Xây dựng hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội có trọng tâm, trọng điểm

UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy nhanh tiến độ điều chỉnh quy hoạch chung xã và quy hoạch vùng huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới (NTM); tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu khu vực nông thôn; đặc biệt quan tâm phân bố đủ vốn đầu tư, cải tạo thủy lợi nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng…

Đây là một số kiến nghị nổi bật Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng nhấn mạnh qua giám sát việc thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM giai đoạn 2021 - 2025.

Chưa quan tâm nhiều đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống

Từ giám sát thực tế cho thấy, UBND tỉnh Sóc Trăng đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương triển khai thực hiện hiệu quả Chương trình hành động, ban hành kế hoạch cụ thể hóa Nghị quyết số 09-NQ/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khóa XIV về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021 - 2025. Trên cơ sở kế thừa những thành tựu đạt được giai đoạn trước, qua hơn 2 năm triển khai thực hiện Chương trình đã đạt được nhiều kết quả tích cực, diện mạo nông thôn có nhiều khởi sắc; số xã đạt chuẩn NTN, NTM nâng cao năm sau cao hơn năm trước; hạ tầng kỹ thuật được quan tâm đầu tư. Hầu hết các dự án đầu tư đều mang lại hiệu quả, nhất là các dự án đầu tư xây dựng công trình kết cấu hạ tầng, phục vụ sản xuất nông nghiệp, nâng cao thu nhập, giảm tỷ lệ hộ nghèo... đóng góp tích cực vào thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa - hiện đại hóa nông thôn. Thực hiện tốt 11 nội dung thành phần trong Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM gắn với thực hiện tái cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn.

Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng làm việc với UBND huyện Thạnh Trị về việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Nhật Duy

Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng làm việc với UBND huyện Thạnh Trị về việc thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2021-2025. Ảnh: Nhật Duy

Bên cạnh những kết quả đạt được, Đoàn giám sát Thường trực HĐND tỉnh Sóc Trăng chỉ ra một số tồn tại, hạn chế: hạ tầng kinh tế - xã hội nông thôn đầu tư còn dàn trải, chưa đồng bộ, nhất là về giao thông, văn hóa, y tế; chưa có nền tảng vững chắc về phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo... Xây dựng NTM chưa quan tâm nhiều đến các nội dung liên quan đến môi trường, nâng cao chất lượng cuộc sống. Trình độ canh tác của phần lớn người dân còn ở mức trung bình khá, sản xuất nông nghiệp còn manh mún, nhỏ lẻ, thiếu vốn, nhân lực... nên tốc độ tái cơ cấu ngành nông nghiệp chậm. Các mô hình sản xuất triển khai chưa thật sự hiệu quả, chậm đúc kết, nhân rộng, chuỗi liên kết sản xuất chưa chặt chẽ, thiếu bền vững, chất lượng sản phẩm chưa cao, chưa đáp ứng nhu cầu thị trường. Chất lượng đạt chuẩn các tiêu chí NTM ở một số xã chưa bền vững như thu nhập, hộ nghèo...

Bên cạnh đó, công tác Quy hoạch vùng huyện và điều chỉnh Quy hoạch chung các xã thực hiện còn khá chậm (theo báo cáo mới có 1/8 huyện phê duyệt quy hoạch vùng huyện, 4/8 xã đã phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xã; trong khi các quy hoạch chung xã đã phê duyệt năm 2011 là 80/80 xã) ảnh hưởng đến chỉ tiêu huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTM và tỷ lệ xã đạt chuẩn NTM, NTM nâng cao, NTM kiểu mẫu. Cơ cấu kinh tế và kết cấu hạ tầng cho nông nghiệp, nông thôn tuy có phát triển, nhưng chưa mang tính định hướng gắn kết vùng, chưa xứng tầm với tiềm năng, lợi thế; chuỗi liên kết sản xuất, tiêu thụ nông sản chưa bền vững, thị trường tiêu thụ không ổn định làm ảnh hưởng đến việc canh tác, sản xuất của người dân. Tổng nguồn lực đầu tư trực tiếp cho Chương trình còn thấp so với yêu cầu và mục tiêu xây dựng NTM giai đoạn hiện nay.

Chủ động phân bổ nguồn vốn kịp thời

Để nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM, Đoàn giám sát kiến nghị UBND tỉnh Sóc Trăng chỉ đạo các sở, ngành liên quan sớm triển khai kế hoạch thực hiện quy hoạch tỉnh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 995/QĐ-TTg ngày 25.8.2023 làm cơ sở để thực hiện các dự án trên địa bàn; đồng thời, chỉ đạo các địa phương, sở, ngành liên quan đẩy nhanh công tác điều chỉnh quy hoạch chung xã và quy hoạch vùng huyện, nhằm đáp ứng nhu cầu đầu tư xây dựng theo các Chương trình mục tiêu quốc gia, bảo đảm điều kiện công nhận huyện đạt chuẩn NTM/hoàn thành nhiệm vụ xây dựng NTN trên địa bàn. Chủ động phân bổ nguồn vốn kịp thời cho các địa phương thực hiện Chương trình bảo đảm kế hoạch. Tập trung nguồn lực đầu tư xây dựng có trọng tâm, trọng điểm các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội thiết yếu khu vực nông thôn.

Đặc biệt, quan tâm phân bố đủ vốn đầu tư, cải tạo thủy lợi cho các địa phương nhằm bảo đảm hoạt động sản xuất, từng bước nâng cao chất lượng và sản lượng. Tiếp tục kiến nghị Trung ương nâng định mức hỗ trợ các nội dung thành phần và giảm tỷ lệ đối ứng của địa phương nhằm tăng nguồn vốn thực hiện Chương trình.

Đoàn giám sát đề nghị UBND tỉnh quan tâm chỉ đạo các sở, ngành, địa phương sớm xử lý dứt điểm tình trạng ô nhiễm của một số bãi rác; quan tâm bố trí nguồn lực đầu tư các khu xử lý rác thải sinh hoạt và rác thải nông nghiệp; đầu tư trạm cấp nước tập trung ở các địa phương và nâng cao chất lượng nguồn nước, đặc biệt là khu vực nông thôn. Rà soát, tập trung triển khai hiệu quả các cơ chế, chính sách của Trung ương, nghị quyết của HĐND tỉnh liên quan đến nông nghiệp, nông thôn, Chương trình xây dựng NTM đã được HĐND tỉnh thông qua. Nghiên cứu trình HĐND tỉnh ban hành một số chính sách hỗ trợ cần thiết, nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện Chương trình theo đúng thẩm quyền, quy định của pháp luật.

Trần Thu

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/dien-dan-ky-hop/xay-d%E1%BB%B1ng-h%E1%BA%A1-tang-k%E1%BB%B9-thu%E1%BA%ADt-ha-tang-x%C3%A3-h%E1%BB%99i-c%C3%B3-tr%E1%BB%8Dng-tam-tr%E1%BB%8Dng-di%E1%BB%83m-i359615/