Xanh mãi Ngày thơ Việt Nam tại Sóc Trăng

Kể từ Ngày thơ Việt Nam lần thứ XVI năm Mậu Tuất (năm 2018) có sự phối hợp giữa 3 tỉnh Sóc Trăng, Cần Thơ, Hậu Giang tổ chức tại thị xã Ngã Bảy (Hậu Giang), công chúng và người yêu thơ Sóc Trăng mới có dịp được sống trọn vẹn với thơ ca.

Sinh thời vào Ngày xuân, Bác Hồ thường khai bút làm thơ mừng xuân mới, Bác mượn thơ để nói về sự khởi đầu cho cuộc sống mới, cầu chúc cho năm mới. Thơ xuân của Bác hội đủ các yếu tố mang giá trị của chân - thiện - mỹ, tiên phong trên mọi lĩnh vực. Bài thơ Nguyên tiêu của Bác Hồ luôn trường tồn sống mãi với thời gian, trong lòng công chúng mến mộ thơ. Bởi thế nên khi tiếng trống khai hội của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng Huỳnh Thị Diễm Ngọc vang lên trên phim trường Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh, vào đúng đêm rằm, giữa trăng sáng đầu tiên của năm đầy chất thi vị, cũng là lúc toàn thể các văn nghệ sĩ, người làm văn hóa, thông tin, giáo dục và tập thể giáo viên, học sinh các trường trên địa bàn tỉnh dâng lên xúc cảm dạt dào pha lẫn niềm tự hào dân tộc, khi nghe áng thơ thần bất hữu của Bác ngân vang trên nền sân khấu hóa lung linh đầy màu sắc, qua giọng ngâm sâu lắng của hội viên phân hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng thầy giáo Dương Lê Hồng.

Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng tặng hoa cho nhà thơ, tác giả nghiên cứu lý luận phê bình văn học. Ảnh: NGỌC NHÂN

Lãnh đạo Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh Sóc Trăng tặng hoa cho nhà thơ, tác giả nghiên cứu lý luận phê bình văn học. Ảnh: NGỌC NHÂN

Chủ đề "Nhịp điệu mới" của Ngày thơ Việt Nam lần thứ XXI năm 2023 mang thông điệp đất nước ta mở ra giai đoạn mới, nhịp sống mới, thành công khống chế đại dịch Covid-19, mang khát vọng hướng tới tương lai… do Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp Hội Văn học Nghệ thuật tỉnh tổ chức lần này theo đánh giá thành công hơn sự mong đợi. Đêm thơ ấn tượng không chỉ đối với người làm nghệ thuật mà còn đối với công chúng những người yêu thơ, lẫn chưa biết gì về thơ.

Đúng vậy, Đêm thơ Nguyên tiêu Sóc Trăng nổi bật lên hình ảnh Tổ quốc và quê hương, là tình yêu đôi lứa và lẽ sống cao cả trong lao động sản xuất, không gì thay thế được. Bên cạnh đó, lý tưởng của Đảng, tư tưởng Hồ Chí Minh gắn với lòng dân đã giao hòa cùng một nhịp trong thơ. Nghe những bài thơ mới mộc mạc, bình dị: "Lục bát về em" của tác giả Hồ Quốc Lực, "Nét đẹp quê hương" của Tân Trang hay bài thơ đầy chất nghệ thuật của nhà thơ Thành Dũng… qua giọng ngâm của cô giáo Phan Thị Tuyết, Trần Thị Thơm… ta phần nào thấy cái tình quê hương, đất nước đã đi vào máu thịt của mỗi người. Hóa ra thi ca Sóc Trăng đồng hành cùng dòng chảy lịch sử của cả dân tộc Việt Nam suốt hàng trăm năm qua. Đặc biệt, trong bối cảnh hiện nay, sau đại dịch, sau những biến cố, thăng trầm của xã hội, mỗi cá nhân người làm văn hóa nghệ thuật, giáo dục địa phương đều mong muốn cái gì đó đổi thay.

Đêm thơ không chỉ là ngày của các nhà thơ và những người yêu thơ qua nhiều thế hệ mà còn dành cho cả với những người thờ ơ với thơ, chưa hiểu về thơ, không thích thơ. Sự tán thưởng của khán thính giả, sự nêu bật bản chất của thơ trong buổi tọa đàm mang tính cộng đồng, sự thể hiện của thơ trên nhiều phương diện, cùng sự hưởng ứng và tham gia nồng nhiệt của các em học sinh các trường trong Đêm thơ đã tạo nên nét mới, điểm nhấn của Ngày thơ Việt Nam năm nay, minh chứng cho sự thành công của ban tổ chức trong việc kêu gọi công chúng đến với thơ và thơ vẫn mãi là người bạn tinh thần rất có giá trị với mọi lứa tuổi.

Có một nhà văn đã dí dỏm "Mỗi nhà thơ là một nhánh sông, âm thần lặng lẽ chảy qua thời gian, đắp bồi cho mảnh đất thơ ca thêm màu mỡ, thì Đêm thơ ở Sóc Trăng được ví như biển lớn nơi hội tụ những tinh chất thơ đẹp nhất".

NGỌC NHÂN

Nguồn Sóc Trăng: https://baosoctrang.org.vn/van-hoa-the-thao/xanh-mai-ngay-tho-viet-nam-tai-soc-trang-63221.html