Xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm công nghiệp nông thôn

Trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhãn hiệu hàng hóa là một phần không thể thiếu đối với các cơ sở sản xuất sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT). Bởi, khi đơn vị xây dựng được một nhãn hiệu uy tín, được khách hàng ghi nhớ, sản phẩm đó sẽ có vị thế vững chắc trên thị trường, việc mở rộng thị trường, kết nối, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sẽ dễ dàng hơn. Nắm rõ được ưu điểm này, dựa trên sự hỗ trợ của tỉnh và các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, hàng trăm sản phẩm CNNT đã được đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, khẳng định vị thế trên thị trường.

Phơi nhiễu sau nhuộm màu tại làng nghề dệt nhiễu Hồng Đô, thị trấn Thiệu Hóa (Thiệu Hóa).

Theo số liệu thống kê của Sở Khoa học và Công nghệ, tính đến hết tháng 5-2021, tỉnh ta có 400 văn bằng bảo hộ được cấp cho các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, thực tế, các doanh nghiệp, cơ sở sản xuất các sản phẩm CNNT trên địa bàn tỉnh đều có quy mô nhỏ, siêu nhỏ và chủ yếu là sản phẩm làng nghề nên rất khó xây dựng được thương hiệu cho các sản phẩm của mình hoặc đã đăng ký được nhãn hiệu sản phẩm hàng hóa song vẫn loay hoay để phát triển thị trường, hướng tới xây dựng thương hiệu vững mạnh hơn. Được phát triển từ nghề ươm tơ, dệt nhiễu truyền thống có hàng trăm năm, cơ sở sản xuất nhiễu của ông Lê Viết Hạnh, khu phố 10, thị trấn Thiệu Hóa đã mất hàng chục năm để gây dựng, giữ gìn và phát huy thương hiệu của nghề truyền thống. Hiện nay, gia đình ông Hạnh là cơ sở duy nhất làm nghề dệt nhiễu tại địa phương vẫn duy trì hoạt động sản xuất. Hằng tháng, cơ sở cung cấp khoảng 1.500 tấm nhiễu cho thị trường, doanh thu khoảng 300 triệu đồng/tháng, lợi nhuận khoảng 50 triệu đồng/tháng. Ông Hạnh cho biết: Để duy trì, xây dựng được nhãn hiệu và chiếm được lòng tin của người tiêu dùng đòi hỏi cơ sở phải trau chuốt, đầu tư về trí tuệ, thời gian, công sức... Đồng thời, có những bí quyết riêng để sản phẩm nhiễu có màu sắc bền, đẹp nhưng vẫn giữ được độ mềm mại vốn có của lụa. Ngoài khẳng định về chất lượng, việc sản phẩm nhiễu Hồng Đô đã được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận nhãn hiệu chính là lợi thế để sản phẩm vươn xa hơn trên thị trường.

Khảo sát thực tế tại nhiều doanh nghiệp, cơ sở, HTX sản xuất, kinh doanh trên địa bàn tỉnh, nhận thấy, đa phần các sản phẩm CNNT đưa ra thị trường tiêu thụ đều được các chủ thể sản xuất đặt tên, dán nhãn cụ thể. Song, thực tế đó chỉ là quá trình gọi tên ban đầu cho sản phẩm, còn việc được công nhận duy trì, phát huy và được bảo hộ nhãn hiệu theo quy định của pháp luật, tạo niềm tin, khẳng định vị thế của sản phẩm không phải là điều dễ dàng. Công ty CP Thảo Ngọc Việt (thị xã Nghi Sơn), hiện đang phát triển ổn định nhờ tìm được đúng hướng phát triển và bảo vệ được nhãn hiệu, từng bước xây dựng thương hiệu của sản phẩm. Được biết, sau hơn 3 năm nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của thị trường, công ty đã đầu tư hệ thống máy móc hiện đại để phát triển sản phẩm đông trùng hạ thảo chất lượng, có tính cạnh tranh cao. Anh Trịnh Đức Trọng, giám đốc công ty, cho biết: Để tạo ra sản phẩm đông trùng hạ thảo chất lượng cao cần phối trộn các nguyên liệu nhộng tằm, gạo lứt cao cấp, các loại vitamin B1, B12, B6... theo tỷ lệ nhất định, nghiền nhỏ, cân bằng độ PH, đưa vào nồi hấp ở 121 độ C, sau được làm nguội và cấy giống đông trùng hạ thảo. Bên cạnh đó, phải luôn duy trì độ ẩm từ 85 đến 95% trong phòng nuôi. Sau khi cấy phôi giống vào đế dinh dưỡng phải để trong tối từ 7 đến 10 ngày, sau khi phôi ăn kín đáy, mới chuyển sang môi trường ánh sáng 12 giờ mỗi ngày. Sau 65 đến 70 ngày, một lứa đông trùng hạ thảo được thu hoạch. Tuy nhiên, việc xây dựng thương hiệu cũng không dễ, nhất là khi trên thị trường có nhiều sản phẩm tương tự. Do đó, công ty đã đăng ký quyền bảo hộ sở hữu trí tuệ, bảo hộ nhãn hiệu, kiểu dáng công nghiệp và các tiêu chuẩn chất lượng khác để thông hành trên thị trường. Đồng thời, đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, mở rộng kênh bán hàng và tích cực tham gia các hội chợ, triển lãm, nhất là Chương trình OCOP cấp tỉnh. Nhờ đó, công ty đã có 4 sản phẩm đã được công nhận là sản phẩm OCOP cấp tỉnh 3 - 4 sao.

Trao đổi về vấn đề làm thế nào để xây dựng nhãn hiệu cho các sản phẩm CNNT hiệu quả, ông Lê Tế Tâm, Trưởng Phòng Quản lý chuyên ngành, Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: Trên thị trường, nhất là tại các làng nghề, sẽ tạo ra nhiều sản phẩm CNNT khá giống nhau. Vì vậy, các cơ sở sản xuất phải tạo được sự khác biệt mới có thể tạo dựng được nhãn hiệu - định vị riêng cho một sản phẩm. Do đó, đơn vị sản xuất muốn đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm và phát triển hiệu quả, bền vững nhãn hiệu đó cần có quy trình, thiết kế nhãn hiệu khác biệt và quá trình quảng bá phù hợp. Nhất là, phải bảo đảm hàng hóa đúng với quảng cáo để giữ uy tín, khẳng định thương hiệu trên thị trường. Ngoài ra, đơn vị chủ thể của sản phẩm CNNT cần phải có chính sách khuyến mại, chính sách bảo hộ thương hiệu, có đội ngũ nhân viên để cập nhật thị trường; nắm bắt, theo dõi tình trạng làm hàng giả, hàng nhái, để kiến nghị với các cơ quan chức năng xử lý, từ đó đưa ra các biện pháp cần thiết để thông báo cho khách hàng...

Được biết, hiện nay, Sở Khoa học và Công nghệ đã và đang tiếp tục hỗ trợ các địa phương, đơn vị đưa tiến bộ khoa học - kỹ thuật, quy trình công nghệ vào sản xuất, nhất là phát triển mặt hàng chủ lực của địa phương. Đồng thời, phối hợp với các cơ quan liên quan xây dựng và triển khai các dự án bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho những sản phẩm có chất lượng, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển sản xuất, mở rộng thị trường. Ngoài ra, chính quyền các cấp lồng ghép, vận dụng nhiều chương trình phát triển kinh tế - xã hội để tạo nguồn kinh phí đầu tư cho các doanh nghiệp, HTX, cơ sở sản xuất nâng cao kỹ thuật, công nghệ sản xuất và mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm... Qua đó, nhiều sản phẩm CNNT đã xây dựng được thương hiệu, nhãn hiệu tập thể và nâng cao giá trị sản xuất, như: chiếu cói Việt Trang, mắm Lê Gia, bánh gai Lâm Thắng, gạo sạch Hương Quê, chè lam Phủ Quảng, rượu Chine men xanh cao cấp, nước mắm Ba Làng... góp phần hữu hiệu thúc đẩy kinh tế - xã hội, tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho người dân.

Bài và ảnh: Lê Thanh

Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/kinh-te/xay-dung-nhan-hieu-cho-cac-san-pham-cong-nghiep-nong-thon/138599.htm