Xã Mễ Sở, bốn chùa đều là cơ sở cách mạng

Chùa Mễ Sở, chùa Phú Thị, chùa Nhạn Tháp, chùa Phù Trạch, bốn ngôi chùa thuộc xã Mễ Sở - huyện Văn Giang - tỉnh Hưng Yên đều tham gia hoạt động cách mạng năm 1943.

Chùa Mễ Sở, chùa Phú Thị, chùa Nhạn Tháp, chùa Phù Trạch, bốn ngôi chùa thuộc xã Mễ Sở – huyện Văn Giang – tỉnh Hưng Yên đều tham gia hoạt động cách mạng năm 1943.

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng sưu tầm

Đầu năm 1943, thực hiện chỉ thị của Xứ ủy Bắc Kỳ, ban cán sự Đảng tỉnh đẩy mạnh việc phát triển cơ sở cách mạng vào các đền chùa ở. Ở huyện Văn Giang, chỉ riêng một xã Mễ Sở đã có 4 chùa tham gia cách mạng.

Chùa Nhạn Tháp

Chùa Nhạn Tháp (Minh Khánh tự), là một ngôi chùa đẹp được bao bọc bởi hàng chục cây cổ thụ như muỗm, vải, nhiều cây có niên đại trên dưới 100 năm tạo vẻ cổ kính thâm nghiêm.

Chùa nằm ngay ven đê, thờ quan thiếu úy Trần Ngô Lang có công đánh giặc Chiêm Thành và giúp nhà Trần lên ngôi báu, được nhân dân thờ làm Thành hoàng. Chùa còn giữ lại được một bệ đá hoa sen thời Mạc, và một số đồ thờ, tượng Phật quý hiếm.

Chùa Phú Thị

Chùa Phú Thị được xây dựng từ cuối thế kỷ XVII, trên một dải đất tựa hoa sen, xung quanh là nước, giữa nổi lên một cái gò có chùa, lại có một dải đất dài hơn 100m tạo dáng cuống hoa sen. Tên chùa là Hưng Phúc tự thờ Tiền Phật, hậu Mẫu. Trong chùa có bức hoành Kim Liên động tức động sen vàng, nét chữ bay bướm rất đẹp.

Trong Nội tự có quả chuông cao 1,5m, nặng tới 360kg, tiếng chuông vang xa tới 7-8 cây số. Tương truyền Nguyễn Hữu Chỉnh tướng thời Tây Sơn định đem chuông về đúc súng đạn nhưng nhân dân đã dìm quả chuông xuống đầm nước, sau vớt lên tiếng chuông kêu giảm đi nhiều.

Chùa Mễ Sở

Theo truyền thuyết kể lại, chùa Mễ Sở có từ lâu đời, khi tướng Trần Khánh Dư và Trần Quang Khải đánh thắng quân Toa Đô ở Hàm Tử Quan, làng Mễ Sở có kho gạo lớn của quân nhà Trần nên có tên từ đấy. Đất nước thanh bình, kho gạo chuyển đi nơi khác, nhân dân dựng ngôi chùa này, ngay đầu làng ven đê sông Hồng rộng trên một mẫu Bắc Bộ (3600m2).

Trong chùa có nhiều pho tượng quý, đặc biệt có pho tượng Quan Âm Nghìn mắt nghìn tay được đặt trong một khu riêng bảo vệ nghiêm mật.

Chùa Phù Trạch được dựng vào cuối thế kỷ XIX, trên một khu đất trũng phải đào đất xung quanh vật lên để tôn cao nền, để lại bốn bên là ao hồ. Năm 1948, sư Tâm về đây chủ trì phối hợp với du kích đào hầm ở lũy tre sau chùa phục kích chống càn. Đã nhiều lần cán bộ và du kích lánh vào chùa, được sư xóa dấu vết, bảo vệ chu đáo.

Tượng Quan Âm nghìn mắt nghìn tay

Thấy những ngôi chùa này ở xa tỉnh lỵ nhưng lại gần Hà Nội tiện thâm nhập vào nội thành nên Ban Cán sự tỉnh cử 2 đảng viên là sư Chế và sư Trực ở chùa Quốc và chùa Trà Lâm về cơ sở chùa Cảnh Lâm (Yên Mỹ) cách Phú Thị khoảng 20 cây số để từ đó mở rộng địa bàn.

Trụ trì chùa Cảnh Lâm là sư Hân, người ở Phú Thị. Sư Hân được giác ngộ cách mạng nên sư Chế và sư Trực khuyên ông trở về Phú Thị gây cơ sở. Từ trước, gia đình sư Hân vẫn không đồng ý cho sư đi tu nên sư lấy lý do đó bỏ chùa về nhà hoàn tục để dễ dàng hoạt động.

Về nhà ít lâu, sư Hân giác ngộ vợ là chị Đóa lấy cớ chậm có con phải lấy một cô vợ bé về nhưng thực ra cô này là cán bộ giao thông của Xứ ủy.

Cả làng đều kháo chuyện sư lấy vợ bé, không ai nghi ngờ điều gì. Từ đó, người vợ lớn lo cửa nhà ruộng vườn, cô vợ bé đi chợ quanh vùng, với gánh hàng xén, đời sống gia đình hòa thụan khá giả.

Bố anh Hân là Chánh tổng đương chức, nhà cửa ở trong làng, còn vợ chồng anh Hân ở riêng cuối làng, cán bộ đi về càng tiện. Thường thường cán bộ về làng không đi qua đường 5, mà đi đò ngang từ bến Thường Tín (Hà Đông) sang đến bên Văn Giang là lọt vào nhà anh Hân luôn.

Chùa Phù Trạch

Một hôm, ông Chánh sang chơi đúng lúc có 3 đồng chí là ông già Đồi, chị Dung, chị Ba đang ở trong nhà. Ông đập cửa ầm ầm. Anh Hân bình tĩnh dẫn ba người vào buồng riêng của hai vợ chồng, rồi chạy ra mở cổng. Ông bố hỏi:

– Nghe nói nhà mày có khách sao lại đóng cổng?

– Có ai đâu hả bố. Con phải đóng cổng vì trẻ con hàng xóm nghe nói trong nhà yên ắng là lẻn vào hái trộm táo. Táo dạo này chín vàng mà chưa bán được.

Ông cụ vào nhà nhìn trước nhìn sau, không dám mở cửa buồng vì phong tục ở quê là buồng riêng của vợ chồng trẻ không ai được vào, kể cả bố mẹ. Ông không chờ con pha nước, lẳng lặng ra cổng, vừa đi vừa nói:

– Tao có việc đi qua đây, ghé vào một tý xem chúng mày có ra đồng không?

– Chỉ có vợ con, nó đi từ sáng chưa về!

Anh Hân từ khi về nhà thường lui tới nói chuyện với các sư ở chùa Phú Thị, Mễ Sở, Phú Trạch. Có lần ông Tự tức đồng chí Hoàng Quốc Việt được anh Hân dẫn đi thăm các chùa, cùng các sư đàm đạo về kinh nhà Phật, về cuộc đời được các sư khen là thông hiểu Nho giáo, Phật giáo, giỏi cả về lịch sử nước nhà, đúng là chân tu. Nhà anh Hân còn là nơi in tài liệu, truyền đơn phân phát đi các nơi.

Năm 1943 bị lộ, anh bị bắt rồi được tha khi cách mạng thành công. Năm 1948 anh đi bộ đội và hy sinh năm 1952. Sư ông chùa Phú Thị là Thích Thanh Lễ cũng đi theo Đảng làm cách mạng, nay đã từ trần.

Trong kháng chiến chống Pháp, Mễ Sở là xã đầu tiên của huyện Văn Giang nổ súng đánh Pháp.

Giặc đến lập tề, ta cử người ra làm việc để lãnh đạo nhân dân sản xuất và đấu tranh hợp pháp với chúng. Ta thành lập các đội du kích, trong đó có đội nữ du kích Hoàng Ngân làm nhiệm vụ quấy rối, trừ gian, địch vận hoạt động rất mạnh.

Dưới sự lãnh đạo của Đảng, nhân dân đã bảo vệ nuôi dấu cán bộ chu đáo trước mắt kẻ thù không hề sợ hãi. Cụ lang Ký ở Đa Hòa khi địch phá chùa, cụ xây lấy một ngôi chùa nhỏ kiếm tượng Phật về thờ lấy chỗ nuôi dấu cán bộ. Điện của bà Mục Lưu, điện của cụ Phó Thi đều là nơi cán bộ đi về hoạt động.

Chùa Mễ Sở có sư Ni Đàm Vân và Đàm Tuyết lấy gác chuông làm vọng gác, còn làm cầu để đưa cơm cho anh em mà địch không phát hiện được.

Chùa Phú Trạch có sư Xoan cũng đã từng nuôi dấu bí thư, chủ tịch xã, thường vụ huyện ủy. Đồng chí Tiềm chạy hầm, bị địch phát hiện bao vây, anh đã cho nổ lựu đạn hy sinh ngay trong hầm bí mật trong chùa Phú Trạch. Địch bắt sư Xoan và vãi Trường về đồn tra tấn rất dã man nhưng không khai thác được gì phải thả.

Chùa Nhạn Tháp có sư ông Bằng trụ trì đã nuôi dấu huyện đội trưởng, chính trị viên huyện đội nhiều ngày. Cán bộ kiểm tra của Tỉnh ủy, Bí thư huyện ủy Khoái Châu cũng về đây ăn ở hoạt động ngay trong lòng địch.

Trong những năm tháng ác liệt ấy, Mễ Sở có trên 300 người bị địch giết hại và hàng trăm người ở nơi khác được chúng đem về đây tra tấn cho đến chết. Nhân dân đã gọi những bốt Thiết Trụ, Quỳnh Dung, Đởm là những lò sát sinh mà khu chôn người lớn nhất là Bãi Nhãn.

Ở đây khi đào lên bốc mộ tìm được hàng xâu người còn nguyên cả dây thép, xác người chồng lên nhau sáu bảy tầng. Tuy địch khủng bố ác liệt như thế nhưng Mễ Sở vẫn kiên cường anh dũng như bức tường thành che chở cho cán bộ lãnh đạo huyện Văn Giang, Khoái Châu, Thường Tín và cán bộ các xã lân cận đi về hoạt động cho đến khi cuộc kháng chiến chống Pháp toàn thắng.

Các chùa Nhạn Tháp, Phú Thị, Mễ Sở đều là di tích lịch sử văn hóa cấp Quốc gia.

Nguồn tài liệu: Theo Trần Thị Minh Châu, Cơ sở cách mạng trong các đền chùa Hưng Yên, Nxb Văn hóa-Thông tin, 2000.

Tác giả: Nguyễn Đại Đồng sưu tầm

PDF PRINT

Nguồn Tạp chí Phật học: https://tapchinghiencuuphathoc.vn/xa-me-so-bon-chua-co-so-cach-mang.html