Xây dựng doanh nghiệp đạt chuẩn Thương hiệu quốc gia để khẳng định đẳng cấp

Mối liên kết nội tại giữa thương hiệu quốc gia và thương hiệu doanh nghiệp là điều đã được khẳng định. Cả hai dựa vào nhau và tận dụng sức mạnh của nhau để xây dựng danh tiếng.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).

Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value).

Thương hiệu quốc gia vì vậy là một sự tổng hòa của nhiều nhân tố như hình ảnh quốc gia, nhận dạng quốc gia, uy tín quốc gia, uy tín và chất lượng sản phẩm của quốc gia. Xây dựng thương hiệu quốc gia, vì thế cần phải làm rõ được người ngoài nhìn nhận quốc gia đó như thế nào (hình ảnh quốc gia), bản thân quốc gia đó nhìn nhận mình như thế nào (nhận diện quốc gia) và quốc gia sẽ đem lại uy tín như thế nào đối với sản phẩm và sản phẩm đem lại uy tín như thế nào đối với quốc gia. Những yếu tố trên là cốt lõi để xây dựng, phát triển và quảng bá một thương hiệu quốc gia.

Bản sắc và khả năng cạnh tranh

Khi nói đến một Thương hiệu quốc gia người ta luôn liên tưởng đến những biểu tượng, những hình ảnh hữu hình và vô hình. Biểu tượng hữu hình phổ biến nhất đó là sản phẩm của một quốc gia, biểu tượng vô hình phổ biến là những hình ảnh về đặc tính dân tộc của dân tộc đó.

Mỗi một thương hiệu sản phẩm đều có nguồn gốc từ một quốc gia và mỗi một quốc gia có sản xuất và sở hữu nhiều thương hiệu sản phẩm. Do đó, cũng giống như thương hiệu, đối với thương hiệu quốc gia, luôn có hai dòng giá trị luân chuyển; đó là quốc gia đem đến uy tín cho sản phẩm và sản phẩm mang lại uy tín cho quốc gia.

Trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay và quá trình phân công lao động quốc tế, chất lượng hàng hóa và dịch vụ ngày càng được tiêu chuẩn hóa và có chất lượng tương đối đồng đều thì những người mua hàng chuyển sự chú ý từ chất lượng và giá cả tới yếu tố quốc gia để nhận biết thương hiệu cần quan tâm, tức là uy tín quốc gia đem lại danh tiếng cho sản phẩm.

Thuật ngữ thương hiệu quốc gia (nation brand) và xây dựng, quảng bá thương hiệu quốc gia (nation branding) được Simon Anholt khởi xướng vào những năm 1990, chỉ việc áp dụng những chiến lược tiếp thị với đối tác nước ngoài nhằm tạo dựng hình ảnh và danh tiếng quốc tế phục vụ cho lợi ích quốc gia.

Theo nghĩa rộng, xây dựng thương hiệu quốc gia là việc một quốc gia vận dụng các chiến lược về thương hiệu của doanh nghiệp trong quan hệ với các quốc gia khác nhằm xây dựng một hình ảnh tích cực, hấp dẫn, tạo được lòng tin và cảm xúc tốt đẹp, giúp tăng cường sự hiện diện và ảnh hưởng của quốc gia trên trường quốc tế.

Để làm được điều đó, mỗi quốc gia phải xây dựng cho mình một bộ hình ảnh đặc trưng, khác biệt, ấn tượng và có sức thuyết phục. Hay nói một cách ngắn gọn, thương hiệu quốc gia là hình ảnh của các bản sắc có khả năng cạnh tranh của một đất nước.

Thường thì mỗi quốc gia sẽ có những thế mạnh vượt trội về một hay một vài lĩnh vực nào đó và sở hữu những thương hiệu nổi tiếng trong lĩnh vực ấy. Chúng trở thành niềm tự hào của cả quốc gia và được thế giới biết đến.

Chẳng hạn, nước Mỹ nổi tiếng với các ngành công nghệ, công nghiệp sáng tạo, nổi tiếng với những thương hiệu hàng đầu như Microsoft, IBM, Apple, Google… Nước Đức chinh phục thế giới về công nghiệp chế tạo ô tô với các thương hiệu BMW, Mercedes… Hay Việt Nam được cả thế giới biết đến là nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới và gần đây là sở hữu những loại gạo ngon nhất thế giới.

Tham gia vào việc quảng bá, xây dựng thương hiệu quốc gia là tổng hòa của nhiều yếu tố như: sản xuất, kinh doanh, thương mại, quản trị, đối ngoại, văn hóa, du lịch, truyền thông, khoa học, giáo dục, con người, các giá trị... Trong đó, đóng vai trò quan trọng là sự sáng tạo, năng động, tin cậy, an toàn thể hiện trong thành tựu phát triển kinh tế, nền văn hóa, chất lượng sản phẩm, khả năng cạnh tranh của sản phẩm trên thị trường…

Bảo chứng chắc chắn cho doanh nghiệp

Thiết kế và sở hữu một bộ nhận diện thương hiệu, thể hiện chất lượng sản phẩm, dịch vụ, xây dựng tên tuổi, hình ảnh để công chúng nhận diện là điều không thể thiếu. Với các doanh nghiệp đây là yếu tố then chốt, nhằm xây dựng chiến lược phát triển danh tiếng của mình.

Thời gian vừa qua, với sự hỗ trợ của Chương trình Thương hiệu quốc gia, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã ý thức được vai trò quan trọng của thương hiệu nên đã đầu tư nghiêm túc cho xây dựng, phát triển thương hiệu sản phẩm và thương hiệu doanh nghiệp.

Tuy nhiên, khi được công nhận là một Thương hiệu quốc gia Việt Nam, có thể nói doanh nghiệp đã được nâng tầm lên một "đẳng cấp khác". Khi đó, các doanh nghiệp sẽ được sử dụng biểu trưng Thương hiệu quốc gia và hệ thống nhận diện Thương hiệu quốc gia trong công tác quản trị kinh và truyền thông cho thương hiệu của mình. Đây là một đặc quyền mang về lợi ích vô cùng lớn cho doanh nghiệp trong quảng bá thương hiệu, không chỉ ở thị trường trong nước, mà còn lan tỏa trên thị trường thế giới.

Nhận diện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại khu gian hàng quốc gia tại Hội chợ Anuga 2023. (Nguồn: Cục XTTM)

Nhận diện Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam tại khu gian hàng quốc gia tại Hội chợ Anuga 2023. (Nguồn: Cục XTTM)

Theo tư vấn của các chuyên gia, xây dựng một thương hiệu doanh nghiệp cần phải định vị thương hiệu gắn với nhận diện thương hiệu quốc gia được bảo trợ bởi Chính phủ Việt Nam.

Tất nhiên, để được quyền sử dụng nhận diện và biểu trưng Thương hiệu quốc gia trong quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp sẽ không hề dễ dàng, bởi bắt buộc phải đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe về chất lượng sản xuất, văn hóa, đạo đức kinh doanh. Do vậy, biểu trưng và nhận diện Thương hiệu quốc gia luôn là sự bảo chứng chắc chắn và uy tín cho doanh nghiệp.

Tại Tọa đàm “Định vị Thương hiệu quốc gia Việt Nam xanh 2023”, ông Hoàng Minh Chiến, Phó Cục trưởng Cục Xúc tiến thương mại, Bộ Công Thương từng xác nhận, sự bảo chứng của biểu trưng cũng như nhận diện Thương hiệu quốc gia Việt Nam mang lại cho doanh nghiệp là sự bảo chứng từ phía Chính phủ, nên có uy tín cao và chắc chắn hiệu quả trong việc nâng cao nhận diện thương hiệu doanh nghiệp trên thị trường.

Thương hiệu quốc gia Việt Nam (Vietnam Value)

Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt theo Quyết định số 253/2003/QĐ-TTg ngày 25/11/2003 và giao Bộ Công Thương là cơ quan thường trực, chịu trách nhiệm phối hợp với các Bộ, Ngành triển khai nhằm mục tiêu xây dựng và quảng bá hình ảnh đất nước Việt Nam là quốc gia có hàng hóa, dịch vụ chất lượng, tạo dựng uy tín và nâng cao sức cạnh tranh cho các doanh nghiệp Việt Nam trên thị trường trong nước và quốc tế.

Khi nhìn thấy logo "Vietnam Value" với ba màu: xanh dương, xanh lá cây và trắng được in trong hồ sơ của công ty, tài liệu quảng cáo hoặc ấn phẩm truyền thông và trong bao bì sản phẩm, bạn có thể tin và sử dụng sản phẩm đó hoặc làm việc với doanh nghiệp làm ra nó vì tất cả đã được công nhận bởi Chương trình Thương hiệu quốc gia Việt Nam.

Chu Văn

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/xay-dung-doanh-nghiep-dat-chuan-thuong-hieu-quoc-gia-de-khang-dinh-dang-cap-244011.html