Xây dựng đội ngũ nông dân chuyên nghiệp

Trong thời kỳ hội nhập và kinh tế số, đòi hỏi nông dân phải có kiến thức, kỹ năng và tác phong làm việc chuyên nghiệp để đáp ứng nền sản xuất nông nghiệp hiện đại. Hội Nông dân tỉnh đã tích cực hỗ trợ, giúp hội viên nông dân nâng cao khả năng tiếp cận cách thức tổ chức sản xuất hiện đại, hiệu quả, chủ động trong sản xuất và tiêu thụ nông sản.

Mô hình trồng cam đường canh của HTX đặc sản Tây Bắc, huyện Mộc Châu.

Mô hình trồng cam đường canh của HTX đặc sản Tây Bắc, huyện Mộc Châu.

Hiện nay, Hội Nông dân tỉnh có trên 171.000 hội viên, các cấp hội trong toàn tỉnh thường xuyên triển khai, quán triệt các chủ trương, chính sách về lĩnh vực phát triển nông nghiệp bền vững, giúp nông dân chuyển đổi phù hợp trong phát triển kinh tế. Ông Nguyễn Huy Anh, Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh, cho biết: Hội đã tổ chức chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân với nhiều hình thức, như tổ chức các lớp tập huấn, hội thảo đầu bờ; nông dân dạy nông dân, hướng dẫn sử dụng các trang thương mại điện tử... Tạo điều kiện cho hội viên tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi của Ngân hàng Chính sách xã hội, Quỹ "Hỗ trợ nông dân" để có vốn đầu tư phát triển sản xuất theo hướng bền vững.Trong năm 2023, Hội đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn tổ chức 12 lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, gắn với mô hình, dự án vay vốn Quỹ "Hỗ trợ nông dân" cho 600 người; tổ chức 17 lớp tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật, triển khai 17 mô hình dự án cho 510 học viên. Ngoài ra, Hội nông dân các huyện, thành phố và Hội nông dân các xã còn phối hợp với các ngành, các tổ chức, doanh nghiệp tổ chức 126 lớp tập huấn chuyển giao kỹ thuật sản xuất cho 5.670 hội viên, nông dân.Hội Nông dân tỉnh cũng đã ban hành Kế hoạch về chuyển đổi số trong năm 2023 và giai đoạn 2021-2025. Tập trung nâng cao trình độ, kỹ năng và khả năng ứng dụng các công nghệ số vào một số lĩnh vực trong sản xuất nông nghiệp cho hội viên nông dân. Tổ chức gần 100 đợt tập huấn kiến thức, kỹ năng, tiếp cận, làm quen với các sàn thương mại điện tử; chào bán và kết nối vận chuyển nông sản đến người tiêu dùng cho hàng nghìn lượt cán bộ, hội viên, nông dân các cấp.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La chuyển trao phân bón hỗ trợ cho Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Mệt Sai, huyện Yên Châu.

Hội Nông dân tỉnh Sơn La chuyển trao phân bón hỗ trợ cho Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Mệt Sai, huyện Yên Châu.

Ông Lê Đức Thiện, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Phù Yên, cho hay: Đến nay, huyện có khoảng 1.350 hội viên tham gia sàn thương mại điện tử, tạo cơ hội quảng bá sản phẩm, mở rộng thị trường tiêu thụ nông sản. Mong rằng, thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh phối hợp với các cơ quan chức năng tiếp tục tổ chức tập huấn, hướng dẫn hội viên nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng chuyển đổi số trong tiêu thụ sản phẩm, đưa sản phẩm đến tay người tiêu dùng gần hơn.

Bên cạnh đó, mô hình Chi hội nông dân nghề nghiệp theo nguyên tắc “5 tự” (tự giác, tự nguyện, tự chủ, tự quản, tự chịu trách nhiệm) và “5 cùng” (cùng chí hướng về lĩnh vực sản xuất, kinh doanh; cùng mối quan tâm; cùng có sự chia sẻ; cùng chịu trách nhiệm; cùng hưởng thụ), được triển khai tại xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn; xã Nậm Ét, huyện Quỳnh Nhai và xã Sặp Vặt, huyện Yên Châu, đã giúp hội viên trong chi hội trao đổi kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, hướng đến sản xuất nông nghiệp theo hướng bền vững, gắn với bảo vệ môi trường.

Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu.

Tập huấn, hướng dẫn kỹ thuật sản xuất cho Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Mệt Sai, xã Sặp Vạt, huyện Yên Châu.

Ông Hoàng Văn Chất, Chi hội trưởng Chi hội nông dân nghề nghiệp bản Củ, xã Chiềng Ban, huyện Mai Sơn, chia sẻ: Sau gần 2 tháng thành lập, đã có khá đông nông dân trong xã đến đề nghị được học tập kinh nghiệm sản xuất. Đặc biệt, các thành viên của Chi hội đã nắm vững quy trình sản xuất theo hướng VietGAP, từng bước tiếp cận với sản xuất hữu cơ. Nhờ vậy, thu nhập của các thành viên đạt từ 300 triệu đồng/năm trở lên.

Nhờ được trang bị kiến thức, nâng cao trình độ, kỹ năng ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất đã giúp nhiều hộ nông dân vươn lên sản xuất, kinh doanh giỏi. Hiện nay, toàn tỉnh có trên 30.000 hộ nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp, góp phần cùng tỉnh thực hiện mục tiêu giảm tỷ lệ hộ nghèo 4%/năm.

Bài, ảnh: Khải Hoàn

Nguồn Sơn La: https://baosonla.org.vn/nong-nghiep/xay-dung-doi-ngu-nong-dan-chuyen-nghiep-ptiGIxOSg.html