Xây dựng lực lượng dân quân tự vệ thực sự vững mạnh

Năm 2023, công tác xây dựng, huấn luyện và hoạt động của lực lượng dân quân tự vệ (DQTV) được triển khai đồng bộ, toàn diện, phù hợp với tình hình thực tế của từng cơ quan, đơn vị, địa phương, thiết thực góp phần bảo đảm quốc phòng, an ninh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng khu vực phòng thủ vững mạnh. Bên cạnh đó, vẫn có một số khó khăn, bất cập cần tháo gỡ để xây dựng lực lượng DQTV thực sự vững mạnh.

Công tác dân quân tự vệ đạt kết quả tích cực

Theo Trung tướng Phạm Quang Ngân, Cục trưởng Cục DQTV: Năm 2023, công tác DQTV được triển khai thực hiện thống nhất trên cả nước, đạt nhiều kết quả tích cực. Tỷ lệ DQTV đạt 1,46% so với dân số; tỷ lệ đảng viên trong DQTV đạt 27,1%; công tác huấn luyện DQTV chặt chẽ, kết quả khá.

Cả nước huy động hơn 3,6 triệu lượt DQTV tham gia bảo vệ an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, khắc phục hậu quả thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, xây dựng nông thôn mới. Hàng chục mô hình điểm và hàng trăm đơn vị điểm DQTV được tổ chức, hoạt động hiệu quả. Các địa phương quan tâm, chú trọng xây dựng, bố trí nơi làm việc của ban CHQS cấp xã, tạo điều kiện thuận lợi cho dân quân hoạt động.

Hải đội Dân quân thường trực tỉnh Kiên Giang huấn luyện bắn súng. Ảnh: PHƯƠNG VŨ

Với phương châm xây dựng lực lượng DQTV vững mạnh, rộng khắp, đủ về số lượng, bảo đảm chất lượng, nhiều địa phương đã triển khai đồng bộ các giải pháp theo dõi, nắm, đăng ký công dân trong độ tuổi thực hiện nghĩa vụ DQTV; thường xuyên rà soát, kiện toàn tổ chức biên chế cán bộ ban CHQS cấp xã (phường) và lực lượng DQTV; đẩy nhanh tiến độ thành lập lực lượng dân quân thường trực.

Đại tá Nguyễn Quang Đấu, Trưởng phòng DQTV (Bộ Tham mưu, Bộ tư lệnh Thủ đô Hà Nội) cho biết: "Năm 2023, lực lượng DQTV Thủ đô luôn phối hợp với các lực lượng chức năng bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn. Lực lượng DQTV tham gia trực sẵn sàng chiến đấu (SSCĐ) trong các dịp lễ, tết, các sự kiện chính trị trọng đại; tích cực tham gia khắc phục hậu quả hỏa hoạn, thiên tai. Công tác huấn luyện, diễn tập, hội thi, hội thao được quan tâm; 100% đơn vị DQTV huấn luyện đúng kế hoạch, quân số tham gia hơn 96,8%; tổ chức luyện tập và tham gia diễn tập đạt yêu cầu, an toàn tuyệt đối".

Dân quân biển bước đầu hoạt động hiệu quả

Điểm nhấn trong năm 2023 là việc thực hiện Đề án “Xây dựng Hải đội dân quân thường trực (DQTT) tham gia bảo vệ chủ quyền biển, đảo trong tình hình mới”. Đề án được các cơ quan, đơn vị, địa phương phối hợp, tích cực triển khai thực hiện. Các hải đội DQTT hoạt động đúng quy định của pháp luật, tổ chức huấn luyện nghiêm túc, chặt chẽ. Kết quả kiểm tra, 100% hải đội đạt yêu cầu, với 77,7% khá, giỏi.

Đặc biệt, các hải đội DQTT tích cực phối hợp với các lực lượng chức năng trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển, đảo, bảo vệ ngư dân, ngư trường, góp phần phát triển kinh tế biển, đảo. Những kết quả đạt được là minh chứng sinh động về chủ trương triển khai đề án đúng đắn, cần thiết. Sự hiện diện, vai trò của cán bộ, chiến sĩ dân quân biển được cấp ủy, chính quyền, nhân dân các địa phương ghi nhận, đánh giá cao, tạo thêm điểm tựa để ngư dân yên tâm vươn khơi, bám biển.

Dân quân xã Thống nhất (huyện Thường Tín, TP Hà Nội) tham gia diễn tập chiến đấu trong khu vực phòng thủ. Ảnh: TRẦN ĐÔNG

Hải đội DQTT của tỉnh Kiên Giang là một trong những đơn vị điểm, dẫn đầu cả nước trong hoạt động, công tác. Đơn vị thường xuyên tổ chức các đợt tuần tra, nắm tình hình, khảo sát ngư trường, khai thác hải sản và tổ chức nhiều hoạt động ý nghĩa, như: Tặng cờ Tổ quốc, hỗ trợ thuốc chữa bệnh, lương thực, nước ngọt, nhiên liệu... giúp ngư dân vững tin bám biển.

Hải đội còn phối hợp với Vùng 5 Hải quân và Vùng Cảnh sát biển 4 thực hiện nhiệm vụ trực SSCĐ; tổ chức tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức chấp hành pháp luật trên biển cho ngư dân. Đại tá Nguyễn Văn Ngành, Chỉ huy trưởng Bộ CHQS tỉnh Kiên Giang cho biết: “Ngoài bám sát chương trình, nội dung huấn luyện theo quy định, căn cứ tình hình thực tế, chúng tôi còn huấn luyện bổ trợ về thể lực, bơi, địa hình và đặc biệt là kỹ năng hoạt động trên biển cho Hải đội DQTT”.

Trên địa bàn Quân khu 5, các hải đội DQTT luôn duy trì tàu trực SSCĐ, phối hợp, hiệp đồng với lực lượng hải quân, cảnh sát biển tổ chức tuần tra, trinh sát trên biển, kết hợp đánh bắt hải sản theo kế hoạch với hơn 71.000 hải lý cơ động. Trong hai năm hoạt động, các hải đội DQTT của Quân khu 5 đã nhận dạng, phát hiện gần 8.000 mục tiêu trên biển, phối hợp đẩy đuổi hơn 100 lượt tàu nước ngoài đánh bắt hải sản trái phép trên vùng biển Việt Nam.

Tại hội nghị rút kinh nghiệm tổ chức xây dựng lực lượng, huấn luyện, hoạt động và bảo đảm cho hải đội DQTT do Bộ Quốc phòng tổ chức cuối năm 2023, Thượng tướng Nguyễn Tân Cương, Ủy viên Trung ương Đảng, Ủy viên Thường vụ Quân ủy Trung ương, Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng, đánh giá: Hải đội DQTT là loại hình đơn vị mới, nhiệm vụ mới nhưng bước đầu hoạt động hiệu quả, đạt kết quả tích cực.

Việc tổ chức các tàu DQTT vừa đánh bắt hải sản vừa tham gia phối hợp tuần tra, SSCĐ, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn, chống khai thác hải sản bất hợp pháp... đã góp phần xây dựng thế trận quốc phòng toàn dân trên biển, làm điểm tựa cho ngư dân vươn khơi, bám biển, bảo vệ vững chắc chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Những khó khăn, bất cập cần tháo gỡ

Vướng mắc, bất cập nhất hiện nay đối với công tác DQTV là việc bảo đảm chế độ, chính sách cho lực lượng này. Hiện nay, mức trợ cấp cho dân quân khi tham gia huấn luyện, làm nhiệm vụ quá thấp so với mặt bằng tiền công lao động trên thực tế. Bên cạnh đó, chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với DQTT và chế độ, chính sách khi DQTV làm nhiệm vụ ban đêm, ngày nghỉ, ngày lễ; khi thực hiện công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đã được quy định rõ trong Luật DQTV nhưng nhiều địa phương chưa thực hiện được; lương, phụ cấp của chỉ huy trưởng, phó chỉ huy trưởng ban CHQS cấp xã cũng rất thấp, không đủ để bảo đảm cuộc sống.

Với DQTT làm nhiệm vụ trên biển, ngoài vướng mắc về chế độ, chính sách thì công tác tuyển chọn cũng gặp nhiều khó khăn, bất cập. Nhiều chiến sĩ dân quân có kinh nghiệm đi biển nhưng trình độ văn hóa chưa cao, trong khi tàu trang bị cho các hải đội DQTT khá hiện đại, nhiều máy móc, thiết bị công nghệ cao, đòi hỏi phải có trình độ chuyên môn mới khai thác, sử dụng hiệu quả.

Để khắc phục khó khăn, tháo gỡ những bất cập nêu trên, Bộ Quốc phòng đã phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề nghị Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 72/2020/NĐ-CP, nâng mức hưởng một số chế độ, chính sách của DQTV, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ quốc phòng, quân sự trong tình hình mới.

Trước mắt, các cơ quan, đơn vị chức năng cần phối hợp chặt chẽ với nhiều địa phương để có giải pháp thiết thực chăm lo cho lực lượng DQTV, dành nguồn lực phù hợp bảo đảm chế độ, chính sách, điều kiện làm việc cho DQTV. Cùng với đó, cấp ủy, chính quyền các địa phương và cơ quan quân sự các cấp thường xuyên quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo, tạo thuận lợi, đồng thời tăng cường kiểm tra, kịp thời khắc phục những mặt còn hạn chế để xây dựng lực lượng DQTV thực sự vững mạnh, rộng khắp, hoạt động hiệu quả.

NGỌC HÂN

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Quốc phòng an ninh xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/quoc-phong-an-ninh/xay-dung-quan-doi/xay-dung-luc-luong-dan-quan-tu-ve-thuc-su-vung-manh-762970