Xây dựng những vùng chuyên canh sầu riêng xuất khẩu

Với tổng diện tích hơn 11,3 ngàn ha, Đồng Nai là tỉnh có diện tích sầu riêng thuộc tốp đầu của cả nước. Tỉnh đã hình thành được nhiều vùng chuyên canh sản xuất an toàn, được cấp chứng nhận VietGAP. Một số địa phương đã quy hoạch vùng nông nghiệp công nghệ cao tập trung phát triển cây sầu riêng.

Bà Nguyễn Thị Tâm, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất phấn khởi khoe vụ thu hoạch sầu riêng trúng mùa, trúng giá. Ảnh: B.Nguyên

Bà Nguyễn Thị Tâm, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Thiện, H.Thống Nhất phấn khởi khoe vụ thu hoạch sầu riêng trúng mùa, trúng giá. Ảnh: B.Nguyên

Với lợi thế trên, tỉnh thu hút nhiều doanh nghiệp (DN) chế biến, xuất khẩu liên kết với HTX, nông dân nhân rộng diện tích vùng trồng, cơ sở đóng gói đạt chuẩn thị trường xuất khẩu để có đầu ra bền vững.

* Có tiếng về chất lượng sầu riêng ngon

Hiện các giống sầu riêng trồng chủ yếu trên địa bàn tỉnh đều là các giống có lợi thế xuất khẩu như: Ri6, Dona. Không chỉ có lợi thế về thổ nhưỡng để phát triển diện tích cây sầu riêng, nông dân trên địa bàn tỉnh còn có tay nghề giỏi nên cây trồng này đạt năng suất cao, chất lượng tốt, năng suất bình quân đạt 12 tấn/ha, nhiều vùng chuyên canh như H.Cẩm Mỹ, TP.Long Khánh năng suất lên đến 25 tấn/ha.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu thương mại Toàn Thắng (xã Xuân Tây, H.Cẩm Mỹ) Trương A Vùng nhận xét, trái sầu riêng của Đồng Nai có hương vị đậm đà, thơm ngon không chỉ nhờ thổ nhưỡng mà còn do những đôi tay vàng của người nông dân giàu kinh nghiệm. Sầu riêng được mệnh danh là “vua” của các loại trái cây không chỉ vì đây là trái cây ngon mà còn do những giá trị dinh dưỡng tuyệt vời, tốt cho sức khỏe con người nên được cả người tiêu dùng trong nước và thế giới rất ưa chuộng. DN đã đầu tư làm sầu riêng đông lạnh xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới nhằm tăng thêm giá trị lên gấp 2-3 lần so với bán trái tươi.

Với hơn 11,3 ngàn ha sầu riêng, Đồng Nai đang cung cấp cho thị trường gần 69 ngàn tấn/năm, trong đó chủ yếu xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc.

Đặc biệt, Đồng Nai đi tiên phong trong xây dựng thương hiệu riêng cho đặc sản trái sầu riêng. Nói đến giống đặc sản sầu riêng nổi tiếng nhất của Đồng Nai phải kể đến sầu riêng DONA. Giống sầu riêng này do Công ty CP Phát triển công nghệ sinh học (Dona - Techno) tại TP.Long Khánh sản xuất, đã được đưa vào bộ giống quốc gia. Đồng Nai còn là tỉnh đầu tiên xuất khẩu trái sầu riêng sang thị trường Hoa Kỳ với thương hiệu sầu riêng DONA. Hiện thương hiệu sầu riêng DONA không chỉ được đăng ký sở hữu trí tuệ ở Việt Nam mà cả ở nhiều nước trên thế giới. Giống sầu riêng này cũng được người dân tại nhiều tỉnh, thành trồng phổ biến.

Đồng Nai là một trong những tỉnh thực hiện hiệu quả việc triển khai cấp mã số vùng trồng sầu riêng xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc. Cuối năm 2022, trong đợt đánh giá đầu tiên cấp mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, toàn tỉnh có 7 vùng trồng với 533ha. Đến nay, tỉnh đã có 12 vùng trồng sầu riêng được cấp mã xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc với diện tích gần 1 ngàn ha.

Giám đốc HTX Nông nghiệp, dịch vụ, thương mại Bình Lộc (TP.Long Khánh) Phùng Thanh Tâm chia sẻ, điều thuận lợi khi HTX làm mã số vùng trồng cho sầu riêng là từ nhiều năm nay, nông dân đã chuyển hướng sang sản xuất hữu cơ, an toàn. Để đạt tiêu chuẩn cấp mã số vùng trồng, nông dân được tập huấn về quản lý dịch hại tổng hợp; các biện pháp quản lý sâu bệnh tại vườn trồng; các biện pháp canh tác, quản lý sau thu hoạch… Bà con đều phải làm sổ nhật ký canh tác, lưu trữ tài liệu, nhờ đó dễ dàng kiểm tra việc sử dụng phân bón sinh học, quy trình phòng trừ sâu bệnh, đặc biệt một số hoạt chất đã được cảnh báo không được sử dụng từ nước nhập khẩu.

* Thu hút doanh nghiệp đầu tư

Với lợi thế có diện tích sầu riêng lớn, tỉnh đang thu hút nhiều DN chế biến, xuất khẩu sầu riêng về đầu tư. DN rất quan tâm xây dựng chuỗi liên kết, hợp tác với HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh nhân rộng diện tích được cấp mã số vùng trồng để đáp ứng thị trường xuất khẩu.

Làm sản phẩm sầu riêng cấp đông xuất khẩu tại một doanh nghiệp chế biến trên địa bàn H.Xuân Lộc

Làm sản phẩm sầu riêng cấp đông xuất khẩu tại một doanh nghiệp chế biến trên địa bàn H.Xuân Lộc

Bà Nguyễn Thị Tâm, nông dân trồng sầu riêng tại xã Xuân Thiện (H.Thống Nhất) vui vẻ khoe, nhờ làm mã số vùng trồng, bà được tham gia các lớp tập huấn, hướng dẫn về kỹ thuật nên vụ thu hoạch năm nay, vườn sầu riêng của gia đình bà đạt năng suất tốt. Ngoài ra, nhờ đạt chuẩn xuất khẩu nên vườn của gia đình bà được thương lái mua bao cả vườn với giá 50 ngàn đồng/kg suốt vụ. Nhà vườn còn có lợi nhuận cao hơn nhờ tỷ lệ hàng dạt bị loại ra thấp hơn nhiều so với mọi năm.

Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Hòa Hạnh (xã Bàu Trâm, TP.Long Khánh) Hoàng Thị Mỹ Ngọc chia sẻ, hiện công ty có 3 nhà máy đóng gói, sơ chế sầu riêng xuất khẩu. Chỉ tính riêng nhà máy ở TP.Long Khánh có công suất 150 tấn/ngày, thu mua khoảng 90 ngàn tấn sầu riêng/năm. DN đã xây dựng một đội ngũ kỹ thuật viên để hướng dẫn người dân làm mã số vùng trồng nhằm đảm bảo sản lượng sầu riêng xuất khẩu đi thị trường Trung Quốc cũng như các thị trường khó tính khác. DN rất mong chính quyền địa phương hỗ trợ cho DN, HTX, nông dân xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ sầu riêng bền vững tại địa phương.

Cùng quan điểm, Giám đốc Công ty TNHH Xuất nhập khẩu trái cây Chánh Thu (tỉnh Tiền Giang) Nguyễn Thị Hồng Thu cho hay, DN đang nỗ lực xây dựng chuỗi liên kết với các vùng trồng sầu riêng trên địa bàn Đồng Nai cung cấp cho thị trường xuất khẩu. DN rất mong hợp tác với các HTX, nông dân trên địa bàn tỉnh để xây dựng được những chuỗi liên kết bền vững trên tinh thần cùng nhau phát triển, chia sẻ lợi ích.

Bình Nguyên

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202306/xay-dung-nhung-vung-chuyen-canh-sau-rieng-xuat-khau-3169006/