Xác định vai trò của những người liên quan vụ Khanh Supper bị bắt

CQĐT cần làm rõ thủ đoạn gian dối và mục đích chiếm đoạt tài sản của Khanh Supper và đồng phạm để làm căn cứ buộc tội, đồng thời làm rõ vai trò của những người liên quan.

Phan Công Khanh, tức Khanh Supper được biết đến là "ông trùm" siêu xe ở khu vực miền Nam

Phan Công Khanh, tức Khanh Supper được biết đến là "ông trùm" siêu xe ở khu vực miền Nam

Khanh Supper chiếm đoạt tài sản bằng cách nào?

CQ CSĐT CA TP HCM đã thực hiện lệnh bắt khẩn cấp Phan Công Khanh (tức Khanh Super, 29 tuổi, quê Bến Tre) và tạm giữ Mohamach Da Pha (27 tuổi, quê An Giang), nhân viên ở showroom của Khanh để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trước đó, CA TP HCM tiếp nhận đơn tố giác của một phụ nữ tố Phan Công Khanh có hành vi lạm dụng tín nhiệm, lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trong quá trình mua bán siêu xe. Qua xác minh điều tra, ngày 10/7, CQ CSĐT CATP HCM đã khởi tố, bắt khẩn cấp đối với Khanh Supper. Các lệnh và quyết định trên đã được VKSND cùng cấp phê chuẩn.

Bước đầu CQCA xác định, thông qua mối quan hệ xã hội, chị L.N.T.H. (ngụ TP Thủ Đức) quen biết Khanh nên nhờ bán chiếc xe hiệu McLaren. Tháng 3/2023, chị H. đồng ý cho nhân viên tên Vinh đến nhà lấy xe ô tô chạy về cửa hàng trưng bày ô tô K Super của Khanh ở đường Trần Hưng Đạo (phường Phạm Ngũ Lão, Quận 1) để bán giùm. Tuy nhiên, lúc này chị H. chỉ giao xe ô tô mà không giao giấy tờ xe cho nhân viên của Khanh.

Do cần tiền trả nợ và chuộc xe Mercedes G63 (chưa có biển số) đã cầm cố trước đó, ngày 23/5, Khanh nói dối với chị H. có khách đến xem, mua xe nên yêu cầu chị này đưa giấy tờ chiếc McLaren. Tin Khanh, trưa cùng ngày, chị này đến showroom để đưa Giấy chứng nhận đăng ký xe và Giấy đăng kiểm xe ô tô (bản chính) cho Khanh.

Sau đó, Khanh đưa xe ô tô cùng toàn bộ giấy tờ cho Mohamach Da Pha đem đi cầm lấy 2 tỷ đồng. Số tiền này sau đó được Khanh dùng để chuộc chiếc xe đã cầm cố trước đó. Được biết giá trị chiếc ô tô của chị H. khoảng 10 tỷ đồng. Vụ việc đang được công an mở rộng điều tra, xử lý.

Làm rõ có yếu tố gian dối trong quan hệ dân sự

Liên quan đến vụ án này, luật sư Đinh Thị Nguyên, Đoàn Luật sư TP Hà Nội cho biết, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản là một trong các hành vi phạm tội được quy định quy định tại Điều 175, BLHS năm 2015.

Theo quy định của pháp luật, lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản xuất phát từ quan hệ dân sự có việc giao nhận tài sản, sau đó người nhận được tài sản đã lạm dụng lòng tin của người giao tài sản để có các phương thức thủ đoạn khác nhau nhằm chiếm đoạt tài sản.

Đặc biệt, tội danh này khác với tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản ở chỗ, hành vi lừa đảo là hành vi có mục đích chiếm đoạt tài sản trước, sau đó mới đưa ra thông tin gian dối để nhận tài sản rồi chiếm đoạt. Còn đối với lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản, mục đích chiếm đoạt chỉ phát sinh sau khi đã nhận được tài sản thông qua các giao dịch hợp pháp.

Trong vụ án trên, nếu các bị can vay tiền và mang tài sản thuộc quyền sở hữu hợp pháp của mình đi cầm cố để đảm bảo cho nghĩa vụ trả nợ, đó là quan hệ dân sự hợp pháp, nếu đến hạn trả nợ mà các bị can không trả được nợ, bên cho vay có quyền định đoạt đối với tài sản cầm cố đó.

Tuy nhiên, trong vụ án, tài sản cầm cố không thuộc quyền sở hữu của các bị can (bên vay tài sản, đồng thời là bên cầm cố), các bị can đã mang chiếc xe ô tô thuộc quyền sở hữu của người khác mang đi cầm cố mà không có ủy quyền, đây là quan hệ dân sự vô hiệu, bên nhận cầm cố không có quyền và không thể định đoạt được chiếc xe ô tô này nếu đến hạn trả nợ mà người vay tiền vi phạm nghĩa vụ trả nợ. Bởi vậy về mặt pháp lý, chủ chiếc xe ô tô này không thể mất xe mà bên chịu rủi ro chính là bên cho vay tiền.

“CQĐT sẽ làm rõ có yếu tố gian dối nào trong quan hệ dân sự vay tiền và cầm cố tài sản là chiếc xe ô tô của người khác hay không về mục đích chiếm đoạt tài sản của các bị can là chiếm đoạt số tiền hay chiếm đoạt chiếc xe ô tô. Sẽ làm rõ bên cho vay tiền có biết chiếc xe ô tô này là của người khác hay không, vì sao lại chấp nhận cầm cố chiếc xe ô tô này cho khoản vay tiền đó? Đồng thời sẽ làm rõ thời hạn vay là bao lâu, đã đến hạn trả nợ hay chưa, có vi phạm nghĩa vụ dân sự trong quan hệ vay tài sản hay không? Từ đó, xác định hành vi của các bị can đã đến mức nguy hiểm cho xã hội hay chưa, và nguy hiểm đối với ai, ai sẽ là nạn nhân trong vụ án này?”, luật sư Nguyên cho biết.

Về hình phạt, theo luật sư Nguyên, Điều 175, BLHS có mức phạt thấp nhất là phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm nếu đủ yếu tố cấu thành về mặt khách quan của tội phạm. Trong khi đó, mức phạt cao nhất là phạt tù từ 12 năm đến 20 năm hoặc tù chung thân nếu người phạm tội chiếm đoạt tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng trở lên; gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt bổ sung là phạt tiền từ 10 đến 100 triệu đồng, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1 đến 5 năm, bị tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

CA TP HCM thông báo ai là nạn nhân của Phan Công Khanh đề nghị liên hệ với phòng CSHS (PC02), CA TP HCM (số 459 Trần Hưng Đạo, phường Cầu Kho, quận 1) để phục vụ điều tra, xử lý.

Thái An

Nguồn PL&XH: https://phapluatxahoi.kinhtedothi.vn/xac-dinh-vai-tro-cua-nhung-nguoi-lien-quan-vu-khanh-supper-bi-bat-344000.html