Xăng, dầu hạ nhiệt, tín hiệu vui đối với ngư dân xứ Thanh

Bắt đầu từ tháng 7, giá xăng dầu đã từng bước 'hạ nhiệt', đây là tín hiệu vui đối với các ngư dân. Tuy nhiên, do từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu tăng mạnh, trong khi giá cả các loại hải sản vẫn giữ ở mức ổn định nên ngư dân tỉnh Thanh Hóa vẫn chưa thể an lòng.

Nhiều tàu của ngư dân tỉnh Thanh Hóa không ra khơi do giá xăng dầu cao. Ảnh: Thùy Trang

Nhiều tàu của ngư dân tỉnh Thanh Hóa không ra khơi do giá xăng dầu cao. Ảnh: Thùy Trang

Vay tiền tỉ để bù lỗ

Cảng cá Lạch Hới, phường Quảng Tiến, thành phố Sầm Sơn, tỉnh Thanh Hóa, những ngày đầu tháng 7, dưới nắng hè oi ả, nhiều tàu cá của ngư dân đã nằm bờ từ Tết Nguyên đán do giá xăng, dầu tăng quá cao, trong khi giá hải sản về bờ thì giữ nguyên. Ông Trịnh Tứ Thuận, ngư dân ở phường Quảng Tiến, chủ tàu TH 90050 TS cho biết: “Từ tháng Giêng đến nay, tôi cùng 12 thuyền viên đã đi tổng cộng 7 chuyến vươn khơi. Do giá dầu lên cao, ngư cụ, đá lạnh cũng theo đó tăng lên nên cả 7 chuyến đi, tôi đều chịu thua lỗ”.

Tàu của ông Thuận là loại tàu lớn, dài 25m, công suất 830CV. Theo ông Thuận, trước đây, mỗi chuyến đi, ông chỉ phải chi trả từ 40-50 triệu đồng tiền dầu, khoảng 35 triệu đồng tiền đá. Còn hiện nay, với mức giá xăng, dầu tăng 7 lần liên tiếp từ đầu năm tới nay, ông Thuận phải chi 60-70 triệu đồng tiền dầu và 40 triệu đồng tiền đá. Chưa kể, do giá xăng dầu tăng cao nên các nguyên vật liệu khác phục vụ trên tàu như lương thực, thực phẩm, ngư lưới cụ... cũng tăng.

Trong khi đó, một nghịch lý xảy ra đó là, giá hải sản về bờ vẫn giữ nguyên. Chưa kể, ngư dân khai thác ở các ngư trường vịnh Bắc bộ, vùng biển Thanh Hóa và các tỉnh lân cận còn gặp khó do nguồn lợi hải sản ngày càng cạn kiệt, dẫn đến sản lượng khai thác giảm đáng kể.

“Như chuyến ra khơi gần đây nhất, đi gần chục ngày, đầu tư hơn 100 triệu đồng tiền nguyên liệu, vật liệu khác..., nhưng tôi chỉ thu về khoảng 40 triệu đồng tiền hải sản bán ra. Chưa kể, tôi phải lo trả tiền lương cho các thuyền viên, sửa chữa máy móc, ngư cụ khai thác” - ông Thuận buồn bã chia sẻ.

Thua lỗ là thế, nhưng muốn giữ anh em thuyền viên gắn bó nhiều năm với mình, nên ông Thuận vẫn tiếp tục duy trì việc khai thác hải sản, vươn khơi bám biển. Không thể nằm bờ mãi để chờ giá xăng dầu “hạ nhiệt”, ông Thuận cũng như nhiều chủ tàu phải tính toán cắt giảm các chi phí, thời gian đánh bắt và lựa chọn ngư trường phù hợp.

Để có tiền mua nguyên liệu tiếp tục bám biển, ông Thuận đã phải thế chấp căn nhà mà gia đình ông đang sống để vay khoảng 1 tỷ đồng từ Ngân hàng Thương mại cổ phần Công thương Việt Nam và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam.

Còn đó mong mỏi vươn khơi

Cũng như ông Thuận, nhiều ngư dân cùng chịu cảnh lỗ khi ra khơi khai thác hải sản. Tại cảng Lạch Bạng, thị xã Nghi Sơn, tỉnh Thanh Hóa, khung cảnh sầm uất nay đã không còn, thay vào đó là sự đìu hiu, thuyền vắng chủ. Giữa buổi trưa oi ả, ông Phạm Ngọc Luân, chủ tàu TH 93366 TS, xã Hải Hòa, thị xã Nghi Sơn đang cặm cụi sửa máy móc. Tàu của ông đã nằm bờ được một thời gian khiến máy móc, ngư cụ hỏng hóc nhiều, cần duy trì, bảo dưỡng.

Tàu cá của ông Phạm Ngọc Luân. Ảnh: Thùy Trang

Tàu cá của ông Phạm Ngọc Luân. Ảnh: Thùy Trang

Với kinh nghiệm hơn 30 năm đi biển, ông Luân cho biết: “Chưa bao giờ, giá nguyên liệu lại tăng cao kỷ lục như thời gian qua. Do giá dầu tăng cao, giá hải sản về bờ giữ nguyên, nên mỗi chuyến đi, tôi lỗ khoảng 60 triệu đồng. Tôi cũng xoay sở bằng nhiều cách như nợ chủ dầu, khi đi về bán hải sản thì sẽ trả sau, hoặc chọn những ngư trường gần, đi ngắn ngày hơn. Nhưng cũng không thể cầm cự lâu. Những ngày tàu nằm bờ, tôi luôn theo dõi tin tức hàng ngày qua các phương tiện thông tin đại chúng để nắm bắt tình hình. Những ngày vừa qua, ngư dân chúng tôi cũng thêm hy vọng, bởi giá xăng dầu giảm được một ít. Tôi mong muốn Đảng, Nhà nước có những chính sách đúng đắn, hợp lý để bình ổn giá nguyên liệu hoặc trợ giá xăng, dầu, tạo điều kiện cho ngư dân chúng tôi vươn khơi, bám biển”.

Không chỉ tàu cá của ông Luân có lúc nằm bờ, mà vào những ngày giữa tháng 3/2022, lúc giá xăng dầu lên cao, các địa phương ở tỉnh Thanh Hóa có khoảng 1.200 tàu tạm thời không hoạt động. Trong khi đó, theo thống kê, toàn tỉnh Thanh Hóa có gần 6.700 phương tiện khai thác hải sản, trong đó, có 1.172 tàu công suất lớn, đánh bắt xa bờ, còn lại là tàu vùng lộng và gần bờ.

Các phương tiện khai thác hải sản, đặc biệt là đánh bắt xa bờ có nhiều ý nghĩa hơn vấn đề dân sinh. Bởi mỗi tàu cá là một “cột mốc sống”, mỗi ngư dân là một chiến sĩ bảo vệ chủ quyền biển, đảo. Hơn thế nữa, nếu để tàu đánh bắt xa bờ nằm bờ trong thời gian dài sẽ nhanh làm hư hỏng trang thiết bị, dụng cụ và nhất là sẽ mất luôn lực lượng bạn tàu lành nghề do chuyển nghề để tìm kế mưu sinh.

“Với mỗi ngư dân, vươn khơi bám biển là một nguyện vọng chính đáng. Không chỉ là kế sinh nhai, làm giàu cho bản thân và gia đình, mà còn góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo của nước ta” - ông Luân chia sẻ.

Tuy nhiên, từ tháng 7, Liên Bộ Công thương-Tài chính đã thực hiện điều chỉnh giảm giá xăng dầu nhiều đợt, giá bán lẻ xăng E5 RON 92 hiện còn 25.070 đồng (giảm 2.710 đồng); còn xăng RON 95 là 26.070 đồng (giảm 3.600 đồng). Giá các mặt hàng dầu cũng đồng loạt giảm. Dầu diesel giảm 1.740 đồng, còn 24.850 đồng một lít. Dầu hỏa hạ 1.100 đồng một lít, còn 25.240 đồng. Dầu mazut là 16.540 đồng một kg, tương đương mức giảm 2.380 đồng.

Đây là kỳ giảm giá thứ ba liên tiếp của giá xăng, dầu trong nước từ đầu tháng 7 đến nay. So với cuối tháng 6, mỗi lít RON 95-III rẻ hơn 6.800 đồng; E5 RON 92 hạ 6.230 đồng; dầu diesel là 5.160 đồng... Đây đang là tín hiệu vui cho ngư dân nói riêng và nhiều ngành nghề khác nói chung.

Thùy Trang

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/xang-dau-ha-nhiet-tin-hieu-vui-doi-voi-ngu-dan-xu-thanh-post452843.html