Xây dựng vùng cây ăn quả ở Phú Bình: Hướng đến nâng cao giá trị

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tại huyện Phú Bình tích cực đưa các giống cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nên mặc dù diện tích đất trồng giảm nhưng giá trị không ngừng tăng lên.

Những năm gần đây, nhiều hộ nông dân tại huyện Phú Bình tích cực đưa các giống cây ăn quả cho giá trị kinh tế cao vào sản xuất, nên mặc dù diện tích đất trồng giảm nhưng giá trị không ngừng tăng lên.

Với trên 2ha trồng cây ăn quả, gia đình anh Phan Văn Huy (anh Huy bên phải), ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.

Với trên 2ha trồng cây ăn quả, gia đình anh Phan Văn Huy (anh Huy bên phải), ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, có thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm.

Những năm 2000, Phú Bình là địa phương có diện tích trồng cây ăn quả (chủ yếu là cây vải) lớn nhất tỉnh với 1.500ha. Tuy nhiên, hiện chỉ còn gần 500ha.

Trước thực tế diện tích trồng cây ăn quả trên địa bàn ngày càng giảm, huyện Phú Bình đã quy hoạch vùng sản xuất cây ăn quả, tập trung ở các xã Bàn Đạt, Tân Kim, Tân Khánh, Tân Đức và Bảo Lý với diện tích trên 600ha.

Bên cạnh phát triển các sản phẩm thế mạnh của địa phương như lúa chất lượng cao, gà đồi, rau màu…, huyện cũng tích cực tuyên truyền, khuyến khích người dân có diện tích vườn, đồi rộng phát triển các loại cây ăn quả mang giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng địa phương, như bưởi da xanh, ổi, nhãn, xoài…

Là hộ có trên 2ha trồng cây ăn quả, nhiều năm nay, gia đình anh Phan Văn Huy, ở xóm Bàn Đạt, xã Bàn Đạt, tích cực chuyển đổi toàn bộ diện tích trồng vải trước kia sang trồng các loại cây ăn quả cho giá trị cao hơn.

Anh Huy chia sẻ: 10 năm trước, gia đình tôi chỉ trồng cây vải, thậm chí có chỗ để cỏ dại mọc thì nay toàn bộ diện tích này tôi đã trồng 500 cây bưởi các loại; 100 cây nho thân gỗ; 100 cây ổi Đài Loan… Trong đó, bưởi Da xanh có giá bán 35 nghìn đồng/kg; bưởi Diễn và bưởi Hoàng có giá 15-20 nghìn đồng/quả; ổi từ 10-12 nghìn đồng/kg… Riêng nho thân gỗ, trong 100 cây đã trồng, tôi được thu hoạch 7 cây (trung bình 1 cây đạt 10kg quả), giá bán dao động từ 250-300 nghìn đồng/kg… Nhờ đó, gia đình tôi có thêm thu nhập từ 150-200 triệu đồng/năm. Tôi vừa trồng thêm 100 cây vú sữa và một số loại cây ăn quả khác.

Ông Nguyễn Văn Dương, Chủ tịch UBND xã Bàn Đạt, cho biết: Xã hiện có 115ha trồng cây ăn quả đã được người dân khai thác, đưa các giống cây có chất lượng, giá trị kinh tế cao vào trồng. Nhờ đó đã góp phần nâng cao thu nhập của người dân lên gần 44 triệu đồng/người/năm (tăng trên 26 triệu đồng/người/năm so với năm 2015).

Thành viên Hợp tác xã Hoa quả an toàn Thành Đạt (ở xã Tân Kim) kiểm tra chất lượng quả ổi trước khi xuất bán.

Thành viên Hợp tác xã Hoa quả an toàn Thành Đạt (ở xã Tân Kim) kiểm tra chất lượng quả ổi trước khi xuất bán.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, ở một số địa phương như Tân Kim, Tân Khánh, Tân Đức… người dân ngày càng chú trọng đến việc đưa các loại cây ăn quả có giá trị vào sản xuất.

Đến nay, huyện Phú Bình đã thành lập được 3 hợp tác xã, tổ hợp tác trồng cây ăn quả, được cơ quan có thẩm quyền cấp chứng nhận VietGAP, đó là Hợp tác xã Hoa quả an toàn Thành Đạt (xã Tân Kim); Tổ hợp tác liên kết trồng bưởi xã Tân Đức và Tổ hợp tác làm vườn, trồng cây ăn quả xã Tân Khánh.

Để phát triển những loại cây ăn quả có giá trị, thời gian qua, các cơ quan chuyên môn của huyện Phú Bình đã phối hợp với các xã, thị trấn tổ chức nhiều lớp tập huấn, hướng dẫn bà con kỹ thuật trồng, chăm sóc cây bưởi và một số loại cây ăn quả khác theo tiêu chuẩn VietGAP; phối hợp với các ngành chức năng của tỉnh tổ chức hoạt động xúc tiến thương mại, giới thiệu và quảng bá sản phẩm cây ăn quả của địa phương…

Nếu như năm 2015, năng suất các loại cây ăn quả trên địa bàn huyện Phú Bình đạt 138,5 tạ/ha thì đến năm 2022 tăng lên 150 tạ/ha. Qua đó góp phần nâng giá trị sản phẩm trồng trọt trên 1ha đất nông nghiệp năm 2022 của huyện lên 123 triệu đồng/năm (tăng 38,5 triệu đồng/ha/năm so với năm 2015).

Bà Trần Thị Tuyên, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ nông nghiệp huyện Phú Bình, cho biết: Thời gian tới, chúng tôi tiếp tục phối hợp với các địa phương tổ chức tập huấn kỹ thuật trồng, chăm sóc cây ăn quả cho bà con; liên kết với các doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm cây ăn quả nhằm tạo thành chuỗi giá trị; tập trung phát triển cây ăn quả mũi nhọn, mang lại giá trị kinh tế cao…

Huyện Phú Bình phấn đấu đến năm 2025, diện tích cây ăn quả đạt 670ha, cho giá trị sản xuất gần 30 tỷ đồng. Trong đó, diện tích sản xuất cây ăn quả tập trung, an toàn là 20ha và đến năm 2030 tăng lên 100ha, tập trung chủ yếu ở các xã: Bàn Đạt, Tân Kim, Tân Đức, Tân Thành, Tân Hòa…

Nguồn Thái Nguyên: https://baothainguyen.vn/kinh-te/nong-nghiep/202310/xay-dung-vung-cay-an-qua-o-phu-binh-huong-den-nang-cao-gia-tri-c514491/