Xăng dầu tăng giá, doanh nghiệp và người tiêu dùng gặp khó

ĐBP - Sau kỳ điều chỉnh gần đây nhất (16 giờ ngày 26/10/2021), giá xăng dầu được ghi nhận đang ở mức cao nhất trong vòng 7 năm trở lại đây. Giá xăng dầu tăng 'chóng mặt' khiến các doanh nghiệp vận tải rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất khó khăn, người tiêu dùng cũng không khỏi lo lắng bởi nhiều mặt hàng sẽ 'té nước theo mưa', tác động lớn đến chi tiêu hàng ngày.

Người dân mua xăng tại một cửa hàng bán xăng dầu thuộc phường Tân Thanh, TP. Điện Biên Phủ.

Vận tải thiệt hại “kép”

Sau 14 lần điều chỉnh tăng giá, 3 lần điều chỉnh giảm giá từ đầu năm đến nay, giá mặt hàng xăng hiện đang được bán ở mức 23.570 đồng/lít đối với xăng RON92-II; 24.910 đồng/lít đối với xăng RON95-IV. Đối với mặt hàng dầu, sau 5 lần điều chỉnh giảm giá và 13 lần điều chỉnh tăng giá hiện cũng được ghi nhận có giá bán khá cao, 19.080 đồng/lít dầu DO 0.05S-II; 19.440 đồng/lít dầu DO 0.001S-V. Việc xăng dầu tăng giá khiến nhiều doanh nghiệp vận tải hiện đang trong cảnh đối diện hàng loạt khó khăn “kép”.

Anh Ngọc Tiến Bảo, chủ nhà xe Bảo Cúc chia sẻ: Hiện nay nhà xe đang có 4 xe chạy tuyến Hà Nội – Điện Biên và ngược lại; 5 xe chạy tuyến TP. Điện Biên Phủ - xã Mường Luân (huyện Điện Biên Đông) và ngược lại. Từ ngày 26/10, sau khi xăng, dầu điều chỉnh tăng giá, khiến chi phí tiền nhiên liệu mỗi ngày của nhà xe tăng thêm khoảng 7 triệu đồng. Cụ thể, chi phí tiền nhiên liệu cho mỗi chuyến xe chạy tuyến Hà Nội – Điện Biên tăng thêm 1,5 triệu đồng, còn xe chạy tuyến TP. Điện Biên Phủ - xã Mường Luân cũng phải tiêu hao thêm khoảng 200 nghìn đồng. Giá xăng, dầu tăng, trong khi đó, giá vé vẫn giữ nguyên ở mức 340 nghìn đồng/vé tuyến Hà Nội – Điện Biên và 60 nghìn đồng/vé tuyến TP. Điện Biên Phủ - xã Mường Luân, cộng với ảnh hưởng của dịch bệnh nên hành khách đi lại thưa thớt, khiến nhà xe rơi vào tình cảnh khó khăn chồng chất.

Không riêng nhà xe Bảo Cúc, nhiều tháng nay, các doanh nghiệp vận tải do chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên doanh thu gần như bằng không. Trong thời gian một số địa phương thực hiện giãn cách xã hội, nhiều doanh nghiệp vận tải dù không hoạt động, nhưng hàng ngày vẫn phải chịu vô vàn chi phí như lãi ngân hàng, tiền thuê nhà xưởng, kho bãi, tiền lương hỗ trợ nhân viên, lái xe, tiền bảo hiểm… Từ ngày 13/10, một số tuyến vận tải hành khách liên tỉnh bằng đường bộ hoạt động trở lại, mặc dù các doanh nghiệp vận tải chưa chạy hết công suất, nhưng tình trạng người dân đang hạn chế di chuyển bằng các phương tiện công cộng do lo sợ dịch bệnh, cộng thêm giá xăng dầu tăng “phi mã” càng khiến các doanh nghiệp “lao đao”.

Công ty Cổ phần Du lịch Xuân Long là doanh nghiệp có hơn 60 đầu xe chạy tuyến cố định liên tỉnh và khoảng 80 đầu xe taxi. Theo ông Nguyễn Đức Long, Giám đốc Công ty cho biết, việc điều chỉnh tăng giá nhiên liệu trong giai đoạn hiện nay gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp vận tải. Do ảnh hưởng của dịch, hoạt động vận tải bị gián đoạn trong thời gian dài khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn. Khi nới giãn cách, một số phương tiện được hoạt động trở lại, nhà xe chưa kịp mừng thì xăng dầu liên tiếp đội giá khiến nhiều chủ xe lao đao, phải gồng mình xoay sở để có thể cân đối thu nhập, bởi chi phí xăng, dầu chiếm tới 35% - 40% chi phí hoạt động trong khi giá vé, giá cước dịch vụ taxi thì không tăng. Để chia sẻ khó khăn với các thành viên trong đơn vị, công ty đã giảm mức thu một số loại phí để giảm bớt một phần gánh nặng chi phí khi giá xăng, dầu tăng cao như hiện nay.

Nhiều nhà xe “lao đao” vừa chịu ảnh hưởng của dịch bệnh, vừa chịu tác động của việc xăng, dầu tăng giá. Trong ảnh: Các nhà xe chờ đón khách tại Bến xe khách TP. Điện Biên Phủ.

Nhiều mặt hàng “té nước theo mưa”

Với sức ép từ giá cước vận tải, cùng các chi phí phòng, chống dịch… đang đè nặng lên doanh nghiệp nhiều mặt hàng tiêu dùng khó tránh khỏi tăng giá, đặc biệt trong bối cảnh phục hồi sản xuất kinh doanh và nhu cầu tăng mạnh vào dịp cuối năm.

Theo ghi nhận của phóng viên, tại thị trường tỉnh Điện Biên, chỉ trong vòng khoảng 1 tuần sau khi xăng tăng giá, giá thép đã tăng từ 200 đến 250 nghìn đồng/tấn; xi măng tăng từ 50 đến 80 nghìn đồng/tấn; gạch xây tăng 200 đồng/viên. Các loại gách ốp lát, thiết bị nội thất cũng tăng theo. Điều đó khiến người tiêu dùng không kịp trở tay hoặc chí ít cũng khó xoay sở với kế hoạch xây dựng của mình.

Không chỉ riêng lĩnh vực xây dựng, nhiều mặt hàng khác cũng tăng tỷ lệ thuận theo giá xăng. Điều chỉnh rõ nhất là mặt hàng gas, giá bán đã tăng từ 20 – 30 nghìn đồng/bình, tùy từng hãng. Đơn cử như giá gas Petrolimex hiện đang được bán với giá 506.000 đồng/bình 12kg, tăng 28.000 đồng so với tại thời điểm giá xăng tăng. Việc tăng giá gas đã tác động không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của người tiêu dùng, bởi từ nhiều năm nay, gas đã trở thành một mặt hàng thiết yếu trong đời sống sinh hoạt của người dân không chỉ ở thành phố mà ngay cả ở các vùng nông thôn. Chính vì vậy, việc giá gas tăng đến mức “chóng mặt” trong thời gian vừa qua càng làm tăng thêm gánh nặng trên vai người tiêu dùng. Thậm chí nhiều gia đình đã phải tính toán để làm sao hạn chế tối đa việc sử dụng gas bằng cách chuyển sang sử dụng bếp điện hoặc quay về dùng bếp than tổ ong, bếp củi thay bếp gas… để tiết kiệm chi phí, như gia đình Bác Nguyễn Thị Minh, tổ dân phố 1, phường Thanh Bình, TP. Điện Biên phủ.

Bác Minh chia sẻ: Giá gas tăng liên tục trong thời gian qua đã khiến việc đun nấu trong gia đình tôi phải tính toán lại vì quá tốn kém. Để tiết kiệm chi phí, tôi đã dùng thêm bếp than tổ ong, mặc dù biết khói than rất độc hại cho sức khỏe và môi trường nhưng việc này đã giúp giảm bớt được 30 - 40% chi phí nhiên liệu.

Thông thường, giá xăng dầu điều chỉnh theo cơ chế thị trường, có sự điều tiết của Nhà nước, phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới và tình hình kinh tế - xã hội trong từng thời kỳ. Giá xăng, dầu tăng đã ảnh hưởng đến chi phí vận chuyển và điều lo ngại nhất là hiệu ứng tăng giá dây chuyền tác động đến giá cả của nhiều loại hàng hóa, dịch vụ trên thị trường và cuối cùng người tiêu dùng phải gánh chịu. Vì thế, để hạn chế tình trạng “té nước theo mưa”, lạm phát, ngành quản lý thị trường và các ngành chức năng cần tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động giá cả, thị trường, nhất là với các hàng hóa, dịch vụ thiết yếu, đảm bảo ổn định mặt bằng giá cả, kiên quyết xử lý các hành vi vi phạm, tăng giá bất hợp lý nhằm thu lợi bất chính. Đặc biệt, việc cần làm lúc này là thực hiện tốt một số biện pháp, đẩy mạnh công tác phòng chống dịch Covid-19 đang bùng phát trở lại ở tỉnh ta và phòng ngừa các loại bệnh khác. Đây sẽ là tiền đề tốt nhất cho ổn định sản xuất, ổn định thị trường, bình ổn giá cả các mặt hàng thời gian tới.

Bài, ảnh: Thu Hằng

Nguồn Điện Biên Phủ: http://baodienbienphu.info.vn/tin-tuc/kinh-te/191748/xang-dau-tang-gia-doanh-nghiep-va-nguoi-tieu-dung-gap-kho