Xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính hiện đại

Đo đạc, lập bản đồ, xây dựng dữ liệu địa chính là cơ sở quan trọng kê khai đăng ký, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, phục vụ đắc lực trong công tác quản lý nhà nước về đất đai, tạo tiền đề quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, việc xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính dưới dạng số hóa đã được các cấp, ngành trong toàn tỉnh quan tâm triển khai thực hiện nhằm đồng bộ hóa thông tin, dễ truy cập, khai thác, vận hành, tổ chức thực hiện hiệu quả quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, góp phần nâng cao năng lực quản lý nhà nước về đất đai.

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả UBND thành phố Việt Trì hướng dẫn người dân thủ tục hành chính về lĩnh vực đất đai.

Hiệu quả từ sự đổi mới

Giai đoạn 2008 - 2020, hướng tới mục tiêu xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai toàn quốc, UBND tỉnh đã phê duyệt lập Dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai tại Quyết định số 1082/QĐ-UBND ngày 5 tháng 5 năm 2009, điều chỉnh tại Quyết định số 2098/QĐ-UBND ngày 2 tháng 8 năm 2012.

Để hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu địa chính, tỉnh đã chỉ đạo thực hiện đúng quy trình, cụ thể, từ việc xây dựng mốc lưới địa chính, đo đạc, lập bản đồ, hồ sơ đến cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Từ năm 1995, tỉnh đã xây dựng mốc lưới địa chính với 210 điểm bằng phương pháp định vị vệ tinh GPS. Năm 2008 trở lại đây, tỉnh tiếp tục đầu tư xây dựng 968 điểm lưới địa chính tại 11/13 huyện, thành, thị để phục vụ cho công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính chính quy bằng công nghệ số. Toàn tỉnh đã đo đạc, lập bản đồ địa chính được 129/277 xã, thị trấn của 13 huyện, thành, thị với diện tích 232.823,71ha.

Triển khai công tác đo đạc bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính theo Dự án tổng thể được duyệt, đến nay, toàn tỉnh có 59 xã đã hoàn thành công tác đo đạc, lập bản đồ địa chính, lập hồ sơ địa chính và cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Đặc biệt, 277/277 xã, phường, thị trấn (trước khi sáp nhập) đã lập được hồ sơ địa chính, gồm: Sổ địa chính, sổ mục kê, sổ cấp Giấy chứng nhận và bản đồ.

Tính đến năm 2016, trên địa bàn tỉnh đã xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính 17 xã, thị trấn của huyện điểm Yên Lập, trong đó đã nhập 269.768 thửa với 52.790 hồ sơ. Đồng chí Hoàng Hồng Quang - Giám đốc Văn phòng đăng ký đất đai và phát triển quỹ đất huyện Yên Lập khẳng định: Hoàn thành xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại 17 xã, thị trấn đã thiết lập không gian địa chính để lưu trữ được toàn bộ hiện trạng dữ liệu địa chính của huyện. Dữ liệu đất đai được quản lý trên nền tảng công nghệ hiện đại, cập nhật thường xuyên, cung cấp nhanh chóng, chính xác thông tin đất đai cho cá nhân và tổ chức có nhu cầu. Qua đó, nâng cao hiệu quả công tác quản lý, xử lý, khai thác đất đai phục vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, hướng tới mô hình quản lý đất đai điện tử.

Năm 2018, tỉnh đã hoàn thành công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính cho các tổ chức với tổng số 8.304 thửa đất được đưa vào dữ liệu quản lý theo công nghệ số… 129/225 xã, phường, thị trấn của 13 huyện, thành, thị được đo đạc bản đồ địa chính bằng công nghệ số. Thực hiện việc cấp mới Giấy chứng nhận cho các loại đất đạt 93,3% so với tổng diện tích cần cấp. Hệ thống cơ sở dữ liệu của huyện điểm và dữ liệu của các tổ chức đang vận hành hiệu quả, đảm bảo dữ liệu được cập nhật thường xuyên, cung cấp nhanh, chính xác các thông tin của thửa đất và đáp ứng nhu cầu cho công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) ứng dụng CNTT để quản lý, kiểm tra dữ liệu cơ sở đất đai.

Đẩy mạnh số hóa

Công tác đo đạc và lập hồ sơ địa chính cho phép đẩy nhanh tiến độ giao, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hỗ trợ đắc lực cho công tác giải phóng mặt bằng để triển khai các dự án phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Tuy vậy, trên thực tế, công tác đo đạc bản đồ trên địa bàn tỉnh vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.

Một số xã, phường đã thực hiện đo đạc từ giai đoạn trước nhưng chưa đáp ứng được công tác xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính do công nghệ đo lạc hậu, chất lượng còn thiếu chính xác, chưa hoàn thiện hồ sơ địa chính, quá trình sử dụng có nhiều biến động nhưng chưa được cập nhật, chỉnh lý kịp thời; tình trạng người dân tự ý lấn chiếm, chuyển mục đích trái phép, xây dựng các công trình, nhà ở vẫn còn tồn tại gây khó khăn trong công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất...

Tại kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa XIX, nhiệm kỳ 2021 - 2026 đã Quyết nghị thông qua Đề án đo đạc, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh Phú Thọ giai đoạn 2021-2025 và các năm tiếp theo. Theo đó, mục tiêu đề ra là đến năm 2025 có 2/3 số xã, phường, thị trấn trên địa bàn tỉnh được đo đạc bản đồ địa chính chính quy, lập hồ sơ địa chính và xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về đất đai theo công nghệ tin học hiện đại, đảm bảo mục tiêu đồng bộ hóa dữ liệu đất đai từ Trung ương đến địa phương. Định hướng đến năm 2030, toàn tỉnh hoàn thiện công tác đo đạc bản đồ, lập hồ sơ, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính và cơ bản hoàn thành công tác cấp mới, cấp đổi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các hộ gia đình, cá nhân.

Ông Nguyễn Hữu Chí- Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai (Sở TN&MT) cho biết: Thực hiện Đề án theo tinh thần Nghị quyết số 14/NQ-HĐND của HĐND và Kế hoạch số 4451/KH-UBND của UBND tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường đã phối hợp với các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tích cực triển khai thực hiện. Đến nay, đã có ba xã thuộc khối lượng còn lại giai đoạn 2008-2020 hoàn thành công tác lập hồ sơ địa chính, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất; 32 xã, phường, thị trấn của tám huyện, thành, thị đã hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt thiết kế kỹ thuật - dự toán (TKKT-DT) đo đạc, lập, chỉnh lý bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính, đã và đang thực hiện những nội dung tiếp theo để triển khai ở cơ sở. Hoàn thành lập, thẩm định, phê duyệt, tổ chức lựa chọn nhà thầu của bốn TKKT-DT xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại bốn huyện: Cẩm Khê, Thanh Thủy, Thanh Sơn, Tân Sơn để tổ chức thực hiện.

Đảm bảo tiến độ, hiệu quả, chất lượng công tác đo đạc, lập hồ sơ địa chính, xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính trên địa bàn tỉnh, Sở Tài nguyên và Môi trường tập trung chỉ đạo, đôn đốc, đẩy nhanh tiến độ công tác kê khai, đăng ký, cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thuộc khối lượng còn lại giai đoạn 2008-2020 của 66 xã đang thực hiện tại địa bàn năm huyện: Cẩm Khê, Tân Sơn, Thanh Sơn, Thanh Thủy, Tam Nông. Hoàn thành thủ tục theo quy định để thực hiện các TKKT-DT đo đạc, lập bản đồ địa chính, hồ sơ địa chính năm 2022 của chín huyện, thành, thị với 30 xã, phường, thị trấn. Đồng thời, triển khai xây dựng cơ sở dữ liệu địa chính tại huyện Thanh Sơn, Tân Sơn. Đặc biệt, đơn vị tiến hành xây dựng, trình UBND tỉnh phê duyệt Kế hoạch thuê dịch vụ công nghệ thông tin để quản lý, vận hành, khai thác, sử dụng cơ sở dữ liệu đất đai trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022-2025...

Lệ Oanh

Nguồn Phú Thọ: https://baophutho.vn//chuyen-doi-so/xay-dung-co-so-du-lieu-dia-chinh-hien-dai/188119.htm