Xây dựng, lan tỏa nét đẹp văn hóa Hồ Chí Minh

Với niềm tự hào mang tên Bác, Thành phố Hồ Chí Minh hướng đến mục tiêu xây dựng, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh, học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người.

Để thực hiện mục tiêu này, thời gian qua, các cấp, ngành, địa phương đã xây dựng nhiều mô hình, chương trình xây dựng thiết chế, không gian văn hóa Hồ Chí Minh gắn với các tiêu chí, thiết thực, gần gũi giúp tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người luôn hiện hữu, lan tỏa, trở thành nét văn hóa đặc trưng mới của thành phố.

TP Hồ Chí Minh tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2024. Ảnh: HỒNG GIANG

TP Hồ Chí Minh tuyên dương các tập thể, cá nhân điển hình trong học tập và làm theo Bác giai đoạn 2021-2024. Ảnh: HỒNG GIANG

Những ngày tháng 5-2024, nhiều hoạt động chào mừng kỷ niệm 134 năm Ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19-5-1890 / 19-5-2024) diễn ra sôi nổi ở TP Hồ Chí Minh. Nổi bật nhất là việc thành phố tổ chức chương trình tổng kết, tuyên dương 339 tập thể, cá nhân điển hình, có thành tích xuất sắc trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh giai đoạn 2021-2024.

Những gương điển hình được tuyên dương lần này là các tập thể, cá nhân thầm lặng làm việc có ích, tỏa sáng giữa đời thường, trong cộng đồng, cống hiến cho sự phát triển của thành phố. Họ là những cán bộ, chiến sĩ LLVT, y sĩ, bác sĩ, nhà khoa học, giáo viên, đoàn viên, thanh niên... Mỗi người giữ một cương vị, công việc, hoàn cảnh khác nhau nhưng đều chung sự nỗ lực, tu dưỡng, rèn luyện đạo đức, học tập và làm theo Bác để hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, cống hiến cho cộng đồng, góp phần lan tỏa giá trị tốt đẹp trong cuộc sống.

Trong 3 năm qua, đã xuất hiện hàng nghìn mô hình mới, cách làm hay, gương điển hình tập thể, cá nhân tiêu biểu, làm lan tỏa ngày càng sâu rộng những giá trị nhân văn tốt đẹp trong học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh. Dấu ấn nổi bật là thành phố đã trở thành địa phương đầu tiên trong cả nước xác định được mục tiêu, giải pháp, quyết tâm chính trị trong xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh. Chủ trương, mục tiêu này được đưa vào Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ TP Hồ Chí Minh lần thứ XI (nhiệm kỳ 2020-2025), triển khai Đề án “Chiến lược phát triển ngành văn hóa TP Hồ Chí Minh giai đoạn 2020-2035” vào năm 2021, trong đó xác định nhiệm vụ trọng tâm là xây dựng, hình thành không gian văn hóa Hồ Chí Minh.

Theo đó, mỗi cơ quan, đơn vị, trường học, bệnh viện, cơ sở sản xuất, kinh doanh, địa chỉ văn hóa, di tích lịch sử... đều có các thiết chế, không gian Hồ Chí Minh đặc sắc. Thành phố đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phát động hoạt động sáng tác, in ấn các ấn phẩm, tác phẩm, phim tư liệu, phóng sự, phim truyền hình, clip; sáng tác và quảng bá các tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí về chủ đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”.

Nhiều điển hình tuyên truyền hiệu quả tại các địa phương, cơ quan, đơn vị như: Chuyên mục "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên trang cộng đồng Cột cờ Thủ Ngữ; Tủ sách Hồ Chí Minh điện tử; Chuyên mục "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh-Lời Bác dạy"; giới thiệu ứng dụng "Không gian văn hóa Hồ Chí Minh" trên internet với 3 ngôn ngữ Việt-Anh-Hàn; bảo tàng trực tuyến, tủ sách điện tử, mô hình 3D về không gian văn hóa Hồ Chí Minh; thư viện điện tử về Chủ tịch Hồ Chí Minh...

Tại nhiều cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể đã xây dựng các không gian văn hóa Hồ Chí Minh qua việc thiết kế, trưng bày tư liệu, sách, báo, hình ảnh về Bác phong phú, sinh động; đồng thời tổ chức các cuộc thi, tọa đàm, biểu diễn văn hóa, văn nghệ gắn với chủ đề học tập và làm theo Bác.

Đồng chí Nguyễn Hồ Hải, Phó bí thư Thường trực Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng, phong trào học tập và làm theo Bác tại TP Hồ Chí Minh đã dần thấm sâu, trở thành nét đẹp văn hóa trong các cộng đồng dân cư, dân tộc, tôn giáo với nhiều cách làm sáng tạo, thiết thực, hiệu quả; xuất hiện ngày càng nhiều tấm gương nhân ái, nghĩa tình, nhiều việc làm và nghĩa cử cao đẹp, mang tính nhân văn sâu sắc. Thành phố bước đầu đã hình thành được hệ thống thiết chế, không gian văn hóa Hồ Chí Minh ở cơ sở, các ban, ngành.

Nhiều địa phương, đơn vị đã chủ động xây dựng thiết chế về không gian văn hóa Hồ Chí Minh phù hợp với điều kiện thực tế, thể hiện qua sự sắp xếp, trưng bày, trang trí các tư liệu, hình ảnh về cuộc đời, sự nghiệp của Bác tại trụ sở. Đẩy mạnh các hoạt động giáo dục truyền thống, về nguồn, xây dựng điển hình và giới thiệu, tuyên dương người tốt, việc tốt học tập và làm theo Bác...

Năm 2024, thành phố xác định chuyên đề “Học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh về thực hành dân chủ, tăng cường pháp chế, bảo đảm kỷ cương; thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao và tâm huyết trong xây dựng thành phố văn minh, hiện đại, nghĩa tình”. Qua đó, nâng cao nhận thức, lòng tự hào của cán bộ, đảng viên và nhân dân về vai trò, sứ mệnh, trách nhiệm phát triển TP Hồ Chí Minh vì cả nước, cả nước vì TP Hồ Chí Minh.

Trong thực hiện nhiệm vụ trọng tâm xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thành phố tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, giới thiệu, tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đến các địa phương trong nước và quốc tế; tổ chức các hoạt động sáng tác, xuất bản tác phẩm văn học, nghệ thuật, báo chí, phim tư liệu, phóng sự, truyền hình về Chủ tịch Hồ Chí Minh, đưa phong trào học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh gắn sát với thực tiễn, lan tỏa trong cộng đồng, xây dựng những mô hình, cách làm hay, hiệu quả; chú trọng sưu tầm tài liệu, hiện vật gốc, hiện vật liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh; cải tạo, nâng cấp, xây dựng các di tích, địa chỉ gắn liền với Chủ tịch Hồ Chí Minh tại địa phương...

QUANG VINH

----------------

Đồng chí NGUYỄN MINH HẢI, Trưởng phòng Báo chí-Xuất bản, Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh: Phát huy không gian văn hóa Hồ Chí Minh trong trường học

Thực hiện chủ trương xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh, từ hơn 3 năm qua, các trường học trên địa bàn TP Hồ Chí Minh đã có nhiều sáng tạo trong việc tạo lập các không gian văn hóa vật thể và phi vật thể trong môi trường học đường. Qua đó, việc lan tỏa các giá trị về tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh đến giáo viên, học sinh, sinh viên ngày càng rộng rãi, sâu sắc. Không gian văn hóa vật thể ở các trường học là những tủ sách, các gian trưng bày, sản phẩm thiết kế... để giới thiệu sách, tư liệu, hình ảnh, câu nói, lời dạy, mẩu chuyện về Bác Hồ hoặc các công trình nghiên cứu về Bác Hồ.

 Đồng chí Nguyễn Minh Hải.

Đồng chí Nguyễn Minh Hải.

Nhiều trường học còn xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trên không gian mạng khá sinh động. Trên nền tảng trang thông tin điện tử, fanpage, nhà trường đăng tải, cập nhật thường xuyên hình ảnh, bài viết, câu chuyện, tư liệu, video... về Bác, những tấm gương người thật-việc thật trong học và làm theo Bác. Nhiều fanpage có ngôn ngữ nhẹ nhàng, phù hợp với tuổi học sinh nên được các em tiếp cận và tương tác, góp phần thấm dần những mẩu chuyện, lời dạy của Người đến các bạn nhỏ đang trong tuổi hoàn thiện nhân cách. Nhiều sản phẩm đa phương tiện có hiệu ứng sinh động cũng là điểm cộng cho sự sáng tạo của các giáo viên nhằm giúp học sinh có thêm kênh tiếp cận về tư tưởng, đạo đức, phong cách Bác Hồ.

Việc ngành giáo dục TP Hồ Chí Minh chú trọng xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh là giải pháp thiết thực góp phần xây dựng những thế hệ công dân Thành phố mang tên Bác vừa hồng vừa chuyên. Không gian văn hóa phi vật thể về Bác đã góp phần nâng cao tinh thần ứng xử, trách nhiệm của giáo viên đối với nhà trường, công việc và học sinh. Sự quan tâm, chăm sóc cho học sinh và sự nêu gương của giáo viên được chú trọng hơn, không ngừng tạo ra các cách thức giảng dạy mới, hiệu quả, xây dựng được những hình ảnh đẹp giữa giáo viên với học sinh, bồi đắp nét đẹp văn hóa trong nhà trường.

SONG GIANG (ghi)

----------------

Tiến sĩ TRỊNH ĐĂNG KHOA, Phó hiệu trưởng Trường Đại học Văn hóa TP Hồ Chí Minh: Giữ sức sống lâu bền cho không gian văn hóa Hồ Chí Minh

TP Hồ Chí Minh đẩy mạnh tổ chức học tập và làm theo Bác, xây dựng không gian văn hóa Hồ Chí Minh trở thành nét đặc trưng của văn hóa thành phố trong giai đoạn mới là một hướng đi hoàn toàn đúng đắn, đáp ứng yêu cầu thực tiễn cũng như tình cảm, niềm tự hào của người dân TP Hồ Chí Minh đối với Bác Hồ.

Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa.

Tiến sĩ Trịnh Đăng Khoa.

Những kết quả đạt được bước đầu trong thời gian gần đây đã giúp hình thành được một số thiết chế, không gian văn hóa Hồ Chí Minh, thể hiện ở sự phong phú, đa dạng, mô hình hay, sống động. Tuy nhiên, để không gian văn hóa Hồ Chí Minh phát triển bền vững cũng như hình thành thói quen học tập, làm theo Bác trong mỗi cán bộ, công chức đến mỗi người dân trong cộng đồng thì thành phố cần đẩy mạnh, xây dựng, thiết lập không gian văn hóa, tổ chức các phong trào học tập và làm theo Bác mang tính đồng bộ, gần với cơ sở.

Muốn làm được điều đó cần xây dựng cảnh quan văn hóa Hồ Chí Minh mang tính đặc trưng, phù hợp; tổ chức hoạt động văn hóa giới thiệu hình ảnh, cuộc đời, sự nghiệp cách mạng, những di sản tinh thần, lý luận, tư tưởng của Bác một cách sinh động, cuốn hút gắn liền với các cảnh quan văn hóa.

Chẳng hạn như các đơn vị, địa phương khi xây dựng thiết chế không gian văn hóa Hồ Chí Minh cần chú ý bảo đảm sinh động, phù hợp với điều kiện thực tế, bài trí, trưng bày không gian khoa học, giúp người xem tiếp nhận dễ dàng, gắn kết, gợi lên những tình cảm, sự ngưỡng mộ để học tập và làm theo Bác. Bên cạnh đó, đơn vị cũng tổ chức các diễn đàn, cuộc thi, tọa đàm, giới thiệu về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Bác một cách trực quan, gắn với cảnh quan văn hóa tại cơ quan, đơn vị, khu vực công cộng.

Hơn nữa, điều cần thiết nhất để mang đến sức sống bền vững, tính hiệu quả là bên cạnh cảnh quan văn hóa và hoạt động văn hóa cần xây dựng, bồi đắp, nuôi dưỡng tâm hồn văn hóa của cán bộ, công chức, người dân trong cộng đồng. Khi cán bộ, công chức, người dân cảm thụ, xúc động trước những cảnh quan, hoạt động văn hóa ở không gian văn hóa Hồ Chí Minh sẽ giúp kiến tạo, lan tỏa hình thành cộng đồng văn hóa tới những người đến TP Hồ Chí Minh du lịch, học tập và công tác. Làm được điều đó sẽ giúp không gian văn hóa Hồ Chí Minh sớm hình thành, thể hiện được đặc trưng, có sức sống bền vững gắn với sự phát triển của thành phố.

HẢI ANH (ghi)

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/van-hoa/doi-song/xay-dung-lan-toa-net-dep-van-hoa-ho-chi-minh-777470