Xây dựng đất nước ngày càng phát triển, cường thịnh

Đất nước ta bắt tay vào thực hiện nghị quyết Đại hội XIII của Đảng trong điều kiện muôn vàn khó khăn, thách thức. Việc thực hiện nhiệm vụ 'kép' vừa phòng, chống dịch bệnh, khắc phục hậu quả thiên tai vừa tập trung phát triển kinh tế là một thách thức không hề đơn giản. Thế nhưng, với quyết tâm chính trị cao, Đảng, Nhà nước chủ động lãnh đạo, chỉ đạo triển khai nhiều chủ trương, giải pháp sáng suốt, đúng đắn, hiệu quả.

PHẢN ỨNG CHÍNH SÁCH TRƯỚC YÊU CẦU CẤP BÁCH

Từ sau Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII, đất nước ta đứng trước rất nhiều khó khăn, thách thức, chưa có tiền lệ. Với ý chí, quyết tâm cao và tinh thần “tiền hô hậu ủng”, “nhất hô bá ứng”, trên dưới đồng lòng, dọc ngang thông suốt, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã lãnh đạo, chỉ đạo, triển khai tổ chức thực hiện quyết liệt, đồng bộ, hiệu quả nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.

Nhìn lại hơn nửa chặng đường đã qua, đất nước có những thành tựu rất nổi bật. Vượt cơn gió ngược, kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng khá cao và giữ được đà khởi sắc ổn định. Các thứ hạng xếp loại trên thế giới được cải thiện rất đáng kể.

Trong bối cảnh khó khăn, tốc độ tăng trưởng của Việt Nam vẫn dương để nền kinh tế đứng trong tốp 40, xuất, nhập khẩu đứng vào tốp 20 trên thế giới. Mặc dù đây chỉ là con số nhưng phản ánh thành tựu rất đáng trân trọng trên mặt trận kinh tế mà Việt Nam đạt được.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng (thứ ba, từ phải qua) và lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các đại biểu dự khai mạc hội nghị giữa nhiệm kỳ Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

Tiềm lực về kinh tế là điều kiện đảm bảo an sinh xã hội trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 và sau dịch bệnh. Đời sống nhân dân mặc dù có khó khăn do nhiều biến động, nhưng không có những khó khăn gay gắt, không có những tình huống trầm trọng như một số nơi trên thế giới. Đảng, Nhà nước dành khoản cứu trợ an sinh xã hội rất lớn và phát động toàn xã hội thực hiện công tác từ thiện, nhân đạo, công tác xã hội.

Mặc dù trong khó khăn, thu nhập suy giảm nhưng nhân dân vẫn đồng lòng với Đảng và Nhà nước trong những chính sách phát triển kinh tế - xã hội. 104.000 tỷ đồng là số tiền được giải ngân để hỗ trợ an sinh cho gần 508 triệu lượt người dân, người lao động và 1,4 triệu người sử dụng lao động trong hơn 2 năm qua…

Trong bối cảnh ấy, Đảng, Nhà nước, Quốc hội đã rất tích cực xây dựng năng lực phản ứng chính sách. Kỳ họp bất thường lần thứ nhất của Quốc hội ban hành các nghị quyết đặc thù về mặt thể chế, tạo hành lang pháp lý cho Chính phủ triển khai giải pháp rất tình thế, xử lý vấn đề kinh tế - xã hội do dịch bệnh.

Trong nửa nhiệm kỳ vừa qua, năng lực phản ứng chính sách của Việt Nam được đánh giá cao và tổng kết những bài học kinh nghiệm ban đầu để tiếp tục thích ứng trong thời gian tới.

Với niềm tin mới, khí thế mới, động lực mới, toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta sẽ tiếp tục đoàn kết, phấn đấu với quyết tâm và nỗ lực cao hơn nữa; năng động, sáng tạo hơn nữa để sáng suốt nắm bắt mọi thời cơ, thuận lợi; vững vàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức; hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ khóa XIII, góp phần xây dựng đất nước thân yêu của chúng ta ngày càng phát triển, cường thịnh; ngày càng đàng hoàng hơn, to đẹp hơn, như Bác Hồ muôn vàn kính yêu hằng mong đợi.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Một lĩnh vực rất quan trọng là đối ngoại, ngoại thương. Việt Nam đã rất chủ động, linh hoạt, xử lý hàng loạt vấn đề quốc tế, giữ được môi trường quốc tế hòa bình, ổn định, thuận lợi cho phát triển đất nước. Việt Nam đa phương hóa, đa dạng hóa thị trường, mặc dù thị trường toàn thế giới đứt gãy nghiêm trọng, nhưng xuất, nhập khẩu Việt Nam vẫn có đà tăng trưởng.

Ngoài ra, đó là sự ủng hộ của quốc tế đối với Việt Nam. Sự giúp đỡ, đầu tư của nước ngoài không những không giảm mà còn gia tăng nhanh chóng. Nhiều nhà đầu tư chiến lược chọn Việt Nam là “tập đoàn cứ điểm toàn cầu” để tăng cường sản xuất, kinh doanh trong bối cảnh rất khó khăn như hiện nay. Trong đó, lĩnh vực bán dẫn, Việt Nam nổi lên như một điểm đến khi thu hút những “ông lớn” như Intel, Samsung… với những dự án từ hàng trăm triệu đến cả tỷ USD đầu tư xây dựng nhà máy, mở rộng sản xuất, lắp ráp...

Một thành tựu nhân dân phấn khởi, đánh giá rất cao, đó là trong công tác xây dựng Đảng, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực xử lý được nhiều vụ việc rất phức tạp, kéo dài, được nhân dân đồng tình, ủng hộ. Qua xử lý các vụ án tham nhũng, tiêu cực giúp nhân dân tin tưởng hơn vào sự lãnh đạo của Đảng, sự điều hành của Chính phủ, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

TIẾP TỤC TẠO ĐỘT PHÁ

Nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng, đất nước vẫn đứng trước hạn chế, khó khăn, thậm chí nguy cơ, thách thức như tổ chức thực hiện một số chính sách phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội có lúc, có nơi còn chậm. Lãnh đạo, chỉ đạo công tác cải cách hành chính, quản lý, sử dụng biên chế có mặt còn hạn chế; công tác xây dựng, hoàn thiện luật pháp, chính sách chưa đáp ứng được yêu cầu.

Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, đùn đẩy, né tránh trách nhiệm của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên vẫn là vấn đề rất đáng lo ngại. Một số đồng chí lãnh đạo cấp cao, cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp nhận trách nhiệm chính trị, có vi phạm cũng phải xử lý theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

Điều đáng lo ngại nhất là khoảng cách về phát triển giữa nước ta với các nước trong khu vực và trên thế giới tuy được rút ngắn nhưng khoảng cách vẫn còn khá lớn. Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương giữa nhiệm kỳ Đại hội XIII chỉ rõ “tình trạng tụt hậu vẫn đang tồn tại”.

Bên cạnh đó, mặc dù được cải thiện rất nhiều, nhưng đời sống nhân dân vẫn còn khó khăn, đặc biệt đồng bào các dân tộc thiểu số miền núi, vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo, do đó cần có những chính sách, giải pháp hữu hiệu khắc phục những yếu kém.

Đại hội XIII đã nhấn mạnh 3 đột phá về thể chế, kết cấu hạ tầng và đột phá về nguồn nhân lực. Đây vẫn là những điểm rất mấu chốt cần thực hiện từ nay đến cuối nhiệm kỳ.

Về thể chế, cần hoàn thiện thể chế phát triển, thể chế kinh tế thị trường trong bối cảnh hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; phải cải thiện thể chế để nâng cao năng lực phản ứng chính sách của Nhà nước, của Chính phủ.

Về kết cấu hạ tầng, dù đạt nhiều tiến bộ nhưng giao thông, logistics vẫn còn thua kém các nước trong khu vực. Theo thống kê, chi phí logistics của Việt Nam cao hơn các nước trong khu vực và trên thế giới ít nhất từ 15-20% sẽ làm giảm sức cạnh tranh, giảm hiệu quả sản xuất, kinh doanh. Do vậy, kết cấu hạ tầng cần phải cải thiện và đặt trong bối cảnh đã có chuyển đổi số thì kết cấu hạ tầng số cần phải đi trước một bước.

Về nguồn nhân lực, phải có những chính sách về nguồn nhân lực thực sự đi vào cuộc sống giúp phát triển nguồn nhân lực công nghệ, kỹ nghệ; nguồn nhân lực quản lý, điều hành; nguồn nhân lực có trình độ khoa học cao…

Tại hội nghị giữa nhiệm kỳ, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu thực hiện tốt hơn nữa công tác cán bộ để thực hiện tốt những nhiệm vụ trọng tâm khi nhiệm kỳ Đại hội XIII chỉ còn 2 năm nữa là kết thúc. Điều này đặt ra yêu cầu về vai trò người đứng đầu, của đội ngũ cán bộ lãnh đạo, quản lý các cấp, nhất là cấp chiến lược phải dám nghĩ, dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm, dám đổi mới, sáng tạo, dám đương đầu với khó khăn, thử thách và dám hành động vì lợi ích chung.

Đến thời điểm này, có thể khẳng định Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng cùng với các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương đã đi vào cuộc sống, bởi mục tiêu được xác định phù hợp với điều kiện thực tế khi ý Đảng hợp lòng dân. Kết quả của nửa nhiệm kỳ Đại hội XIII là động lực để toàn Đảng, toàn quân, toàn dân tiếp tục đoàn kết, năng động, sáng tạo, vượt qua khó khăn, thách thức, hoàn thành thắng lợi mục tiêu, nhiệm vụ đã đề ra cho cả nhiệm kỳ.

Bài và ảnh: LẠI HOA

Nguồn Kiên Giang: https://baokiengiang.vn/thoi-su/xay-dung-dat-nuoc-ngay-cang-phat-trien-cuong-thinh-19015.html