Xã luận: Làm sâu sắc hơn nữa các trụ cột hợp tác Việt Nam - Đức

Nhận lời mời của Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Võ Văn Thưởng và phu nhân, Tổng thống Cộng hòa Liên bang (CHLB) Đức Frank-Walter Steinmeier và phu nhân sẽ thăm cấp nhà nước đến Việt Nam từ ngày 23 đến 24-1. Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức và phu nhân thể hiện Đức coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như coi trọng vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam.

Kể từ khi Việt Nam và Đức thiết lập quan hệ ngoại giao ngày 23-9-1975, quan hệ hữu nghị và hợp tác song phương phát triển tích cực, ngày càng sâu rộng, hiệu quả và toàn diện. Hai bên duy trì đều đặn tiếp xúc và trao đổi đoàn các cấp, nhất là cấp cao. Trong chuyến thăm Việt Nam của Thủ tướng CHLB Đức Angela Merkel (tháng 10-2011), Thủ tướng hai nước đã ký Tuyên bố chung Hà Nội về việc thiết lập quan hệ đối tác chiến lược, trong đó đề ra các mục tiêu và biện pháp cụ thể tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực ưu tiên. Hai nước phối hợp chặt chẽ tại các tổ chức quốc tế và cơ chế đa phương như Liên hợp quốc, khuôn khổ hợp tác ASEAN-Liên minh châu Âu (EU)...

Tổng thống Cộng hòa Liên bang Đức Frank-Walter Steinmeier và Phu nhân Elke Büdenbender. Ảnh: TTXVN phát

Trong khi hợp tác trên các kênh Đảng, Nhà nước, Chính phủ và Quốc hội cũng như hợp tác trong các lĩnh vực chuyên ngành khác không ngừng được thúc đẩy thì hợp tác kinh tế là một điểm sáng tiêu biểu của quan hệ Việt-Đức. Trong nhiều năm liên tiếp, Đức là một trong các đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam trong EU, đồng thời là cửa ngõ trung chuyển quan trọng của hàng hóa Việt Nam sang các thị trường khác ở châu Âu. Năm 2023, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu giữa hai nước đạt hơn 11 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu sang Đức 7,4 tỷ USD và nhập khẩu 3,686 tỷ USD. Hiện nay, có hơn 350 doanh nghiệp Đức hoạt động tại Việt Nam trong các lĩnh vực như: Thiết bị y tế, khí hóa lỏng phục vụ luyện kim, ô tô, chế tạo máy, ngân hàng, bảo hiểm... Tính đến tháng 5-2023, Đức có 444 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 2,36 tỷ USD, đứng thứ 4/24 trong EU và thứ 18/143 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư tại Việt Nam. Trong khi đó, các doanh nghiệp Việt Nam có 11 dự án đầu tư còn hiệu lực tại Đức với tổng vốn đầu tư và qua điều chỉnh đạt trên 30,95 triệu USD.

Về hợp tác phát triển, từ những năm 1990 đến nay, Đức đã cung cấp ODA trị giá hơn 2 tỷ USD, hỗ trợ Việt Nam trong công cuộc phát triển kinh tế-xã hội và hội nhập quốc tế. Đức xác định các ưu tiên hợp tác với Việt Nam trong nhiều lĩnh vực như: Ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên thiên nhiên, năng lượng tái tạo, đào tạo nghề và y tế. Từ năm 2020, Việt Nam được xếp là “Đối tác toàn cầu” trong Chiến lược hợp tác phát triển đến năm 2030 (BMZ 2030) của Đức. Tại kỳ đàm phán cấp Chính phủ về Hợp tác phát triển Việt Nam-Đức từ ngày 20 đến 23-7-2021, Chính phủ Đức tiếp tục cam kết vốn ODA cho Việt Nam trị giá trên 143,5 triệu Euro trong giai đoạn 2022-2023.

Trong sự phát triển chung của quan hệ hai nước Việt Nam-Đức, hợp tác quốc phòng song phương không ngừng được củng cố và phát triển. Ngay trước thềm chuyến thăm của Thủ tướng CHLB Đức Olaf Scholz đến Việt Nam tháng 11-2022, Bộ Quốc phòng Việt Nam và Bộ Quốc phòng Đức đã ký kết Thỏa thuận hợp tác quốc phòng song phương sau hơn 10 năm đàm phán. Việc ký kết này đánh dấu sự phát triển quan trọng trong quan hệ hợp tác quốc phòng hai nước, tạo khuôn khổ thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như: Trao đổi đoàn các cấp, chia sẻ các vấn đề chiến lược cùng quan tâm, đào tạo, quân y, gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc và các lĩnh vực khác theo sự thống nhất của hai bên.

Về giáo dục-đào tạo, khoảng 300 nghiên cứu sinh Việt Nam nhận học bổng nghiên cứu tại Đức và khoảng 7.500 sinh viên Việt Nam đang theo học tại các trường đại học của Đức. Đặc biệt, Trường Đại học Việt Đức tại TP Hồ Chí Minh, được xem là dự án “hải đăng” của hai nước, hoạt động hiệu quả, góp phần đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho Việt Nam. Đến nay, Việt Nam đã đưa hơn 2.500 lao động sang đào tạo và làm điều dưỡng viên đa khoa tại Đức.

Bên cạnh đó, hai nước còn tăng cường hợp tác trong các lĩnh vực tư pháp-pháp luật, văn hóa, du lịch, khoa học-công nghệ... Đức đang hỗ trợ Việt Nam thực hiện một số dự án về bảo tồn, phục chế các di sản văn hóa tại cố đô Huế. Cộng đồng người Việt Nam tại Đức hiện có khoảng 200.000 người, được đánh giá hội nhập sâu rộng, có nhiều đóng góp tích cực vào sự phát triển kinh tế-xã hội của Đức và quan hệ hai nước.

Chuyến thăm cấp nhà nước tới Việt Nam của Tổng thống CHLB Đức và phu nhân thể hiện Đức coi trọng và mong muốn củng cố, thúc đẩy hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược với Việt Nam cũng như coi trọng vai trò, vị thế quốc tế của Việt Nam. Chuyến thăm góp phần gia tăng hiểu biết, tin cậy chính trị và tạo động lực mới, đẩy mạnh, làm sâu sắc hơn nữa các trụ cột hợp tác giữa hai nước. Chúng ta tin tưởng rằng, chuyến thăm của Tổng thống Frank-Walter Steinmeier và phu nhân sẽ thành công tốt đẹp, góp phần làm sâu sắc quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam-Đức, đưa quan hệ hai nước sang giai đoạn mới vì lợi ích chung của hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển.

QĐND

*Mời bạn đọc vào chuyên mục Chính trị xem các tin, bài liên quan.

Nguồn QĐND: https://www.qdnd.vn/chinh-tri/cac-van-de/xa-luan-lam-sau-sac-hon-nua-cac-tru-cot-hop-tac-viet-nam-duc-762416