiệp phát triển của đất nước.

Nguồn Bình Thuận: https://baobinhthuan.com.vn/xay-ho-ka-pet-dan-noi-day-kho-vi-thieu-nuoc-qua-lau-111857.html