Xây dựng đội ngũ cán bộ mạnh từ gốc

Từ ngày tái lập tỉnh đến nay, dưới sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, đảng bộ các cấp thực hiện song song các nhiệm vụ phát triển kinh tế - chính trị, văn hóa - xã hội, quốc phòng - an ninh cùng với xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Đứng trước những yêu cầu cấp bách trong thời kỳ đổi mới đất nước, Tỉnh ủy đặt ra mục tiêu chiến lược xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức các cấp từ tỉnh đến cơ sở, đặc biệt là cán bộ đứng đầu, có phẩm chất và năng lực, đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, bảo đảm sự chuyển tiếp liên tục giữa các thế hệ cán bộ, đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ của thời kỳ mới. Yêu cầu này được cụ thể hóa bằng Đề án số 05-ĐA/TU ngày 12-7-2022 về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức tỉnh Bình Phước giai đoạn 2020-2025, tầm nhìn đến năm 2030.

Quy hoạch cán bộ theo hướng “động” và “mở”

Theo Đề án số 05, tổng số cán bộ, công chức, viên chức trong tỉnh là 23.396 người; cấp ủy đảng các cấp nhiệm kỳ 2020-2025 gồm 1.938 đồng chí; cán bộ lãnh đạo quản lý các cấp là 1.907 người… Trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, chính trị cơ bản đáp ứng yêu cầu công việc đặt ra. Qua đánh giá, hầu hết cán bộ có tâm huyết, năng động, sâu sát cơ sở, chịu khó lao động, sáng tạo để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Ở 3 cấp đều có cán bộ giỏi, là nhân tố tích cực trong đoàn kết, phát huy sức mạnh tập thể của địa phương, đơn vị. Kết quả đã góp phần rất lớn để Bình Phước đạt nhiều thành tựu về kinh tế - xã hội qua từng năm.

Mặc dù đã được bổ sung trong nhiều nhiệm kỳ nhưng thực tế công tác cán bộ tại tỉnh vẫn còn thiếu sự đồng bộ giữa các ngành, cấp. Việc chuyển tiếp giữa các thế hệ trong đội ngũ cán bộ chưa được chuẩn bị kỹ lưỡng, bài bản. Công tác cán bộ chưa thực sự đổi mới, chưa có sự đột phá trong phát hiện, đào tạo, bồi dưỡng, bố trí sử dụng cán bộ trẻ, cán bộ nữ, cán bộ có phẩm chất năng lực đáp ứng tốt yêu cầu nhiệm vụ. Những rào cản đó đã cản trở sự phát triển của tỉnh.

Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh liên tục được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay. Trong ảnh: Cán bộ, công chức sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước

Cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh liên tục được đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng yêu cầu công việc, đặc biệt nhiệm vụ chuyển đổi số hiện nay. Trong ảnh: Cán bộ, công chức sử dụng phần mềm Sổ tay đảng viên điện tử tỉnh Bình Phước

Vì vậy, Đề án số 05 đề ra mục tiêu cần xây dựng chính sách ưu đãi để phát hiện, tuyển dụng nhân tài, cán bộ có năng lực, nổi trội, cán bộ trẻ có triển vọng, nhất là các ngành, lĩnh vực mũi nhọn phục vụ phát triển nhanh, bền vững của tỉnh. Ưu tiên tuyển dụng đối với sinh viên đã từng học tại các trường THPT chuyên, tốt nghiệp đại học chính quy loại giỏi, xuất sắc tại các trường đại học trong và ngoài nước. Trong các giải pháp, đề án đặc biệt nhấn mạnh đến việc đảm bảo tính kế thừa, phát triển, coi trọng việc nâng cao chất lượng quy trình quy hoạch cán bộ lãnh đạo quản lý, quy hoạch cán bộ theo hướng “động” và “mở” đảm bảo tỷ lệ cán bộ nữ, cán bộ trẻ, cán bộ người dân tộc thiểu số, cán bộ có bản lĩnh, năng lực nổi trội và triển vọng phát triển để giới thiệu vào quy hoạch các chức danh lãnh đạo, quản lý…

“Vấn đề tiên quyết trong công tác cán bộ là phải xây dựng và quy hoạch cán bộ” - ông Bùi Quốc Bảo, Tỉnh ủy viên, Bí thư Thị ủy Bình Long khẳng định. Chú trọng công tác này, theo ông Bùi Quốc Bảo là vì: “Từ đó có cơ sở xây dựng kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng. Ngoài đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng về trình độ chuyên môn, lý luận chính trị đáp ứng yêu cầu công tác thì việc được rèn luyện, thử thách qua thực tiễn giúp cán bộ va chạm thực tiễn, đáp ứng tốt hơn yêu cầu nhiệm vụ được giao”.

Đào tạo, bồi dưỡng chính trị phải theo kịp sự phát triển

Để xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức vừa “hồng” vừa “chuyên”, Bình Phước chú trọng công tác đào tạo, bồi dưỡng để cán bộ, công chức trưởng thành hơn về mọi mặt. Đến nay, toàn tỉnh đã cử hơn 11.000 lượt cán bộ đi đào tạo, bồi dưỡng để đáp ứng tiêu chuẩn chức danh, vị trí việc làm. Đồng thời, hằng năm Tỉnh ủy tổ chức bồi dưỡng, cập nhật kiến thức cho cán bộ thuộc diện Ban Thường vụ Tỉnh ủy quản lý. Việc cử cán bộ, công chức, viên chức đi đào tạo, bồi dưỡng luôn đảm bảo đúng đối tượng, tiêu chuẩn chức danh, tiêu chuẩn ngạch công chức... Nhiều cán bộ khi được đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn, lý luận chính trị (LLCT) có bản lĩnh vững vàng, tinh thần trách nhiệm trong công việc, có khả năng vận dụng tốt các chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Đảng và Nhà nước vào thực tiễn ở địa phương.

Thị xã Phước Long linh hoạt bố trí cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa để đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân

Thị xã Phước Long linh hoạt bố trí cán bộ, công chức ở bộ phận một cửa để đáp ứng yêu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân

Anh Cao Văn Quang, công tác tại Hội Chữ thập đỏ xã Tân Hiệp, huyện Hớn Quản, đang theo học trung cấp LLCT tại Trường Chính trị tỉnh khẳng định: “Những kiến thức lý luận qua đào tạo, bồi dưỡng rất bổ ích, góp phần chuyển biến rõ trong nhận thức và hành động của bản thân. Từ đó giúp tôi đưa ra ý kiến đề xuất Đảng ủy, UBND thực hiện tốt hơn nhiệm vụ tại địa phương, cùng tập thể Đảng ủy, UBND xã vận dụng hiệu quả trong dân vận chính quyền, xây dựng nông thôn mới…”.

Trước yêu cầu phát triển của xã hội, sự đòi hỏi ngày càng cao trong công tác cán bộ, cần có định hướng dài hơi trong đào tạo, bồi dưỡng cán bộ tỉnh. Vì vậy, tập trung xây dựng Trường Chính trị tỉnh đạt chuẩn là nhiệm vụ có tính chiến lược lâu dài, mang tính đột phá. Thạc sĩ Nguyễn Thanh Thuyên, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh nêu rõ: “Trong yêu cầu đào tạo cán bộ, từ tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, đánh giá và sử dụng cán bộ phải là các khâu trong một thể thống nhất. Trong đó, nhà trường cần làm tốt công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Cán bộ được đào tạo bồi dưỡng xong, quay về đơn vị phải giải quyết được những vấn đề thực tiễn đặt ra thì khi đó công tác đào tạo, bồi dưỡng mới phát huy hiệu quả”.

Để đào tạo tốt phải trên nền tảng quy hoạch và sau khi đào tạo xong phải được sử dụng đúng vị trí, giúp phát huy sở trường thì khâu đào tạo, bồi dưỡng mới góp phần tích cực vào công tác cán bộ. Khi thực tiễn có những yêu cầu đòi hỏi người cán bộ phải đáp ứng thì nhà trường cũng phải điều chỉnh các chương trình, chuyên đề, cách thức nghiên cứu thực tế để đưa ra chương trình đào tạo phù hợp.

Thạc sĩ NGUYỄN THANH THUYÊN, Hiệu trưởng Trường Chính trị tỉnh Bình Phước

Cán bộ là khâu “then chốt của then chốt”

Từ thực tiễn cho thấy, trong mọi thời kỳ, cán bộ luôn là nhân tố quyết định đến sự thành bại của cách mạng, công tác cán bộ luôn được xác định là khâu “then chốt của then chốt”. Chính vì vậy, để đạt được mục tiêu cụ thể của đề án thì việc xây dựng và phát triển nguồn nhân lực, nhất là đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức có đủ đức, đủ tài, đủ sức phục vụ được ưu tiên hàng đầu. Công tác đánh giá cán bộ phải lấy tiêu chí hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo.

Ông Nguyễn Đức Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Tổ chức cơ sở đảng, Ban Tổ chức Trung ương nhấn mạnh: “Một trong những nhiệm vụ quan trọng nhất mà Đại hội XIII của Đảng xác định đó là phải đổi mới mạnh mẽ công tác cán bộ, trong đó cần đổi mới mạnh mẽ việc đánh giá cán bộ. Đánh giá phải liên tục, xuyên suốt quá trình công tác bao gồm các tiêu chí về phẩm chất chính trị, năng lực, ý thức tổ chức kỷ luật, sức khỏe, độ tuổi… và điều quan trọng nhất phải căn cứ vào kết quả thực hiện nhiệm vụ để làm cơ sở luân chuyển, điều động, bổ nhiệm…”.

Qua Đề án số 05, công tác cán bộ của tỉnh đang được thực hiện theo phương pháp “nhìn xa, trông rộng” để vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn đất nước vừa đáp ứng yêu cầu thực tiễn khu vực và thế giới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức không chỉ có phẩm chất đạo đức tốt, trình độ chuyên môn nghiệp vụ cao, bản lĩnh chính trị vững vàng mà còn phải có kiến thức, kỹ năng làm việc trong điều kiện hội nhập.

Từ thực tiễn cho thấy, khi có những cán bộ luôn vì tập thể, vì lợi ích chung, đơn vị sẽ đoàn kết, vững mạnh. Mỗi cán bộ khi được tin tưởng, lựa chọn phải luôn nỗ lực học tập, rèn luyện tư tưởng chính trị, đạo đức; tự soi, tự sửa; trách nhiệm trong công tác… để dân tin, dân mến, dân noi theo, xứng đáng là người đầy tớ trung thành của nhân dân.

Ngân Hà

Nguồn Bình Phước: https://baobinhphuoc.com.vn/news/32/142425/xay-dung-doi-ngu-can-bo-manh-tu-goc