Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt cần đi từ doanh nghiệp nhỏ nhất

Đó là ý kiến của bà Vũ Hoài Thu, Giám đốc Ideal Foods Việt Nam tại tọa đàm trực tuyến về chủ đề 'Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt: Cái nhìn từ chính sách và thực tiễn' do VCCI tổ chức vào chiều 18/12.

Hiện nay, Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với thế giới trên tất cả mọi mặt. Tuy nhiên, Việt Nam chưa có các thương hiệu thực phẩm mang tầm cỡ quốc gia và quốc tế. Trong khi đó, ngành thực phẩm Việt Nam là ngành có tiềm năng lớn đóng vai trò thúc đẩy phát triển kim ngạch xuất khẩu nông sản thực phẩm chiếm tỉ lệ cao trong kim ngạch xuất khẩu và liên tục tăng trong nhiều năm.

Cùng với đó, người tiêu dùng nước ngoài vẫn chưa có nhiều khái niệm về các sản phẩm mang thương hiệu Việt Nam. Một phần do Việt Nam xuất khẩu hiện qua trung gian là một thương hiệu nước ngoài hoặc chỉ xuất khẩu sản phẩm dưới dạng thô, khiến giá trị và tầm vóc của sản phẩm Việt chưa cao.

Thêm vào đó, hầu như các doanh nghiệp thực phẩm nông sản chủ yếu là doanh nghiệp vừa và nhỏ với điều kiện còn hạn chế nên khó khăn trong phát triển thương hiệu. Thực phẩm Việt phải đối mặt với nhiều vấn đề như chất lượng sản phẩm, giá trị gia tăng chưa cao, thị trường của các nước phát triển như châu Âu, châu Mỹ lại có yêu cầu khắt khe về an toàn thực phẩm.

Toàn cảnh buổi tọa đàm "Xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt".

Nhận định về vấn đề này, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công Thương) cho biết, Cục đã nhận được nhiều phản ánh của doanh nghiệp vướng mắc về các lô hàng xuất khẩu sang thị trường khó tính bị trả về như thị trường Nhật, châu Âu. Như vậy, quy định ngày càng thắt chặt mà doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mực. Điều này gây ra sự thiếu liên kết trong việc xây dựng thương hiệu chung toàn ngành khiến thực phẩm Việt đang dần mất thị phần.

Đánh giá về việc xây dựng thương hiệu, bà Vũ Hoài Thu, Giám đốc Ideal Foods Việt Nam cho rằng, hạn chế của cá nhân doanh nghiệp và các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong việc xây dựng thương hiệu là các chủ doanh nghiệp chưa có sự hiểu biết xác đáng về việc xây dựng thương hiệu. Vẫn còn tình trạng mơ hồ, chưa triển khai được từ mong muốn thành hành động cụ thể.

Mặt khác, bà Thu cho rằng, các chi phí cho xây dựng thương hiệu chưa được các doanh nghiệp nhỏ và vừa coi là các khoản đầu tư. Mà khi chỉ là những chi phí đơn thuần thì các doanh nghiệp hoàn toàn có thể cắt giảm và dẫn đến việc thương hiệu chưa đạt được hiệu quả như mong muốn. Bên cạnh đó, đa phần các doanh nghiệp thực phẩm đã có ý thức xây dựng thương hiệu nhưng chưa khai thác được. Do đó, muốn khai thác hiệu quả cần giúp doanh nghiệp tăng sự hiểu biết và đồng bộ trong hành động. Đồng thời, muốn xây dựng một thương hiệu Việt mang tầm vóc quốc gia hay lớn hơn là khu vực cần có sự tập hợp sức mạnh, xây dựng tốt từ gốc là các doanh nghiệp nhỏ và vừa qua quá trình lâu dài và cần nhiều nỗ lực.

Thời gian qua, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp của các cơ quan chính quyền về đào tạo xây dựng thương hiệu đều rất hiệu quả nhưng vẫn chưa đủ. Bà Thu kiến nghị, cần thay đổi cách thức và tần suất đào tạo. Có thể tham khảo thay đổi hình thức đào tạo như đi vào doanh nghiệp cụ thể và đào tạo trên chính doanh nghiệp đó, và lấy đó làm mô hình cho các doanh nghiệp khác.

Bà Vũ Hoài Thu, Giám đốc Ideal Foods Việt Nam.

Ở góc độ cá nhân doanh nghiệp nói riêng và đại diện cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ nói chung, bà Vũ Hoài Thu mong muốn nhận được những hỗ trợ từ các cơ quan quản lý về vấn đề ngân sách hoạt động xây dựng thương hiệu. Bên cạnh đó, các hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp trong việc marketing thương hiệu cần thường xuyên và làm đều đặn không ngắt quãng. Đặc biệt, các chương trình hỗ trợ đào tạo cần thực tế hơn, mang tính cầm tay chỉ việc hơn là chỉ nghe lý thuyết, hội thảo.

Đưa ra giải pháp nhằm thúc đẩy xây dựng thương hiệu thực phẩm Việt cho doanh nghiệp, theo ông Lê Tất Chiến Phó Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu, Đào tạo và Hỗ trợ, Tư vấn (Cục Sở hữu tuệ), cho rằng các doanh nghiệp phải tập trung vào các phương pháp cụ thể.

Trước tiên, nên đăng ký bảo hộ thương hiệu. Sau khi đăng ký, doanh nghiệp phải quan tâm tới việc phát triển, quản trị thương hiệu đó, và tiếp thu phản hồi của người tiêu dùng đối với thương hiệu của doanh nghiệp là như thế nào?

Bên cạnh việc xây dựng thương hiệu, doanh nghiệp cũng nên có sự phân khúc các sản phẩm theo nhu cầu khách hàng, đừng đánh đồng khách hàng vào một nhóm chung. Nên có các dòng nhãn hiệu cao cấp hay bình dân theo nhu cầu của từng nhóm khách hàng. Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần lưu ý, nếu chỉ tập trung vào việc xây dựng thương hiệu mạnh song thiếu sự đầu tư vào dây chuyền công nghệ thì cũng khó có được giá thành cạnh tranh và đưa được sản phẩm ra thị trường.

Ngoài ra, doanh nghiệp cũng cần phải phối hợp chặt chẽ hợp trong việc xử lý hàng giả, hàng nhái và hàng kém chất lượng. Hiện nay, khi cơ quan chức năng có vào cuộc xử lý hàng giả, bản thân doanh nghiệp cũng không biết cách phối hợp, hoặc thậm chí doanh nghiệp không mặn mà với việc này.

Ông Lê Tất Chiến kỳ vọng, khi doanh nghiệp có bất kỳ có khó khăn gì liên quan đến việc đăng ký thương hiệu, quản trị nhãn hiệu thì cứ liên hệ với Cục. Hiện nay, Cục Sở hữu Trí tuệ đã có văn phòng tại TPHCM và Đà Nẵng ngoài trụ sở chính là Hà Nội.

Đông Nghi

Nguồn Doanh Nhân VN: https://doanhnhanvn.vn/chuyen-dong-kinh-te/xay-dung-thuong-hieu-thuc-pham-viet-can-di-tu-doanh-nghiep-nho-nhat-4328.html