Xây dựng và phát huy 'thế trận lòng dân'

Lịch sử dựng nước và giữ nước của dân tộc ta đã chứng minh 'thế trận lòng dân' là một nhân tố cực kỳ quan trọng, là sức mạnh đoàn kết nội sinh, giúp dân tộc ta giữ vững giang sơn, gấm vóc, phát triển trường tồn. Cho đến ngày nay, sức mạnh 'lòng dân' chính là điều kiện tiên quyết để xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, là điểm tựa vững chắc để bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trong tình hình mới.

Kế thừa và phát huy truyền thống tinh hoa của dân tộc về xây dựng "thế trận lòng dân" trong thời kỳ mới, Nghị quyết Ðại hội XIII chỉ rõ: “Tăng cường tiềm lực quốc phòng và an ninh, xây dựng và phát huy mạnh mẽ “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, nền an ninh Nhân dân, xây dựng củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân và thế trận nền an ninh Nhân dân".

Tranh: Minh Tấn

Lòng dân và ý Ðảng

“Lòng dân” là thuật ngữ dùng để chỉ trạng thái tâm lý, tinh thần của người dân, biểu hiện thái độ, tình cảm, lòng tin, sự đồng thuận, mức độ hài lòng, tin cậy hoặc không hài lòng, thiếu tin cậy đối với cuộc sống, chế độ xã hội và giai cấp nắm quyền lãnh đạo xã hội.

Xây dựng và phát huy sức mạnh “thế trận lòng dân” là xây dựng, khơi dậy, quy tụ những giá trị tích cực như lòng yêu nước, khát vọng độc lập, tự do, tinh thần đoàn kết, cố kết cộng đồng, sự đồng thuận và ý chí quyết tâm cao của toàn dân tộc, tạo thành sức mạnh tổng hợp, vững chắc, kết hợp cùng các nhân tố khác để vượt qua mọi khó khăn, thử thách khắc nghiệt của thiên nhiên, chiến thắng mọi kẻ thù xâm lược. Cốt lõi của việc phát huy sức mạnh “lòng dân” là tiến hành đồng bộ nhiều giải pháp để định hướng, tập hợp, quy tụ “lòng dân” về một mối, trở thành sức mạnh tổng hợp cho công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Xuyên suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam cho thấy, sức mạnh “lòng dân” đóng vai trò quan trọng và quyết định làm nên những thắng lợi vẻ vang của dân tộc ta. Vì sức mạnh “lòng dân” chính là sức mạnh của dân tộc. Những mốc son chói lọi của công cuộc dựng nước và giữ nước trong hàng ngàn năm lịch sử đã chứng minh cho bài học kinh nghiệm được ông cha ta đúc kết: Khi lòng dân yên ổn thì đất nước vững vàng, phát triển; để lòng dân ly tán thì đất nước suy vong.

Kinh nghiệm quý báu nhất được Ðảng ta rút ra từ thực tiễn khi thành lập đến nay là phải dựa vào sức mạnh “lòng dân”, “lấy dân làm gốc”, phải huy động, tập hợp được sức mạnh của đông đảo các tầng lớp Nhân dân mới làm nên những thắng lợi vẻ vang của cách mạng. Từ bài học "lấy dân làm gốc" được Ðại hội VI tổng kết, suốt quá trình đổi mới, Ðảng ta luôn xem đây là kim chỉ nam trong mọi hoạt động.

“Nước lấy dân làm gốc” vừa là mục tiêu, vừa là động lực. Ðồng thời là bí quyết thắng lợi của mọi đường lối, chủ trương, chính sách của Ðảng. Với ý nghĩa sâu sắc đó, Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng tiếp tục khẳng định: “Phải luôn quán triệt sâu sắc quan điểm "dân là gốc"... Nhân dân là trung tâm, là chủ thể của công cuộc đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”.

Khi “lòng dân” chính là ý Ðảng và ý Ðảng cũng là “lòng dân”, đây chính là cội nguồn cho mọi thắng lợi của cách mạng Việt Nam.

Xây dựng “thế trận lòng dân”

Hòng xô đổ “lòng dân” đối với Ðảng, chống phá công cuộc đổi mới, phát triển đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa, các thế lực thù địch thường sử dụng những thủ đoạn thâm hiểm. Chúng tấn công trực diện vào nền tảng tư tưởng của Ðảng, ra sức phủ nhận những quan điểm lý luận của chủ nghĩa Mác - Lênin và tư tưởng Hồ Chí Minh bằng nhiều âm mưu, thủ đoạn rất tinh vi.

Chia rẽ sự đoàn kết trong Ðảng, trong Nhân dân, các thế lực thù địch lợi dụng việc thực hiện công khai, minh bạch của Ðảng trong đấu tranh chống tham nhũng và xử lý nghiêm minh một số cán bộ, đảng viên vi phạm để chia rẽ nội bộ. Chúng ra sức kích động chia rẽ, gây mất đoàn kết giữa các dân tộc, các tôn giáo; giữa cán bộ và Nhân dân; giữa đảng viên và quần chúng... hòng phá vỡ khối đoàn kết thống nhất trong Ðảng, đồng thuận xã hội, gây nên sự ly tán, chia rẽ, suy giảm sức mạnh của Ðảng, của Nhân dân.

Chúng xuyên tạc lịch sử dân tộc, lịch sử Ðảng, lịch sử cách mạng, cho rằng cuộc đấu tranh giải phóng dân tộc của Ðảng và Nhân dân ta là sai lầm, gây đổ máu; đi theo con đường tư bản chủ nghĩa thì không phải thực hiện hai cuộc chiến tranh; phủ nhận những thành quả cách mạng của Ðảng và Nhân dân ta đã giành được...

Ðể “lòng dân” quy tụ tạo nên sức mạnh tổng hợp bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng trong tình hình mới, cần thực hiện quyết liệt đồng bộ nhiều giải pháp.

Một là, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của hệ thống chính trị và toàn dân về chủ trương xây dựng “thế trận lòng dân” trong nền quốc phòng toàn dân, trong bảo vệ nền tảng tư tưởng của Ðảng.

Hai là, đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Ðảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa; củng cố mối quan hệ mật thiết giữa Ðảng, Nhà nước với Nhân dân và khối đại đoàn kết toàn dân tộc.

Ba là, thực hiện tốt hơn công tác quản lý đất đai. Quản lý chặt chẽ đất công, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng đất, kịp thời phát hiện, xử lý dứt điểm các vi phạm, tranh chấp, lấn chiếm đất đai, đảm bảo đúng quy định pháp luật không để các thế lực thù địch lợi dụng để xuyên tạc, công kích, hoặc lôi kéo, kích động người dân chống phá Ðảng, Nhà nước ta.

Bốn là, quan tâm “xây dựng con người Cà Mau phát triển toàn diện cả về nhân cách, đạo đức, trí tuệ “thân thiện, nhân ái, đoàn kết, sáng tạo, hội nhập”, ý thức tuân thủ pháp luật cao”. Thực hiện các biện pháp đẩy mạnh phòng, chống tệ nạn xã hội, ngăn chặn sự xuống cấp về đạo đức xã hội. Bảo vệ và phát huy các giá trị tốt đẹp, bền vững của dân tộc, của địa phương. Phát huy hiệu quả các thiết chế văn hóa; xây dựng, nhân rộng các mô hình gia đình văn hóa tiêu biểu gắn với xây dựng NTM và đô thị văn minh. Tập trung đầu tư, nâng cấp các công trình di tích lịch sử. Ðẩy mạnh các hoạt động văn học - nghệ thuật cả chiều rộng lẫn chiều sâu, vừa mang tính hiện đại, vừa đậm đà bản sắc dân tộc.

Năm là, tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy Ðảng, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý của chính quyền đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự ở địa phương. Nâng cao nhận thức, tinh thần cảnh giác, trách nhiệm của toàn dân đối với công tác bảo đảm an ninh, trật tự. Tập trung giải quyết các yếu tố tiềm ẩn phức tạp về an ninh, trật tự; đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động chống phá của các thế lực thù địch, bảo vệ vững chắc an ninh chính trị, an ninh kinh tế, an ninh văn hóa, tư tưởng, an ninh thông tin của địa phương, lãnh đạo thực hiện có hiệu quả đường lối, chủ trương của Ðảng về công tác dân tộc, tôn giáo.

Sáu là, coi trọng công tác xây dựng, chỉnh đốn Ðảng theo Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI, khóa XII, khóa XIII của Ðảng, gắn với đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; kiên quyết đấu tranh phòng, chống suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; chống tham nhũng, lãng phí, lối sống cơ hội, thực dụng, nói không đi đôi với làm.

Bảy là, phát huy mạnh mẽ dân chủ, quyền làm chủ của Nhân dân, thực hiện tốt quy chế dân chủ ở cơ sở. Tiếp tục đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị. Triển khai, cụ thể hóa kịp thời các chủ trương của Ðảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về công tác dân vận, đi đôi với tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện./.

Nguyễn Văn Châu

Nguồn Cà Mau: https://baocamau.vn/xay-dung-va-phat-huy-the-tran-long-dan--a30846.html