Xây dựng tổ chức hội phụ nữ cấp cơ sở vững mạnh

Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Hội phụ nữ (HPN) cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức hội và có đóng góp không nhỏ đối với phong trào ở địa phương. Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của HPN cấp cơ sở, những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác hội và phong trào phụ nữ, công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hội cơ sở đã được các cấp HPN toàn tỉnh thường xuyên quan tâm, chú trọng.

Điều lệ Hội LHPN Việt Nam khẳng định: Hội phụ nữ (HPN) cấp cơ sở là nền tảng của tổ chức hội và có đóng góp không nhỏ đối với phong trào ở địa phương. Nhận thức sâu sắc vai trò, vị trí của HPN cấp cơ sở, những năm qua, cùng với việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ công tác hội và phong trào phụ nữ, công tác xây dựng, củng cố, nâng cao chất lượng tổ chức hội cơ sở đã được các cấp HPN toàn tỉnh thường xuyên quan tâm, chú trọng.

Thực hiện tốt khâu đột phá

Trên cơ sở tiếp tục thực hiện Nghị quyết Đại hội phụ nữ toàn quốc lần thứ XIII, nhiệm kỳ 2022 - 2027; nghị quyết đại hội đại biểu phụ nữ các cấp nhiệm kỳ 2021 - 2026, các cấp HPN trong toàn tỉnh đẩy mạnh thực hiện chương trình trọng tâm về xây dựng, củng cố tổ chức cơ sở hội. Đây được xem là một khâu đột phá đã và đang được các cấp hội triển khai quyết liệt…

Theo đó, từ đầu nhiệm kỳ đến nay, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh đã tập trung chỉ đạo các cấp hội tích cực triển khai từng phong trào thi đua, cuộc vận động và nhiệm vụ trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế; vận dụng linh hoạt, sáng tạo cách thức hoạt động nhằm từng bước phát triển mạnh số hội viên, nâng cao tỉ lệ hội viên tham gia sinh hoạt hội thường xuyên và bảo đảm có số tổ chức hội cơ sở vững mạnh toàn diện ở mức cao.

Giao lưu chủ tịch hội cơ sở giỏi là một trong những hoạt động được Hội LHPN tỉnh quan tâm tổ chức nhằm đánh giá năng lực của đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Ảnh: Trần Thanh

Thực hiện chủ trương phân cấp, phân quyền, thống nhất và đồng bộ trong thực hiện nhiệm vụ chính trị của tổ chức hội theo hướng “Trung ương định hướng chiến lược, tỉnh vận dụng sáng tạo, huyện đồng hành cơ sở, xã nắm chắc hội viên, chi thấu hiểu phụ nữ”, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh lãnh đạo, chỉ đạo các cấp hội bám sát cơ sở, đồng hành cùng hội viên, phụ nữ, thực hiện tốt mục tiêu: hoạt động chuyên nghiệp, hiệu quả; cán bộ hội đoàn kết, chia sẻ, yêu thương, cộng đồng trách nhiệm, tất cả vì tổ chức hội, vì sự tiến bộ của phụ nữ. Đồng thời, thực hiện phương châm “Cùng nghe phụ nữ nói, cùng nói cho phụ nữ hiểu, cùng làm cho phụ nữ làm theo”, tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa thiết thực, góp phần đưa nghị quyết đại hội phụ nữ vào cuộc sống, xây dựng tổ chức hội ngày càng vững mạnh. Trong hơn hai năm qua, hội LHPN các cấp đã tập trung xây dựng và ban hành văn bản chỉ đạo tổ chức triển khai nghị quyết đại hội phụ nữ các cấp thông qua các chương trình hành động, kế hoạch thực hiện các cuộc vận động và các khâu đột phá - trong đó có nội dung “Tập trung xây dựng cơ sở hội vững mạnh”, “Đồng hành xây dựng chi hội, tổ phụ nữ vững mạnh”.

Chia sẻ về cách làm thực tế trong việc thực hiện khâu đột phá, bà Ninh Ngọc Thu, Chủ tịch Hội LHPN huyện Lý Nhân cho biết: Ở Lý Nhân, tùy theo đặc thù của mỗi đơn vị, các cấp hội đã có nhiều giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động hội cơ sở. Đối với cấp huyện, Hội LHPN huyện đã thực hiện phân công cán bộ phụ trách cơ sở để nắm bắt tình hình và hỗ trợ, hướng dẫn triển khai thực hiện khâu đột phá về xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh. Bên cạnh đó, thường xuyên mở các lớp tập huấn nghiệp vụ và bồi dưỡng theo chuyên đề cho cán bộ hội cơ sở, chi hội trưởng; tổ chức giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, tổ chức các hội thi theo từng lĩnh vực; đa dạng hóa các hình thức tập hợp, thu hút phụ nữ tham gia tổ chức hội thông qua rà soát số phụ nữ từ 18 tuổi trở lên để có biện pháp tuyên truyền, vận động phát triển hội viên; quan tâm xây dựng hội viên nòng cốt, tăng cường phối hợp để vận động tập hợp nữ thanh niên, nữ công nhân lao động, lao động nữ nhập cư, phụ nữ có đạo...

Tại huyện Kim Bảng, việc thực hiện khâu đột phá về củng cố, xây dựng cơ sở hội vững mạnh được HPN các cấp trong toàn huyện thực hiện có chất lượng, hiệu quả. Toàn huyện hiện có trên 22.000 hội viên phụ nữ đang tham gia sinh hoạt tại các cơ sở hội. Tỉ lệ thu hút hội viên phụ nữ tham gia sinh hoạt của huyện Kim Bảng hiện đạt hơn 70% so với tổng số phụ nữ toàn huyện. Hằng năm, Hội LHPN huyện xây dựng kế hoạch về phát triển hội viên cho từng đơn vị; Ban chấp hành (BCH) HPN các xã, thị trấn phân bổ chỉ tiêu phát triển hội viên cụ thể đối với mỗi chi hội cơ sở phù hợp với đặc thù của từng đơn vị, không giao chỉ tiêu theo kiểu áp đặt, chạy theo số lượng. Với phương châm hướng mạnh về cơ sở, Hội LHPN huyện đã chỉ đạo xây dựng các chi hội vững mạnh toàn diện và chỉ đạo HPN cơ sở rà soát thực trạng hội viên, phụ nữ ở các chi, tổ hội, đa dạng hóa phương thức thu hút hội viên. Bà Nguyễn Thị Thu Hiền, Chủ tịch Hội LHPN huyện Kim Bảng cho biết: Ở Kim Bảng, việc tập hợp, thu hút hội viên đa số dựa trên việc xây dựng và thành lập các mô hình phù hợp với từng đối tượng phụ nữ, trong đó quan tâm nhiều đối với các đối tượng phụ nữ đặc thù, phụ nữ tôn giáo, phụ nữ cao tuổi, nữ thanh niên, nữ công nhân lao động, phụ nữ xa quê, kết nạp hội viên ở các gia đình có phụ nữ từ 18 tuổi trở lên nhưng chưa là hội viên phụ nữ… Cùng với đó, hội quan tâm nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ hội từ huyện đến cơ sở. Đội ngũ cán bộ hội được trẻ hóa, đã có bước phát triển cả về số lượng, chất lượng với gần 100% cán bộ hội cơ sở đều có trình độ đại học.

Hội LHPN huyện Kim Bảng duy trì hội nghị ký giao ước thi đua hằng năm giữa các tổ chức hội cơ sở, góp phần nâng cao chất lượng công tác phụ nữ và phong trào hội. Ảnh: Trần Thanh

Có thể thấy, các nhiệm vụ của khâu đột phá về xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh đã được các cấp hội triển khai tích cực, tăng cường đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo phương châm “Ở đâu có phụ nữ, ở đó có hoạt động hội”, tạo "lực hút" khá hiệu quả trong việc thu hút, tập hợp phụ nữ tham gia sinh hoạt trong tổ chức hội.

Không chỉ tăng cường thu hút, tập hợp phụ nữ, các cấp HPN còn thường xuyên quan tâm nâng cao chất lượng cán bộ hội cơ sở, xây dựng và mở rộng lực lượng hội viên nòng cốt. Đây chính là những "chân rết" quan trọng giúp hội cấp trên triển khai thực hiện tốt các nhiệm vụ công tác hội và phong trào phụ nữ ở cơ sở. Qua việc tổ chức thường xuyên các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, đội ngũ cán bộ hội, nhất là các chi hội trưởng cập nhật tốt kiến thức về mọi mặt như: kĩ năng điều hành sinh hoạt định kỳ, sinh hoạt đột xuất, kĩ năng vận động quần chúng, kĩ năng hòa giải và có thêm kiến thức, kinh nghiệm trong công việc thực tế ở cơ sở. Bà Tạ Thị Hiền, Chủ tịch Hội LHPN xã Công Lý (Lý Nhân) chia sẻ: Theo sự chỉ đạo của hội LHPN cấp trên, các đơn vị hội cơ sở đều duy trì tốt lịch sinh hoạt định kỳ, quản lý chặt chẽ hội viên, xây dựng và huy động được sự tham gia tích cực của đội ngũ hội viên nòng cốt. Đồng thời, duy trì tốt phương châm hoạt động “3 biết, 2 giúp đỡ”, nghĩa là: biết mặt, biết hoàn cảnh, biết nhu cầu của hội viên và giúp kiến thức, giúp cơ chế cho hội viên. Qua đó, đã tạo sự gắn kết chặt chẽ giữa cán bộ hội với hội viên, giúp cán bộ hội nắm bắt và giải quyết kịp thời những tâm tư, nguyện vọng chính đáng của hội viên… Từ đó, các cấp hội tiếp tục đa dạng hóa các hình thức tập hợp hội viên, nâng cao chất lượng sinh hoạt chi hội, nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, xu hướng của phụ nữ, nhất là phụ nữ trẻ tuổi để có các hình thức thu hút phù hợp.

Cùng với cách làm trên, mỗi năm các cấp hội trên địa bàn tỉnh đã kết nạp mới được trên 1.000 hội viên, nâng tổng số hội viên toàn tỉnh lên 204.044.

Xây dựng đội ngũ cán bộ hội tận tâm, chuyên nghiệp

Mặc dù thực tế đã ghi nhận sự nỗ lực của các cấp HPN trong thực hiện khâu đột phá về xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh nhưng để nâng cao hơn nữa chất lượng hoạt động của HPN cấp cơ sở vẫn cần có nhiều hơn các giải pháp, cách làm cụ thể cho mục tiêu tăng cường xây dựng, củng cố các chi hội cơ sở ngày càng vững mạnh, đáp ứng tốt các yêu cầu nhiệm vụ giai đoạn hiện nay.

Hằng năm, các cấp HPN tổ chức hiệu quả các lớp tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ giúp nâng cao năng lực, kĩ năng hoạt động cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Ảnh: Trần Hà

Nhiều năm qua, bộ máy của HPN cơ sở cơ bản gọn, thuận lợi cho công tác triển khai, tổ chức các hoạt động của hội và quản lý hội viên. Phong trào phụ nữ và hoạt động công tác hội vì thế cũng có nhiều khởi sắc, trong đó có đóng góp không nhỏ của HPN cấp cơ sở.

Với sự đổi mới thường xuyên về cả nội dung và phương thức hoạt động, HPN cơ sở đã tuyên truyền, vận động, thu hút khoảng 80% phụ nữ và trên 90% hội viên tích cực tham gia học tập nâng cao trình độ mọi mặt. Trong công tác và hoạt động của tổ chức HPN các cấp, nhất là HPN cơ sở, đội ngũ cán bộ hội chính là nòng cốt của mọi phong trào. Theo đánh giá hằng năm, chất lượng đội ngũ cán bộ HPN cơ sở đã từng bước đáp ứng được các yêu cầu của hoạt động hội và công tác phụ nữ. Đến nay, đội ngũ cán bộ cấp cơ sở đã được kiện toàn, đạt chuẩn chức danh. Trong đó, hầu hết cán bộ cơ sở có trình độ đào tạo đại học và trình độ trung cấp lý luận chính trị, được trẻ hóa, có năng lực và kĩ năng thực tiễn, đáp ứng yêu cầu công tác cán bộ.

Để từng bước nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội cơ sở, Hội LHPN tỉnh đã triển khai thực hiện Đề án “Nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hội cơ sở”; thường xuyên rà soát, nắm chất lượng cán bộ hội cơ sở theo chức danh, xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ hội các cấp. Căn cứ nhu cầu đào tạo của cán bộ, phối hợp mở các lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý Nhà nước, nghiệp vụ công tác hội cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Hội LHPN cấp huyện, thành phố, thị xã tích cực tham mưu với cấp ủy, chính quyền tạo điều kiện cho cán bộ hội được học tập về lý luận chính trị, tập huấn về kỹ năng nghiệp vụ nhằm giúp cán bộ hội cơ sở từng bước nâng cao kiến thức, kỹ năng điều hành.

Trên cơ sở đánh giá đúng thực tế về hoạt động của tổ chức cơ sở hội hiện nay, Ban Thường vụ Hội LHPN tỉnh xây dựng kế hoạch thực hiện nhiệm vụ xây dựng cơ sở hội vững mạnh nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức, hành động góp phần nâng cao chất lượng tổ chức, hoạt động của cơ sở hội và năng lực đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Theo đó, tỉnh hội yêu cầu đến hết nhiệm kỳ, 100% cơ sở hội có các mô hình “1+1” (1 chi hội khá kèm chi hội yếu; 1 hội viên vận động 1 phụ nữ tham gia tổ chức hội; 1 đảng viên nữ bồi dưỡng, giới thiệu phát triển Đảng cho 1 chi hội trưởng hoặc 1 hội viên nữ; 1 chi hội mạnh kết nghĩa giúp đỡ 1 chi hội yếu…); mô hình “3 có, 3 biết” (có hội viên tiên phong, có hoạt động hàng tháng, có nguồn lực tổ chức hoạt động; biết mặt hội viên, biết hoàn cảnh hội viên và biết nhu cầu hội viên, phụ nữ); xây dựng, củng cố ít nhất 1 mô hình thu hút hội viên đặc thù hoạt động sáng tạo, hiệu quả. Đồng thời, phấn đấu ít nhất 50% chi hội trưởng chưa là đảng viên được bồi dưỡng, giới thiệu phát triển đảng; hằng năm, 100% HPN cơ sở phối hợp tổ chức ít nhất 1 hoạt động nâng cao kiến thức cho hội viên, phụ nữ...

Bên cạnh đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội tập trung nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ hội; xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng phù hợp. Bà Dương Thị Kim Lợi, Phó Chủ tịch Hội LHPN tỉnh cho biết: Nhiệm vụ xây dựng tổ chức cơ sở hội vững mạnh là một nhiệm vụ thường xuyên, lâu dài, có vai trò quan trọng trong thực hiện công tác phụ nữ và các phong trào hội. Vì vậy, Hội LHPN tỉnh chủ trương vừa củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tổ chức hội, vừa phải làm tốt công tác kiện toàn, bồi dưỡng, nâng cao năng lực, trình độ cho đội ngũ cán bộ hội cơ sở. Tỉnh hội yêu cầu hội LHPN các huyện, thành phố, thị xã chủ động phối hợp mở các lớp tập huấn nâng cao năng lực, kỹ năng, nghiệp vụ công tác hội; tập huấn sử dụng các phần mềm ứng dụng cơ bản trong công tác quản lý, điều hành; chú trọng phương pháp, kỹ năng vận động quần chúng, giám sát, phản biện, phát hiện và xử lý tình huống, tổ chức hoạt động hội cho đội ngũ cán bộ… Tăng cường phối hợp tổ chức các hoạt động trao đổi, chia sẻ học hỏi kinh nghiệm bằng các hình thức linh hoạt và hướng dẫn hội cấp cơ sở làm tốt công tác giới thiệu quy hoạch, tạo nguồn đội ngũ cán bộ hội cơ sở; vận động phụ nữ có uy tín, trách nhiệm và kỹ năng vận động, tập hợp phụ nữ đảm nhận chức danh chi hội trưởng, tổ trưởng, người đứng đầu các tổ, nhóm; chủ động đề xuất bồi dưỡng lý luận chính trị cho chi hội trưởng chưa là đảng viên… từng bước xây dựng đội ngũ cán bộ hội “tận tâm, chuyên nghiệp, hiệu quả, nhân văn”.

Các tổ chức hội cơ sở đã linh hoạt thực hiện nhiều mô hình mang tới cho hội viên, phụ nữ những cơ hội được phát triển, hội nhập. Ảnh: Hà Trần

Cùng với đó, Hội LHPN tỉnh chỉ đạo các cấp hội không ngừng đổi mới nội dung, phương thức hoạt động tập hợp phụ nữ, phát triển hội viên; xây dựng và nhân rộng mô hình hoạt động hiệu quả, trong đó khuyến khích mở rộng các mô hình chi, tổ theo đặc thù đối tượng, sở thích, lứa tuổi, nghề nghiệp… Hằng năm, xây dựng kế hoạch triển khai thực hiện Đề án “Bồi dưỡng cán bộ, công chức hội LHPN các cấp và chi hội trưởng phụ nữ”; tiếp tục triển khai thực hiện Đề án số 01- ĐA/TU, ngày 28/9/2021 của BTV Tỉnh ủy về “Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với việc đổi mới nội dung, phương thức hoạt động của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể chính trị - xã hội giai đoạn 2021- 2025”...

Từ những định hướng đó, hội LHPN cấp huyện chủ động hướng dẫn, hỗ trợ cơ sở để nâng cao chất lượng nội dung sinh hoạt chi, tổ; tổ chức các “sân chơi” lành mạnh, bổ ích cho phụ nữ. Đồng thời, phát huy vai trò đội ngũ cán bộ hội cơ sở trong việc nắm chắc biến động, tình hình phụ nữ cũng như hoàn cảnh, tâm tư, nguyện vọng của hội viên, phụ nữ để có phương thức hoạt động phù hợp; chủ động tham mưu, đề xuất và huy động nguồn lực thúc đẩy xây dựng cơ sở hội; bố trí, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nữ, cán bộ hội và quan tâm công tác phát triển đảng viên nữ, tạo nguồn cán bộ nữ, cán bộ hội từ cơ sở.

Thanh Hà

Nguồn Hà Nam: https://baohanam.com.vn/xa-hoi/doan-hoi/xay-dung-to-chuc-hoi-phu-nu-cap-co-so-vung-manh-105362.html