Xây dựng nền nông nghiệp thông minh, hiện đại

Tại hội nghị tổng kết năm 2022, triển khai nhiệm vụ năm 2023 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN-PTNT), Bộ trưởng Lê Minh Hoan đã chỉ ra, năm 2023, ngành nông nghiệp tiếp tục phải đối mặt với 3 chữ 'biến': biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng. Do đó, việc canh tác sản xuất cũng phải kịp thời thích ứng nhằm bảo đảm an ninh lương thực, giữ vững được chỉ số tăng trưởng ngành và bảo đảm đời sống nông dân.

Tăng cường ứng dụng cơ giới hóa

Những năm qua, cùng với tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, ứng dụng cơ giới hóa (CGH) trong sản xuất nông nghiệp đã được Đồng Nai chú trọng thực hiện. Tỷ lệ CGH trong sản xuất nông nghiệp không ngừng tăng lên, góp phần giảm chi phí sản xuất, nâng cao hiệu quả trên cùng diện tích canh tác.

Ngành nông nghiệp Đồng Nai đang triển khai xây dựng chuỗi liên kết sản xuất, hợp tác trong sản xuất – chế biến – tiêu thụ nông sản mang lại hiệu quả cao. Ảnh: ITN

Ngày 10.12.2018, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Quyết định số 4406/QĐ-UBND về việc phê duyệt Đề án “Đẩy mạnh cơ giới hóa, giảm tổn thất trong nông nghiệp đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 tạo động lực tái cơ cấu ngành nông nghiệp trên địa bàn tỉnh Đồng Nai”. Căn cứ Quyết định này, ngày 18.10.2021, UBND tỉnh Đồng Nai tiếp tục ban hành Văn bản 12768/KH-UBND về việc xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án trên giai đoạn 2021 - 2025.

Theo đó, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) và nông dân được hỗ trợ, khuyến khích phát triển các hình thức tổ chức sản xuất liên kết để có thể sử dụng các loại máy móc, thiết bị, công nghệ tiên tiến trong sản xuất nông nghiệp. Sở NN - PTNT tỉnh phối hợp chặt chẽ giữa các đơn vị thuộc Sở với các địa phương trong thực hiện nhiệm vụ, giải pháp của ngành để triển khai tốt các chính sách, nhằm khuyến khích hỗ trợ các tổ chức, cá nhân đầu tư đưa máy móc, thiết bị cơ giới hóa vào các khâu sản xuất nông nghiệp.

Đặc biệt chú trọng đến công tác tuyên truyền thông qua nhiều hình thức hội nghị, hội thảo, tập huấn, website… về chính sách cơ giới hóa, các mô hình ứng dụng cơ giới hóa nông nghiệp, lợi ích, hiệu quả của việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp. Cụ thể, tổ chức hội thảo ứng dụng mô hình máy bay không người lái trong phục vụ bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật và gieo sạ; tổ chức các lớp đào tạo kỹ năng vận hành máy trong sản xuất nông nghiệp; các lớp đào tạo sửa chữa cơ khí nông nghiệp; tổ chức hội thi nông dân ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất nông nghiệp hàng năm...

Mục tiêu của Đề án là sản xuất nông nghiệp cơ bản được cơ giới hóa ở các khâu từ sản xuất, thu hoạch, chế biến, bảo quản nông sản nhằm nâng cao hiệu quả kinh tế, xã hội và môi trường; trong đó các vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung được cơ giới hóa đồng bộ.

Trong giai đoạn 2021 - 2025, Đồng Nai phấn đấu tỷ lệ cơ giới hóa trong trồng trọt đạt tỷ lệ cao, cụ thể, khâu làm đất đạt 95%; khâu phun thuốc bảo vệ thực vật đạt 99,3%; khâu thu hoạch đạt 80,5%, khâu vận chuyển đạt 99,6%...Với lĩnh vực chăn nuôi, Đồng Nai đặt mục tiêu đạt 100% cơ giới hóa trong các khâu giết mổ và vận chuyển. Từ đó giảm tỷ lệ tổn thất ở các khâu sản xuất trong trồng trọt, chăn nuôi và nuôi trồng, khai thác thủy sản.

Tại huyện Trảng Bom, chuỗi liên kết tiêu thụ sản phẩm từ chuối có 100% thành viên của các tổ hợp tác được đào tạo, nắm chắc quy trình sản xuất, vận hành hiệu quả hệ thống tưới tự động, kiểm soát quá trình sinh trưởng của cây qua hệ thống dữ liệu trên máy vi tính, vận hành nhà kho, máy móc sơ chế, hệ thống bảo quản.

Chuối được trồng theo quy trình khép kín với chất thải hữu cơ trong sản xuất được tận dụng làm phân bón lại cho vườn chuối. Ngoài xuất khẩu trái chuối tươi, các nhà sơ chế, chế biến cùng hệ thống dây chuyền thu hoạch chuối, máy chế biến nông sản khô, máy chế biến dẻo các loại nông sản, hệ thống kho lạnh để làm sản phẩm chế biến từ chuối đều được HTX đầu tư mang lại hiệu quả kinh tế cao đưa chuối trở thành một trong 24 cây trồng chủ lực tại Đồng Nai.

Đẩy mạnh chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp

Cùng với CGH, nhằm đẩy mạnh các hoạt động kết nối sản xuất với tiêu thụ nông sản, phát triển ngành nghề, dịch vụ du lịch nông nghiệp, nông thôn Đồng Nai đang từng bước đẩy mạnh công tác chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp.

Thứ trưởng Bộ NN - PTNT Phùng Đức Tiến khẳng định, chuyển đổi số là xu thế tất yếu, là đòi hỏi, yêu cầu khách quan của sự phát triển, không thể không làm, không thể đứng ngoài cuộc, đặc biệt là chuyển đổi số trong nông nghiệp.

Theo đó, 11.8.2022, UBND tỉnh Đồng Nai đã ban hành Kế hoạch chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030 trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh giao Sở NN - PTNT làm đầu mối đề ra những mục tiêu cụ thể gồm: Phát triển chính chuyền số, nâng cao hiệu quả, hiệu lực hoạt động: 100% giao dịch trên Cổng dịch vụ công quốc gia, cổng dịch vụ công trực tuyến và hệ thống thông tin một cửa.

Hoàn thiện hệ sinh thái nông nghiệp số, nông thôn số trên nền tảng dữ liệu và thông tin thống nhất; Phát triển kinh tế nông nghiệp số, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế: Tỷ trọng kinh tế số nông nghiệp trung bình đạt tối thiểu 20%; tốc độ tăng trưởng GRDP nông, lâm, thủy sản đạt bình quân tối thiểu 2,5%/năm, tối thiểu 50% hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp, quản lý chất lượng, truy xuất nguồn gốc, chuỗi cung ứng sản phẩm có ứng dụng công nghệ số và ngành nông nghiệp, phát triển nông thôn thuộc nhóm ngành dẫn đầu về chỉ số cạnh tranh.

Phát triển nông thôn số, nông dân số nhằm thu hẹp khoảng cách số: Phải có trên 90% nông dân tiếp cận tri thức, công nghệ; 100% các làng nghề truyền thống được tiếp cận với công nghệ số, ứng dụng công nghệ số trong sản xuất, kinh doanh; 100% các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ được tập huấn, hướng dẫn, hỗ trợ các nội dung về ứng dụng công nghệ thông tin và chuyển đổi số; 70% các doanh nghiệp, hợp tác xã, kinh tế hộ sử dụng, khai thác các nền tảng dùng chung và chia sẻ dữ liệu với Hệ sinh thái nông nghiệp số.

Điểm chung của các mô hình nông nghiệp đô thị công nghệ cao là các sản phẩm sản xuất ra theo hướng sạch, áp dụng quy trình GAP, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và mức độ an toàn của sản phẩm. Các mô hình gắn sản xuất với thị trường tiêu thụ, công nghiệp chế biến, bảo đảm môi trường sinh thái. Việc đẩy mạnh cơ giới hóa và chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp vừa là giải pháp vừa là bước đệm cho chặng đường bứt tốc phía trước của nền nông nghiệp Đồng Nai.

Việt Anh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dia-phuong/xay-dung-nen-nong-nghiep-thong-minh-hien-dai-i335996/