Xây dựng chương trình học gắn với nhu cầu việc làm

Để phát huy hiệu quả công tác đào tạo nghề, thời gian qua, các trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên trên địa bàn tỉnh đã từng bước đổi mới, nâng cao chất lượng đào tạo, xây dựng chương trình học gắn với nhu cầu việc làm.

Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc tham quan cơ sở dạy nghề sửa chữa ô tô

Học sinh Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc tham quan cơ sở dạy nghề sửa chữa ô tô

Toàn tỉnh hiện có 9 trung tâm giáo dục nghề nghiệp – giáo dục thường xuyên và 2 trung tâm giáo dục thường xuyên với gần 4.000 học sinh theo học mỗi năm. Tại các trung tâm này, ngoài việc học văn hóa, các em còn được tham gia học nghề. Với việc thực hiện song song hai “sứ mệnh” giáo dục thường xuyên và hướng nghiệp, đào tạo nghề, những năm qua, các trung tâm trên địa bàn tỉnh đã chú trọng đổi mới công tác đào tạo, xây dựng chương trình dạy nghề phù hợp với nhu cầu thực tiễn.

Được đánh giá là một trong những đơn vị đi đầu về hiệu quả hoạt động ở cả lĩnh vực giáo dục văn hóa và đào tạo nghề, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Cao Lộc hiện có 24 lớp với 757 học sinh từ lớp 10 đến lớp 12 đang theo học. Trong năm học vừa qua, bên cạnh nâng cao chất lượng dạy học văn hóa, trung tâm đã liên kết với các trường: Cao đẳng Sư phạm Lạng Sơn; Cao đẳng xây dựng; Cao đẳng Kinh tế kỹ thuật thương mại; Cao đẳng Công nghệ và thương mại (Thái Nguyên); Cao đẳng Công nghệ và nông lâm Đông Bắc… đào tạo một số ngành nghề như: tiếng Trung Quốc; hướng dẫn viên du lịch; kỹ thuật chế biến món ăn; công nghệ hàn; kế toán doanh nghiệp…

Em Chu Thị Hoài, lớp 11A3, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục Thường xuyên huyện Cao Lộc cho biết: Ngay khi đăng ký vào học tại đây em đã được thầy cô tư vấn về việc lựa chọn ngành nghề học. Qua đó, em đã đăng ký học nghề kỹ thuật nấu ăn, bởi đây không chỉ là sở thích mà còn là về định hướng nghề nghiệp sau này khi ra trường của em.

Không chỉ liên kết đào tạo, các trung tâm còn chú trọng thực hiện dạy nghề gắn với phương pháp, chương trình giảng dạy theo phương châm “lý thuyết đi đôi với thực hành”. Đơn cử tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp – Giáo dục thường xuyên huyện Lộc Bình, năm học 2022 – 2023 vừa qua, trung tâm có hơn 400 học sinh khối 10 đến 12 học song song văn hóa và học nghề. Cô Dương Thị Ánh Tuyết, Phó Giám đốc Trung tâm cho biết: Mặc dù còn nhiều khó khăn, song để giúp các em lĩnh hội tốt các kỹ năng nghề, trung tâm đã trang bị thiết bị dạy học phù hợp cho từng ngành nghề mà trung tâm đang phối hợp đào tạo như: nghề mộc, điện dân dụng, tin học… qua đó yêu cầu giáo viên chú trọng dạy học gắn với ứng dụng thực hành, nhằm giúp các em học sinh dễ hiểu, dễ áp dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tế.

Với việc xây dựng chương trình dạy học gắn với nhu cầu việc làm, 2 năm học trở lại đây, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS đăng ký tham gia học tại các trung tâm đã có chuyển biến đáng kể. Từ năm học 2021 – 2022 đến nay, có trên 18% số học sinh sau tốt nghiệp THCS đăng ký vào học tại các trung tâm (giai đoạn 2016 – 2017 đến 2019 – 2020 chỉ chiếm khoảng 15%). Cùng đó, 100% học sinh học chương trình giáo dục thường xuyên cấp THPT đều đăng ký tham gia học nghề phù hợp với nguyện vọng bản thân và định hướng phát triển xã hội. Qua khảo sát của các trung tâm, từ năm 2021 – 2022 đến nay, hằng năm có trên 90% học sinh sau khi tốt nghiệp ra trường tiếp tục học lên các bậc học cao hơn hoặc tìm được việc làm ổn định tại các công ty, doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh.

Bà Trần Thị Hải Yến, Trưởng Phòng Giáo dục thường xuyên, Chuyên nghiệp, Sở Giáo dục và Đào tạo cho biết: Để đảm bảo chất lượng đào tạo, thời gian qua, phòng đã tham mưu lãnh đạo sở, phối hợp với Sở Lao động, Thương binh và Xã hội, chỉ đạo các trung tâm chuyển hướng từ đào tạo theo năng lực sẵn có của các cơ sở đào tạo sang hướng gắn với nguyện vọng của người học, liên kết với các trường cao đẳng nghề trong và ngoài tỉnh tổ chức các lớp nghề cho học viên. Công tác đào tạo nghề cũng gắn kết chặt chẽ với nhu cầu của doanh nghiệp, hướng đến việc giải quyết và duy trì việc làm, tạo thu nhập ổn định cho người lao động sau học nghề.

Để đạt được hiệu quả trong công tác đào tạo và thu hút học sinh theo học, cùng với thực hiện theo sự chỉ đạo của các cấp, ngành, trong thời gian tới, các trung tâm sẽ tiếp tục rà soát, chỉnh sửa, cập nhật chương trình, giáo trình đào tạo ở tất cả các trình độ; thực hiện việc giảng dạy và đào tạo đối với các ngành nghề mà xã hội quan tâm để học sinh và học viên tham gia học, sau khi ra trường có việc làm và thu nhập ổn định, qua đó góp phần phát triển kinh tế – xã hội trên địa bàn.

HOÀNG TÙNG

Nguồn Lạng Sơn: https://baolangson.vn/xa-hoi/605760-xay-dung-chuong-trinh-hoc-gan-voi-nhu-cau-viec-lam.html