Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất hợp tác xã nông nghiệp

Đồng Nai có số lượng lớn các hợp tác xã (HTX) đang hoạt động sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp. Thời gian qua việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất nông nghiệp trong mô hình kinh tế HTX đã được đẩy mạnh song vẫn chưa theo kịp nhu cầu.

Trưng bày sản phẩm của HTX Chuối Thanh Bình (H.Trảng Bom) tại lễ xuất khẩu chuối tươi tỉnh Đồng Nai năm 2023. Ảnh: Đ.LÊ

Muốn phát triển bền vững, liên kết trong sản xuất, chế biến và tiêu thụ sản phẩm là bài toán lâu dài mà các HTX cần được hỗ trợ để đẩy mạnh thực hiện.

Số lượng nhiều nhưng hiệu quả chưa thực sự cao

Hiện nay Đồng Nai xây dựng được khoảng 200 HTX và 1 liên hiệp HTX lĩnh vực nông nghiệp và dịch vụ nông nghiệp với trên 2,8 ngàn lao động. Thời gian qua, các mô hình kinh tế tập thể đang nỗ lực để liên kết, sản xuất theo chuỗi.

Theo Phó chủ tịch Liên minh HTX Đồng Nai Nguyễn Thanh Hiền, thời gian tới liên minh sẽ tăng cường các chương trình tập huấn, nâng cao nhận thức, trình độ quản trị cho lãnh đạo các HTX. Hỗ trợ các HTX trong xây dựng phương án sản xuất, kinh doanh, kết nối thị trường; tiếp cận vốn, xúc tiến thương mại, xây dựng thương hiệu, nhãn hiệu sản phẩm...

Toàn tỉnh có 197 chuỗi liên kết, trong đó có 141 chuỗi trồng trọt, 44 chuỗi chăn nuôi, 5 chuỗi thủy sản và 7 chuỗi lâm nghiệp. Trong năm 2022, Đồng Nai có thêm 9 chuỗi liên kết được phê duyệt với diện tích hơn 500 ha. Tỷ lệ giá trị sản lượng sản phẩm nông nghiệp chủ lực được tiêu thụ dưới hình thức hợp tác, liên kết đết hết năm 2022 đạt 39,8%.

Có 3 hình thức liên kết được thực hiện, chủ yếu là liên kết tiêu thụ sản phẩm qua hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp với HTX và hộ nông dân; liên kết có hỗ trợ đầu tư và tiêu thụ sản phẩm giữa doanh nghiệp với HTX và liên kết theo chuỗi giá trị khép kín. Trong chuỗi giá trị khép kín DN đầu tư cho nông dân thông qua HTX, thu mua chế biến sản phẩm và tiêu thụ.

Mức độ phổ biến liên kết ở các lĩnh vực sản xuất có sự khác nhau. Trong lĩnh vực chăn nuôi liên kết được thực hiện tương đối phổ biến, có nhiều chuỗi liên kết chặt chẽ, khép kín với quy mô lớn; điển hình như: HTX Nông nghiệp công nghệ cao Long Thành Phát liên kết Công ty De-Heus cung cấp thức ăn; các công ty cung cấp giống, thuốc thú y, và Công ty TNHH Koyu & Unitek tiêu thụ toàn bộ sản phẩm, hàng năm HTX sản xuất và tiêu thụ 7,5 triệu con gà thịt. Trong lĩnh vực trồng trọt nhất là ngành hàng trái cây, việc liên kết đang gặp rất nhiều khó khăn. Sự liên kết thiếu chặt chẽ, do chưa hài hòa lợi ích giữa các bên dẫn đến hợp đồng liên kết bị phá vỡ.

Theo đánh giá của Liên minh HTX Đồng Nai, một số HTX dịch vụ nông nghiệp đã phát huy nội lực, tranh thủ các điều kiện để phát triển, ứng dụng công nghệ cao vào sản xuất kinh doanh, mạnh dạn đầu tư mở rộng và nâng cao hiệu quả hoạt động cung cấp dịch vụ cho kinh tế hộ thành viên. Từ đó góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn và từng bước nâng cao chất lượng cuộc sống của thành viên và lao động nông thôn.

Tuy nhiên, quy mô hoạt động của HTX nông nghiệp còn nhỏ, thiếu vốn, thiếu cơ sở vật chất, hoạt động còn đơn điệu, chưa mở thêm dịch vụ phục vụ đời sống hộ thành viên. HTX chưa thể hiện được vai trò kết nối giữa các thành viên với thị trường, sự gắn kết giữa lợi ích HTX với thành viên còn chưa rõ nét.

Về phía HTX, ông Trần Quang, Giám đốc HTX Thương mại dịch vụ nông nghiệp Xuân Tiến (xã Xuân Phú, H.Xuân Lộc) cho hay so với các loại hình kinh tế khác, HTX thiếu thốn rất nhiều, nhất là HTX trên lĩnh vực nông nghiệp vì đa phần xã viên là nông dân, sự nhanh nhạy trong sản xuất, kinh doanh chưa cao. HTX muốn vay vốn để đầu tư cũng không dễ dàng bởi thiếu tài sản thế chấp. Vay vốn với tư cách cá nhân thì lãi suất cao, hồ sơ, thủ tục cũng phức tạp. Mở rộng quy mô sản xuất, liên kết với công ty, DN để cung ứng hàng hóa lớn luôn là khao khát của sản xuất nông nghiệp.

Cần thêm các giải pháp để hỗ trợ

Thời gian qua, Đồng Nai cũng đã thúc đẩy, hỗ trợ các DN, HTX trong việc xây dựng chuỗi liên kết sản phẩm. Với việc lồng ghép qua các chương trình hỗ trợ từ ngành Nông nghiệp, ngành Công thương, nhất là trong vấn đề tìm đầu ra cho sản phẩm cũng đã phần nào khẳng định được hiệu quả của các mô hình.

Theo ông Trần Quốc Huy, Phó giám đốc Quỹ Trợ vốn phát triển HTX (Liên minh HTX Đồng Nai) thì liên kết giữa các nông dân với nhau, HTX cùng ngành nghề, HTX với DN ngày càng nhiều. Sự hợp tác này đã khắc phục được một số mặt hạn chế của kinh tế hộ đơn lẻ như: thiếu vốn, kinh nghiệm sản xuất, đầu ra bền vững; DN thiếu nguyên liệu sản xuất. Theo ông Huy, hiện nay Trung ương và tỉnh có nhiều chính sách hỗ trợ, bảo vệ các đơn vị kinh tế tập thể như vay vốn lãi suất ưu đãi; đầu tư, hỗ trợ ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, kết nối tiêu thụ nông sản.

Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tế, việc phát triển các chuỗi liên kết sản xuất vẫn còn có nhiều vấn đề phải bàn. Mới đây, khoảng 200 đại biểu là nông dân, đại diện các HTX trên địa bàn tỉnh đã tham dự hội thảo đối thoại giữa lãnh đạo UBND tỉnh với nông dân tỉnh năm 2023 với chủ đề “Hỗ trợ nông dân liên kết, hợp tác, phát triển nông nghiệp bền vững” nhằm tìm hướng phát triển trong giai đoạn tới. Tại hội nghị, nhiều ý kiến của HTX, nông dân tập trung vào các vấn đề như giá vật tư đầu vào tăng cao, đầu ra nông sản, sản phẩm chăn nuôi bấp bênh trên thị trường.

Để phát triển bền vững mô hình HTX nói chung và HTX lĩnh vực nông nghiệp nói riêng thì liên kết sản xuất gắn với chế biến nông sản tỉnh Đồng Nai là bước đi tất yếu. Đây là trách nhiệm của tất cả các chủ thể tham gia trực tiếp trong chuỗi giá trị, bên cạnh vai trò định hướng của Nhà nước. Muốn làm được điều đó, các địa phương cần khuyến khích thúc đẩy, hỗ trợ nâng cao năng lực, xây dựng các HTX nông nghiệp mạnh, đủ sức làm trung gian liên kết giữa nông dân với DN.

Theo Phó chủ tịch UBND tỉnh Võ Văn Phi, thực tế trên đòi hỏi các HTX, nông dân, DN phải cùng nỗ lực. Tỉnh cần các sở, ngành. địa phương liên quan phối hợp, tham mưu để triển khai hiệu quả các chính sách hỗ trợ, phát triển mô hình HTX, từ đó xây dựng chuỗi giá trị, liên kết trong sản xuất, kinh doanh.

Từ khi thành lập đến nay (năm 2008), Quỹ Trợ vốn phát triển HTX Đồng Nai đã giải ngân cho khoảng 8,1 ngàn lượt phương án sản xuất kinh doanh với lũy kế doanh số giải ngân hơn 363 tỷ đồng. Số dư nợ đến ngày 10-3 là trên 22 tỷ đồng. Thực hiện Nghị quyết của HĐND tỉnh về thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX theo Nghị định số 45/NĐ-CP của Chính phủ; Liên minh HTX tỉnh đã tham mưu UBND tỉnh ban hành quyết định thành lập Quỹ Hỗ trợ phát triển HTX tỉnh Đồng Nai (tiền thân là Quỹ Trợ vốn phát triển HTX) với số vốn điều lệ 150 tỷ đồng.

Đào Lê

Nguồn Đồng Nai: http://www.baodongnai.com.vn/kinhte/202305/xay-dung-chuoi-lien-ket-san-xuat-hop-tac-xa-nong-nghiep-3166723/