Xây dựng mối quan hệ ổn định và có tầm nhìn chiến lược

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne đã có chuyến thăm Trung Quốc nhân dịp kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước. Qua đó, Trung Quốc và Pháp đã đồng ý thúc đẩy liên lạc, phối hợp, trao đổi và hợp tác để xây dựng mối quan hệ song phương ổn định và có tầm nhìn chiến lược.

Nhấn mạnh tính ổn định của mối quan hệ

Chuyến thăm của ông Stephane Sejourne là chuyến thăm thứ hai của một ngoại trưởng Pháp đến Trung Quốc trong vòng chưa đầy 6 tháng, sau chuyến đi tháng 11.2023 của người tiền nhiệm Catherine Colonna. Một số chuyên gia Trung Quốc nhận định rằng, chuyến thăm này của Ngoại trưởng Pháp sẽ mở đường cho các hoạt động tương tác cấp cao trong tương lai giữa lãnh đạo hai nước. Điều này báo hiệu trong thời gian tới, Trung Quốc và Pháp sẽ tích cực chia sẻ những lợi ích chiến lược chung và có thể khắc phục một số khác biệt trong hợp tác, đặc biệt trong các vấn đề lớn đang được thế giới quan tâm như cuộc khủng hoảng Ukraine và xung đột Palestine - Israel.

Ngoại trưởng Pháp Stephane Sejourne và người đồng cấp Trung Quốc Vương Nghị. Ảnh: AP

Pháp và Trung Quốc đang tìm cách tăng cường quan hệ trong những năm gần đây. Tại cuộc hội kiến Tổng thống Pháp Emmanuel Macron ở Paris vào tháng 2 vừa qua, Ngoại trưởng Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc đánh giá cao lập trường của Pháp trong nhiều vấn đề quốc tế.

Trong cuộc tiếp Ngoại trưởng Pháp, Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường đã kêu gọi xây dựng mối quan hệ hai nước ổn định và bền vững hơn vì sự phát triển và ổn định thế giới thông qua hợp tác đa phương. Trung Quốc và Pháp - hai nước đều có tinh thần độc lập, do đó nên đóng vai trò đi đầu trong việc thúc đẩy đoàn kết quốc tế, đổi mới và phát triển, cởi mở và mang lại kết quả đôi bên cùng có lợi, cũng như thúc đẩy đối thoại giữa các nền văn hóa. Hơn nữa, sự ổn định trong quan hệ sẽ thúc đẩy sự phát triển tốt hơn cho cả hai nước, và bằng cách tăng cường hợp tác đa phương, hai nước có thể tạo ra sự ổn định hơn cho sự phát triển của thế giới.

Đặc biệt, 2024 là năm kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa Trung Quốc và Pháp, cũng là năm trao đổi văn hóa và du lịch. Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, Trung Quốc và Pháp đều là những quốc gia vĩ đại có tinh thần độc lập, sự “giàu có” về mặt lịch sử của tình hữu nghị giữa hai nước là điều đáng được trân trọng, và trách nhiệm cũng như sứ mệnh mà hai nước chia sẻ là điều không thể phủ nhận. Cả hai bên nhất trí rằng, cột mốc kỷ niệm 60 năm thiết lập quan hệ ngoại giao giữa hai nước là một cơ hội để tăng cường trao đổi, phối hợp chặt chẽ, nâng tầm quan hệ Trung Quốc - Pháp, đưa mối quan hệ ổn định về mặt chiến lược và có tầm nhìn.

Về phía Pháp, phát biểu tại cuộc họp báo chung tại Bắc Kinh sau cuộc gặp với quan chức nước chủ nhà, Ngoại trưởng Stephane Sejourne kêu gọi nỗ lực tái cân bằng kinh tế để bảo đảm thương mại song phương bền vững và hiệu quả, cũng như khẳng định Pháp không có ý định "tách rời" về mặt kinh tế giữa hai nước. Ngoài ra, Pháp cũng hy vọng Trung Quốc có thể thực hiện một số nỗ lực phối hợp tích cực trong cả vấn đề Nga - Ukraine và Israel - Palestine.

Tạo môi trường kinh doanh bình đẳng và công bằng

Kể từ đầu năm 2024, các trao đổi Trung Quốc - Pháp và Trung Quốc - châu Âu đã có động lực tích cực đáng kể; chẳng hạn, Trung Quốc nới lỏng chính sách đơn phương miễn thị thực cho một số nước châu Âu và chuyến thăm châu Âu của Ngoại trưởng Vương Nghị hồi đầu năm cũng phát đi tín hiệu tích cực.

Hơn nữa, Pháp là đối tác thương mại lớn thứ ba của Trung Quốc trong Liên minh châu Âu (EU), đổi lại Trung Quốc cũng là đối tác thương mại hàng đầu của Pháp tại châu Á; năm 2023, thương mại song phương đã đạt 78,9 tỷ USD.

Ngoại trưởng Vương Nghị cho biết, nền kinh tế Trung Quốc và Pháp có những lợi thế bổ sung mạnh mẽ và đều có những mối quan tâm chung. Trung Quốc luôn coi Pháp là đối tác hợp tác ưu tiên và hy vọng rằng bằng cách tiếp tục làm sâu sắc thêm quan hệ hợp tác truyền thống, hai nước nên tiếp tục trao đổi chặt chẽ về các vấn đề lớn của quốc tế và khu vực, cũng như có thể khai thác hơn nữa tiềm năng hợp tác trong các lĩnh vực truyền thống như hàng không vũ trụ, năng lượng hạt nhân, nông nghiệp và tài chính. Đồng thời tích cực tìm hiểu hợp tác trong các lĩnh vực mới nổi như chuyển đổi xanh và sản xuất thông minh.

Hơn nữa, Trung Quốc sẵn sàng nhập khẩu thêm các sản phẩm và dịch vụ chất lượng cao của Pháp, đồng thời tạo ra nhiều thuận tiện hơn cho các doanh nghiệp từ nhiều quốc gia, trong đó có các doanh nghiệp Pháp đang phát triển tại Trung Quốc. Ông cũng tin rằng, phía Pháp sẽ cung cấp một môi trường kinh doanh công bằng, bình đẳng giúp cho ngày càng nhiều các doanh nghiệp Trung Quốc đầu tư vào Pháp.

Ngoài ra, khi được hỏi về chính sách giảm thiểu rủi ro của EU đối với Trung Quốc, ông Vương Nghị cho biết, Trung Quốc và EU đã nối lại tương tác ở mọi cấp độ, cũng như sẽ sẵn sàng hợp tác trong nhiều lĩnh vực khác nhau để cùng phát triển. Mặc dù thực tế hiện tại Trung Quốc và EU vẫn đang có một số xung đột thương mại chẳng hạn như liên quan đến xe điện, nhưng hai bên vẫn có thể đạt được một số thỏa hiệp nhất định để đôi bên cùng có lợi. Song, Trung Quốc hy vọng rằng chính sách giảm rủi ro của châu Âu không nhắm vào quốc gia cụ thể nào, cũng như không nên vi phạm các quy tắc của Tổ chức Thương mại Thế giới (WHO).

Theo Reuters, năm ngoái, Ủy ban châu Âu (EC) đã mở một cuộc điều tra về việc liệu ngành công nghiệp xe điện của Trung Quốc có được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp không công bằng hay không, cũng như để xác định xem có nên áp dụng mức thuế cao hơn đối với xe điện nhập khẩu từ Trung Quốc nhằm bảo vệ các nhà sản xuất ô tô tại châu Âu. Để đáp trả, Trung Quốc hồi tháng 1 đã tiến hành điều tra chống bán phá giá đối với rượu mạnh nhập khẩu từ châu Âu, trong đó phần lớn là từ Pháp. Đáng chú ý, trong tháng này, nhằm thảo luận về cuộc điều tra của EC, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc sẽ tới châu Âu cùng với đại diện của các nhà sản xuất ô tô dẫn đầu thị trường mục tiêu BYD, SAIC và Geely.

Chính vì vậy, Trung Quốc hy vọng Pháp có thể cung cấp một môi trường kinh doanh cởi mở, công bằng và không phân biệt đối xử cho các doanh nghiệp Trung Quốc, đồng thời tích cực thúc đẩy phía châu Âu tuân thủ các quy tắc kinh tế và nguyên tắc thị trường, giải quyết thỏa đáng mối quan ngại của cả hai bên thông qua tham vấn. Trung Quốc sẵn sàng tăng cường hợp tác đa phương với phía Pháp để đóng góp tích cực giải quyết các vấn đề điểm nóng quốc tế và cải thiện quản trị toàn cầu. Trong khi đó, Ngoại trưởng Stephane Sejourne cho biết, về kinh tế và thương mại, Pháp cam kết giải quyết thỏa đáng những khác biệt thông qua tham vấn.

Như Ý

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/viet-nam-va-the-gioi/xay-dung-moi-quan-he-on-dinh-va-co-tam-nhin-chien-luoc-i365035/