Xác định rõ hơn phạm vi, lĩnh vực áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát

Thảo luận dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) tại Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 5, một số đại biểu đề nghị tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện các quy định về cơ chế, chính sách đặc thù, nhất là quy định về cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, quy hoạch… trên tinh thần vừa tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của Thủ đô vừa chặt chẽ, khả thi.

Nên giới hạn một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát

Cơ chế thử nghiệm có kiểm soát được quy định tại Điều 25 dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi). Trên cơ sở tiếp thu ý kiến ĐBQH, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng xác định nội dung, lĩnh vực được phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát, xác định khung pháp lý cần thiết để TP. Hà Nội có thể cho phép thực hiện thử nghiệm có kiểm soát đối với các công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới có phạm vi triển khai áp dụng trên địa bàn thành phố, phù hợp với năng lực kiểm soát của chính quyền thành phố, trong đó cho phép miễn trừ áp dụng một số quy định trong luật, pháp lệnh, nghị quyết, nghị định… phù hợp với phạm vi, yêu cầu, mục đích thử nghiệm.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng cho biết, quy định như vậy là phù hợp với yêu cầu tại Nghị quyết số 52-NQ/TW ngày 27.9.2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng Công nghiệp lần thứ tư, tạo cơ sở để TP. Hà Nội có thể thu hút, tạo điều kiện thuận lợi cho việc triển khai trên thực tế các giải pháp công nghệ, sản phẩm, dịch vụ, mô hình kinh doanh mới, khuyến khích tinh thần đổi mới sáng tạo, đưa Thủ đô Hà Nội thực sự trở thành một trong các trung tâm đi đầu về đổi mới sáng tạo của cả nước và khu vực. Do cơ chế thử nghiệm có kiểm soát là mô hình mới, chưa có thực tiễn kiểm nghiệm, vì vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị các cơ quan tiếp tục nghiên cứu, lấy ý kiến các bộ, ngành để hoàn thiện quy định này.

Đánh giá cao nội dung này, ĐBQH Phạm Trọng Nghĩa (Lạng Sơn) cũng nhận thấy, đây là quy định đầu tiên ở cấp độ luật điều chỉnh vấn đề này, phúc đáp yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ. Dự thảo luật đã mở rộng hơn nhiều so với cơ chế thử nghiệm áp dụng cho TP. Hồ Chí Minh trong Nghị quyết số 98/2023/QH15 ngày 24.6.2023 của Quốc hội về thí điểm một số cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP. Hồ Chí Minh, được áp dụng ở tất cả các lĩnh vực.

Tuy nhiên, đại biểu Phạm Trọng Nghĩa cũng cho rằng, dự thảo Luật nên tiếp cận theo hướng thận trọng nhằm bảo đảm kiểm soát tốt. Cụ thể, theo đại biểu, dự thảo luật nên giới hạn cụ thể một số lĩnh vực được phép thử nghiệm có kiểm soát, không nên giao cho UBND thành phố quyết định. “Theo kinh nghiệm quốc tế, các lĩnh vực được áp dụng cơ chế thử nghiệm sẽ do thị trường quyết định, thông thường là các lĩnh vực: tài chính, ngân hàng (Fintech); giáo dục (Edtech); y tế (Medtech)”, đại biểu cho biết.

ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Cũng quan tâm đến nội dung này, ĐBQH Trịnh Xuân An (Đồng Nai) cho rằng, phạm vi lĩnh vực cho phép áp dụng cơ chế thử nghiệm có kiểm soát trong dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) còn tương đối rộng và đề nghị chỉ nên áp dụng đối với một số lĩnh vực ưu tiên như: tài chính, chuyển đổi số, trí tuệ nhân tạo, công nghiệp bán dẫn… “Thử nghiệm thường sẽ gắn với rủi ro mà gắn với rủi ro thì cần loại trừ một số trách nhiệm”. Lưu ý vấn đề này, đại biểu Trịnh Xuân An cũng đề nghị, cần rà soát quy định loại trừ một số trách nhiệm liên quan đến vấn đề này. Qua rà soát nội dung cụ thể quy định tại Điều 25, đại biểu cũng cho rằng, cơ chế kiểm soát đang được quy định quá chặt và dễ dẫn đến khó thực hiện, khó có doanh nghiệp hay cá nhân nào dám thử nghiệm.

ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Ở góc độ khác, ĐBQH Trần Văn Khải (Hà Nam) chỉ rõ, Điều 25 quy định về định nghĩa cơ chế thử nghiệm có kiểm soát; quy định về phạm vi thử nghiệm, quyền hạn quyết định, giới hạn không gian, thời gian, đối tượng... thủ tục có tính chất bao quát như luật chuyên ngành.Các nội dung này mới chỉ nêu định nghĩa chung, thủ tục chung mà chưa phản ánh đặc thù hay ưu tiên quyền hạn cho Thủ đô. Như vậy, quy định trong dự thảo Luật sẽ dễ xung đột với pháp luật chuyên ngành, quy định trước luật chuyên ngành khi chưa có nghiên cứu đầy đủ vì thực tiễn chưa làm, chưa có nghiên cứu kinh nghiệm nước ngoài về vấn đề này và chưa có những giải trình rõ ràng.

Bên cạnh đó, tại điểm 5 Điều 25 dự thảo luật quy định, “Hội đồng Nhân dân thành phố Hà Nội có quyền quyết định cho miễn trừ áp dụng một số quy định của luật, nghị quyết của Quốc hội, pháp lệnh, nghị quyết của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng Chính phủ, thông tư của bộ, cơ quan ngang bộ trong phạm vi giới hạn thử nghiệm phù hợp với yêu cầu, mục đích thử nghiệm”.

Cho rằng, quy định nêu trên là vượt thẩm quyền của HĐND thành phố, đại biểu Trần Văn Khải đề nghị, cần quy định các điều kiện cụ thể, lĩnh vực cụ thể được thực hiện cơ chế thử nghiệm có kiểm soát, tránh áp dụng tùy tiện hay tạo ra cách hiểu, cách áp dụng pháp luật thiếu thống nhất. Cần tiếp tục rà soát, chỉnh sửa nội dung này theo hướng quy định cơ chế, phạm vi, điều kiện, giới hạn trong từng lĩnh vực phù hợp với điều kiện đặc thù của nước ta, không nên quy định chung, tránh áp dụng tràn lan, dễ sơ hở.

Quy định rõ các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch

Theo ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội), dự thảo Luật Thủ đô (sửa đổi) đến thời điểm này đã được tiếp thu, chỉnh lý rất nhiều nội dung, thể hiện được tinh thần phân cấp, trao quyền cho Thủ đô tự quyết định các tiêu chuẩn, quy chuẩn, định mức tiên tiến cho phát triển Thủ đô.

Tuy nhiên, phân tích cụ thể các quy định liên quan đến quy hoạch tại Điều 3, Điều 17, Điều 18 dự thảo luật, đặc biệt là quy định tại khoản 1 Điều 17 quy định “quy hoạch phải bảo đảm xây dựng Thủ đô văn hiến, văn minh, hiện đại, phát triển bền vững, bảo vệ môi trường, an ninh nguồn nước với sông Hồng là trục xanh, cảnh quan trung tâm, phát triển đô thị hài hòa hai bên sông…”, đại biểu Hoàng Văn Cường cho rằng, quy định như dự thảo Luật còn chung chung, mang tính mong muốn, kỳ vọng mà không có căn cứ, tiêu chí đánh giá cụ thể nên sẽ rất khó thực hiện.

ĐBQH Hoàng Văn Cường (Hà Nội) phát biểu. Ảnh: Lâm Hiển

Đại biểu cũng cho rằng, nhiều nội dung quy định liên quan đến quy hoạch trong dự thảo luật cần phải được quy định rõ, như quy định về các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch. Do đó, nên quy định theo hướng những quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng trong quy hoạch Thủ đô cần phải tiên tiến hơn so với các quy chuẩn, tiêu chuẩn thông thường và phải tương đương với các đô thị văn minh trên thế giới.

Bên cạnh đó, đại biểu Hoàng Văn Cường cũng đề nghị, cần luật hóa việc khai thác các dòng sông trên địa bàn Hà Nội để các dòng sông phát huy được tiềm năng phát triển cho Thủ đô, đặc biệt là khu vực sông Hồng. "Cần quy định việc quy hoạch phải ưu tiên phát triển những gì tinh túy nhất thuộc về phát triển Thủ đô”, đại biểu nêu quan điểm.

Nhật An

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/quoc-hoi-va-cu-tri/xac-dinh-ro-hon-pham-vi-linh-vuc-ap-dung-co-che-thu-nghiem-co-kiem-soat-i364284/