Xây dựng nguồn lực cho phát triển văn hóa

Thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW ngày 16/6/2008 của Bộ Chính trị (khóa X) về tiếp tục xây dựng và phát triển VHNT trong thời kỳ mới, thời gian qua, tại Hà Nội, các phong trào nghệ thuật quần chúng đã phát triển sâu rộng, thu hút đông đảo các văn nghệ sĩ, tầng lớp Nhân dân tham gia.

Thông qua các hoạt động, văn học, nghệ thuật (VHNT) được bảo tồn, CLB văn học, nghệ thuật quần chúng được duy trì, góp phần phát hiện, đào tạo nhân lực chất lượng cao.

Văn học, nghệ thuật quần chúng phát triển

Huyện Ðông Anh được biết đến với nhiều môn nghệ thuật truyền thống như: Ca trù Lỗ Khê, tuồng cổ Xuân Nộn, chèo Dục Tú, rối nước Ðào Thục... Ðể thúc đẩy sự phát triển nghệ thuật truyền thống, huyện đã ưu tiên đầu tư hạ tầng văn hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Ðông Anh Nguyễn Thị Tám cho biết, hiện nay, huyện tập trung quy hoạch và triển khai 186 dự án đầu tư xây dựng mới; cải tạo, sửa chữa, nâng cấp nhà văn hóa thôn với tổng kinh phí gần 500 tỷ đồng; đồng thời, làm tốt công tác quản lý, khai thác, phát huy hiệu quả nhà văn hóa-khu thể thao, điểm sinh hoạt cộng đồng. Ðông Anh cũng bố trí kinh phí đầu tư, bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, nhất là các môn nghệ thuật, thể thao truyền thống.

Nghệ thuật múa rối nước ở làng Đào Thục. Ảnh: Thành Công.

Nghệ thuật múa rối nước ở làng Đào Thục. Ảnh: Thành Công.

Trung bình, hằng năm có 178 buổi văn nghệ quần chúng, 390 giải thể thao được tổ chức tại các thôn, tổ dân phố chủ yếu bằng nguồn xã hội hóa. Các hoạt động văn hóa, thể thao được tổ chức từ cơ sở đến Huyện với nhiều nội dung phong phú, đa dạng, sôi nổi, thu hút đông đảo mọi tầng lớp nhân dân tham gia.

Tại huyện Ba Vì, nhằm bảo tồn các giá trị văn hóa đặc sắc, Huyện ủy, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng Dân tộc huyện xây dựng Ðề án số 05/ÐA-UBND ngày 30/11/2012 về Bảo tồn, khôi phục và phát triển bản sắc văn hóa dân tộc thiểu số huyện Ba Vì giai đoạn 2012-2015 và những năm tiếp theo. Ðến nay, tất cả xã miền núi đã thành lập đội bảo tồn cồng chiêng, tham gia thường xuyên các hoạt động văn hóa nghệ thuật quần chúng tại các thôn. Hiện huyện có 56 đội bảo tồn cồng chiêng Mường và chuông, chiêng của đồng bào Dao.

Tại Đan Phượng, địa phương đã triển khai nhiều giải pháp bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa phi vật thể Chèo tàu. Năm 2022, nghệ thuật trình diễn dân gian Chèo tàu được lựa chọn đưa vào chương trình giảng dạy lịch sử văn hóa địa phương trong hệ thống trường THCS, Tiểu học của huyện Đan Phượng.

Việc phát triển VHNT cũng được các địa phương chú trọng và triển khai bằng nhiều hình thức phong phú, đa dạng. Các quận Hoàn Kiếm, Hai Bà Trưng, thị xã Sơn Tây tổ chức các không gian đi bộ, tạo điều kiện cho người dân tham gia, thưởng thức các loại hình nghệ thuật khác nhau.

Tập trung nguồn lực, đầu tư trọng tâm

Mặc dù đạt được nhiều thành tựu quan trọng, song một số mặt của văn học, nghệ thuật Thủ đô vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu thực tiễn: Tình trạng hạ tầng cơ sở, kỹ thuật chưa đáp ứng yêu cầu phát triển; văn hóa đọc chưa đi vào thực chất; đầu tư cho văn hóa nghệ thuật còn thấp, chưa xứng tầm với vai trò, vị thế của Thủ đô; việc bảo tồn các loại hình văn học, nghệ thuật truyền thống đang đứng trước nhiều thách thức.

Tại Thạch Thất, theo Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Lê Minh Đức: Những năm trước đây, 3 phường rối nước của huyện phát triển rất mạnh mẽ, hàng năm đều có các đoàn khách quốc tế, các tour du lịch đưa khách tham quan, trải nghiệm… Tuy nhiên, nghệ thuật múa rối nước dân gian hiện nay đang có nguy cơ dần bị mai một.

Biểu diễn cồng chiêng Mường tại Lễ khai trương Năm Du lịch Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú.

Biểu diễn cồng chiêng Mường tại Lễ khai trương Năm Du lịch Ba Vì. Ảnh: Ngọc Tú.

Đối với văn hóa cồng chiêng, Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy - Chủ tịch HĐND huyện Ba Vì Phùng Tân Nhị chia sẻ: Quá trình công nghiệp hóa, đô thị hóa cũng làm cho không gian văn hóa, không gian sinh tồn của một số giá trị văn hóa của đồng bào dân tộc thiểu số miền núi bị thu hẹp. Đặc biệt, sự giao lưu, giao thoa văn hóa diễn ra nhanh, mạnh khiến cho việc bảo tồn các giá trị văn hóa dân tộc nói chung và văn hóa cồng chiêng nói riêng có nguy cơ bị mai một. Bên cạnh đó, nhận thức về việc bảo tồn và phát triển văn hóa dân tộc thiểu số miền núi của cộng đồng dân tộc thiểu số miền núi chưa sâu sắc, đầy đủ; chưa xác định được tầm quan trọng của công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển.

Tại Hội nghị tổng kết 15 năm thực hiện Nghị quyết số 23-NQ/TW, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội Nguyễn Văn Phong yêu cầu cả hệ thống chính trị cần tiếp tục triển khai các quan điểm chỉ đạo của T.Ư về phát triển văn học, nghệ thuật nói riêng, trong đó tập trung nguồn lực, đầu tư có trọng tâm, trọng điểm; chú trọng công tác bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa, văn nghệ truyền thống...; đồng thời, phát huy vai trò của các nghệ nhân dân gian trong thực hành, phổ biến và truyền dạy văn hóa, văn nghệ dân gian...

Bên cạnh đó, tập trung xây dựng nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân lực chất lượng cao cho phát triển văn hóa, văn học, nghệ thuật nhất là các ngành công nghiệp văn hóa, thiết kế sáng tạo; đồng thời đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ hiện đại trong phát triển văn học, nghệ thuật nhằm đáp ứng yêu cầu của sự phát triển.

An Nhiên

Nguồn KTĐT: https://kinhtedothi.vn/xay-dung-nguon-luc-cho-phat-trien-van-hoa.html