Xây dựng môi trường xanh, phát triển hài hòa, bền vững

Công tác bảo vệ môi trường không chỉ là trách nhiệm của các cấp chính quyền mà còn là quyền, nghĩa vụ và trách nhiệm của mọi tổ chức, công dân, của cả cộng đồng.Ngày Môi trường thế giới năm nay (05/6/2022) được Chương trình Môi trường Liên Hợp Quốc (UNEP) phát động với Chủ đề 'Chỉ một Trái đất' nhằm truyền tải ý nghĩa thông điệp cùng xây dựng lối sống bền vững, hài hòa với thiên nhiên; sử dụng hợp lý tài nguyên thiên nhiên, đa dạng sinh học và ứng phó với biến đổi khí hậu thông qua các chính sách, hoạt động xây dựng môi trường xanh hơn, sạch hơn.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về bảo vệ môi trường tại các địa phương.

Không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế

Những năm qua, cùng với những giải pháp linh hoạt thích ứng nhằm phục hồi và đẩy mạnh việc phát triển kinh tế- xã hội, cấp ủy, chính quyền các cấp trong tỉnh đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện đồng bộ các giải pháp bảo vệ môi trường.

Ông Nguyễn Vĩnh An - Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường (BVMT) Sở TN&MT cho biết: Công tác quản lý nhà nước về BVMT và ứng phó với biến đổi khí hậu (BĐKH) trên địa bàn tỉnh được triển khai thực hiện, từng bước đi vào nền nếp, bảo đảm các quy định của pháp luật. Với quan điểm không đánh đổi môi trường lấy phát triển kinh tế, tỉnh Phú Thọ đã thực hiện chặt chẽ quy định, nâng cao chất lượng về thẩm định, đánh giá tác động môi trường của các dự án đầu tư, trong đó chú trọng thực hiện bảo vệ môi trường ngay từ giai đoạn đầu tư, sàng lọc, loại trừ các dự án công nghệ lạc hậu, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường. Các dự án mới đầu tư vào tỉnh khi được thẩm định, phê duyệt đều phải đáp ứng các yêu cầu về BVMT, áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại và cam kết đầu tư các công trình BVMT để xử lý chất thải đạt quy chuẩn trước khi thải ra ngoài môi trường. Đây là vấn đề được xem xét, lựa chọn rất kỹ càng khi lựa chọn các dự án đầu tư vào tỉnh.

Công tác kiểm soát hoạt động phát thải trong các khu, cụm công nghiệp được thực hiện thường xuyên; công tác phòng ngừa, ứng phó sự cố môi trường, ô nhiễm môi trường được rà soát, yêu cầu phải thực hiện nghiêm túc. Đến nay, hầu hết các dự án có nguồn phát thải lớn trên địa bàn tỉnh như: Công ty cổ phần xi măng VICEM Sông Thao; Công ty TNHH Miwon Việt Nam (TP Việt Trì); Chi nhánh Công ty cổ phần Nhôm Việt Pháp - Nhà máy Nhôm Việt Pháp (KCN Trung Hà, huyện Tam Nông); Công ty Yida - Nhà máy phát sinh nước thải dệt nhuộm (CCN thị trấn Sông Thao, huyện Cẩm Khê); KCN Thụy Vân; KCN Phú Hà... đều đã được lắp đặt hệ thống quan trắc nước thải, khí thải tự động, liên tục truyền dữ liệu về Sở TN&MT để theo dõi, giám sát. Các dự án có nguồn nước thải lớn đều đã chấp hành đầu tư các công trình hồ chứa nước thải dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố, không để xả thải ra ngoài môi trường.

Ông Nguyễn Ngọc Hanh- Trưởng Ban quản lý các KCN tỉnh cho biết: Trong sáu tháng đầu năm 2022, Ban quản lý đã tham gia Hội đồng thẩm định báo cáo đánh giá tác động môi trường của hai dự án; phối hợp kiểm tra xác nhận hoàn thành công trình bảo vệ môi trường đối với hai doanh nghiệp là Công ty TNHH Heawha Vina, Công ty TNHH Innovation tương lai Việt Nam, tham gia Hội đồng thẩm định cấp giấy phép môi trường đối với hai dự án; chủ trì, phối hợp giải quyết một số kiến nghị về bảo vệ môi trường trong KCN.

Hầu hết các doanh nghiệp trong các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã thực hiện các nội dung theo báo cáo đánh giá tác động môi trường được duyệt hoặc kế hoạch bảo vệ môi trường được xác nhận. Các dự án đang hoạt động đã đầu tư và vận hành các công trình bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành, thực hiện quan trắc môi trường định kỳ, thu gom và xử lý chất thải rắn, chất thải nguy hại theo quy định của pháp luật.

Tuyên truyền về chống rác thải nhựa tại chợ Nông Trang, thành phố Việt Trì.

Đẩy mạnh tuyên truyền pháp luật về BVMT

Trong thời gian qua, hành lang pháp lý về BVMT đã được ban hành khá đầy đủ, chi tiết và có sự điều chỉnh để phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội của từng địa phương, từng giai đoạn phát triển. Trong đó, Luật Bảo vệ môi trường số được thông qua tại Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIV với nhiều điểm mới.

Năm 2022 là năm có ý nghĩa quan trọng với việc Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2022, đánh dấu những đổi mới về chính sách, pháp luật trong BVMT, bảo đảm sự phát triển bền vững, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và BVMT, đáp ứng với yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong thời kỳ đẩy mạnh CNH - HĐH đất nước… Đây là giai đoạn chuyển đổi mạnh mẽ trong BVMT hướng tới mục tiêu cao nhất cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân, cân bằng sinh thái, bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển kinh tế bền vững.

Công tác tuyên truyền, phổ biến, tập huấn Luật Bảo vệ môi trường năm 2020, triển khai các hoạt động hưởng ứng Tháng hành động vì môi trường; Ngày Quốc tế đa dạng sinh học; Ngày đất ngập nước thế giới, Chiến dịch làm cho thế giới sạch hơn… đã được các cấp, các ngành, các địa phương triển khai bằng nhiều hình thức đa dạng như hội thảo, hội nghị tập huấn, tọa đàm, các hình thức truyền thông trên phương tiện thông tin đại chúng theo quy mô phù hợp từ cấp tỉnh đến cơ sở nhằm đưa Luật Bảo vệ môi trường năm 2020 vào cuộc sống.

Nội dung trọng tâm là tuyên truyền triển khai thực hiện các giải pháp cải thiện chất lượng môi trường, bảo vệ sức khỏe người dân; phát triển kinh tế gắn với bảo vệ môi trường, thích ứng biến đổi khí hậu; xây dựng lộ trình trong thu gom, phân loại, xử lý rác thải; nhân rộng các mô hình hiệu quả trong tổ chức thu gom, phân loại, xử lý rác thải sinh hoạt tại nguồn; thúc đẩy tiêu dùng bền vững và thân thiện môi trường; tổ chức thực hiện chiến lược, nhiệm vụ, đề án, dự án bảo vệ môi trường… Thông qua đó đã hình thành cơ chế phối hợp giữa ngành TN&MT với Ủy ban MTTQ, các đoàn thể, địa phương trong việc thực hiện công tác truyền thông, tạo nên những bước phát triển mới trong hoạt động BVMT trên địa bàn tỉnh. Nhiều hoạt động phối hợp truyền thông hiệu quả đã góp phần nâng cao nhận thức của cộng đồng trong công tác quản lý, khai thác hợp lý tài nguyên thiên nhiên và bảo vệ môi trường, ứng phó với BĐKH.

Đồng chí Phạm Văn Quang- TUV, Giám đốc Sở TN&MT nhấn mạnh: “Để công tác BVMT đi vào nền nếp, đạt hiệu quả rất cần có sự tham gia cộng đồng trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân và doanh nghiệp, sự vào cuộc của các cấp, các ngành, địa phương nhằm tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, tích cực đối với công tác BVMT. Hưởng ứng Ngày Môi trường thế giới năm nay, ngành TN&MT tiếp tục phối hợp cùng các cơ quan, ban, ngành trong tỉnh đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động, phổ biến kiến thức, pháp luật về BVMT; đa dạng hóa hình thức, phương pháp tuyên truyền; hướng dẫn công tác BVMT nông thôn, bảo tồn đa dạng sinh học; tập trung tuyên truyền phong trào “Chống rác thải nhựa”…

Ngọc Tuấn

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//kinh-te/xay-dung-moi-truong-xanh-phat-trien-hai-hoa-ben-vung/184666.htm