Xây dựng động lực, khát vọng cống hiến

Buổi sinh hoạt chuyên đề 'Tăng cường công tác chính trị tư tưởng, củng cố tổ chức Đảng, đoàn thể quần chúng và công tác phát triển đảng viên trong các trường học' của Đảng ủy Trường Đại học Quốc tế, Đại học Quốc gia TP Hồ Chí Minh diễn ra sôi nổi; mang đến không khí hào hứng khi các đảng viên trẻ, sinh viên cùng trao đổi, thể hiện góc nhìn về vấn đề tăng cường công tác giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức, lối sống cho người trẻ hiện nay.

Theo đồng chí Hồ Nhựt Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch hội đồng Trường Đại học Quốc tế, để những buổi sinh hoạt lý luận dành cho sinh viên hấp dẫn, thì cần lấy sinh viên làm chủ thể để trao đổi. Điều quan trọng là giúp các đảng viên trẻ, đoàn viên, thanh niên vừa được cung cấp thêm kiến thức bổ ích, củng cố thêm niềm tin, vừa tự nhận thấy được trách nhiệm trong học tập, đóng góp cho sự phát triển của tổ chức và đất nước. Nhà trường còn thành lập Tổ Tuyên giáo thực hiện công tác tuyên truyền với nhiều nội dung và hình thức phong phú, đa dạng, tích cực lan tỏa các hình ảnh đẹp, câu chuyện hay để người học thêm yêu mái trường, xây dựng động cơ tự giác phấn đấu.

Trên địa bàn TP Hồ Chí Minh hiện có 58 cơ sở giáo dục đại học, 376 cơ sở giáo dục nghề nghiệp, hơn 2.300 cơ sở giáo dục từ cấp mầm non đến THPT. Thời gian qua, Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh giao Ban Tuyên giáo Thành ủy phối hợp với các đơn vị, nhà trường triển khai nhiều giải pháp đồng bộ trong giáo dục chính trị tư tưởng. Hiệu quả công tác này đã tạo nhiều chuyển biến tích cực, nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức trách nhiệm của đội ngũ giáo viên, học sinh, sinh viên (HSSV), góp phần nâng cao chất lượng đào tạo, tạo môi trường giáo dục thân thiện, lành mạnh. Sở Giáo dục và Đào tạo TP Hồ Chí Minh còn triển khai hiệu quả các đề án: Nâng cao chất lượng công tác phổ biến, giáo dục pháp luật trong nhà trường; Tăng cường quản lý, giáo dục chính trị tư tưởng đối với HSSV trên môi trường mạng; Xây dựng văn hóa ứng xử trong trường học...

Học sinh trên địa bàn TP Hồ Chí Minh học tập ngoại khóa tại Nhà thiếu nhi TP Hồ Chí Minh.

Bên cạnh đó, cấp ủy đảng các cơ sở giáo dục đã chủ động lãnh đạo tốt việc giáo dục chính trị trong HSSV thông qua hoạt động định hướng giá trị đạo đức, lối sống, chuẩn mực văn hóa, nâng cao chất lượng hoạt động của các tổ chức chính trị-xã hội, đoàn thể, cũng như chất lượng công tác bồi dưỡng, tạo nguồn phát triển Đảng... Nhiều trường đã xây dựng mô hình hoạt động cho HSSV thông qua các lễ hội, sinh hoạt dưới cờ, hội thi, hội trại, sinh hoạt chủ điểm theo tình hình đặc điểm nhiệm vụ. Nhiều hoạt động giáo dục ngoại khóa như: “Tìm về địa chỉ đỏ”, “Hành trình đến với bảo tàng”, “Chương trình vì người bạn ngoại thành”, chăm sóc các di tích lịch sử, văn hóa địa phương, tìm hiểu lịch sử, truyền thống nhà trường, danh nhân văn hóa, các nhân vật lịch sử hay các địa danh mà trường mang tên... đã góp phần giáo dục nhận thức, tư tưởng, tình cảm trong đội ngũ sư phạm và HSSV.

Đồng chí Lê Hồng Sơn, Phó trưởng ban Thường trực Ban Tuyên giáo Thành ủy TP Hồ Chí Minh cho rằng: "Công tác giáo dục chính trị tư tưởng trong nhà trường có ý nghĩa rất quan trọng nhằm hình thành những lớp công dân sống có lý tưởng, có bản lĩnh, nhân cách và kỹ năng sống chủ động, tích cực, hướng thiện. Trong đó, giúp HSSV có bản lĩnh chính trị tốt, biết sống tích cực, luôn lan tỏa cái đẹp, khát khao vươn lên trong học tập và cuộc sống là một khâu then chốt trong giáo dục ở nhà trường.

Bài và ảnh: THƯ LÊ

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Xã hội xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xay-dung-dong-luc-khat-vong-cong-hien-752264