Xã Đồng Tâm: Phát triển kinh tế gắn với bảo tồn động vật hoang dã

Trên địa bàn xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) hiện có nhiều hộ dân phát triển gây nuôi động vật hoang dã như: nhím, hươu sao, lợn rừng... Các mô hình hoạt động hiệu quả, đầu ra ổn định góp phần phát triển kinh tế, giảm việc săn bắt động vật hoang dã trong môi trường tự nhiên.

Mô hình gây nuôi động vật hoang dã của anh Nhữ Văn Vũ, thôn Ngọc Lâm, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Mô hình gây nuôi động vật hoang dã của anh Nhữ Văn Vũ, thôn Ngọc Lâm, xã Đồng Tâm (Lạc Thủy) cho hiệu quả kinh tế cao, đầu ra ổn định.

Mô hình gây nuôi động vật hoang dã của anh Nhữ Văn Vũ, thôn Ngọc Lâm được xây dựng khép kín, hợp lý, đảm bảo vệ sinh môi trường. Đầu tư hơn 10 năm nay, bắt đầu với vài đôi nhím, lợn rừng, đến nay mô hình có 250 con nhím, 20 con lợn rừng, 8 con hươu sao, sinh trưởng và phát triển ổn định. Anh Vũ cho biết: "Chuồng trại chăn nuôi được đầu tư hệ thống xử lý chất thải bảo đảm vệ sinh môi trường, không có mùi hôi, được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi động vật hoang dã. Nuôi các loại động vật hoang dã không khó, nguồn thức ăn cũng đơn giản, hầu như không mắc bệnh, tuy vậy cần khéo léo, hiểu tập tính sinh sống của chúng để bố trí giờ ăn, tách đàn riêng cho phù hợp. Thức ăn chủ yếu là các loại lá, củ, quả sẵn có vườn nhà. Nhím nuôi 1 năm, lợn rừng nuôi 8 tháng có thể xuất chuồng, hươu sao 1 năm cắt nhung 1 lần. Khó nhất là kỹ thuật ghép đôi, sinh sản, nhân đàn để tránh cận huyết, mất đi đặc tính vốn có của vật nuôi”.

Với giá bán nhím cho các tư thương, nhà hàng, quán ăn trung bình 300.000 đồng/kg, lợn rừng 150.000 đồng/kg, nhung hươu 1,8 triệu đồng/lạng, mỗi năm gia đình anh Vũ thu về 300 - 400 triệu đồng, đầu ra ổn định, có lúc không đủ hàng để bán cho khách.

Xã Đồng Tâm đã hình thành Hội gây nuôi sinh sản, sinh trưởng động vật hoang dã với 23 thành viên, chủ yếu tại các thôn: Ngọc Lâm, Đồng Bong, Đồng Nội… Các thành viên đều được cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép đủ điều kiện chăn nuôi động vật hoang dã, đảm bảo vệ sinh môi trường. Nhiều cơ sở cho thu hàng trăm triệu đồng mỗi năm như cơ sở của anh Phạm Văn Hoàng (thôn Ngọc Lâm), anh Vũ Văn Hùng (thôn Ngọc Lâm) với hàng trăm cá thể nhím, hươu sao.

Theo các hộ chăn nuôi, nuôi nhốt động vật hoang dã cho hiệu quả kinh tế cao, có tiềm năng phát triển. Điều kiện thuận lợi ở địa phương là nguồn thức ăn dồi dào, môi trường sống phù hợp cho động vật hoang dã sinh trưởng, phát triển tốt. Tuy nhiên, chi phí đầu tư mua con giống cao như: nhím 3 triệu đồng/cặp, lợn rừng 1,5 triệu đồng/cặp, hươu sao 40 triệu đồng/con… Chuồng trại phải xây dựng đúng kỹ thuật, việc quản lý, chăm sóc đàn tương đối khó bởi bản năng tự vệ của động vật hoang dã. Để xây dựng mô hình, các hộ chăn nuôi cần học tập kinh nghiệm, đầu ra phụ thuộc vào thị trường nên không vội đầu tư quy mô lớn, phát triển ồ ạt, tránh thua lỗ. Bên cạnh đó, hộ chăn nuôi cần được quan tâm hỗ trợ vốn, kỹ thuật, nhất là việc phát triển liên kết chăn nuôi theo hình thức trang trại mới tạo sự ổn định cho mô hình.

Đồng chí Nguyễn Đức Hân, Phó Chủ tịch UBND xã Đồng Tâm cho biết: "Những năm gần đây xã quan tâm, khuyến khích người dân đẩy mạnh chuyển đổi vật nuôi phát triển kinh tế, nâng cao thu nhập, trong đó mô hình chăn nuôi động vật hoang dã là hướng phát triển hiệu quả. Hướng dẫn người dân quy trình, thủ tục để được cấp phép nếu có nhu cầu xây dựng mô hình. Tạo điều kiện thuận lợi cho xuất bán động vật hoang dã. Nhờ đó, trên địa bàn ngày càng hình thành nhiều cơ sở nuôi nhốt động vật hoang dã, địa chỉ cung cấp giống, sản phẩm, hỗ trợ công tác bảo tồn loài trong môi trường hoang dã, duy trì nguồn gen động vật nguy cấp, quý hiếm. Tuy nhiên, so với tiềm năng, việc phát triển nuôi động vật hoang dã còn mang tính tự phát, quy mô nhỏ lẻ, chưa vươn tới được các thị trường lớn”.

Hoàng Anh

Nguồn Hòa Bình: http://www.baohoabinh.com.vn/12/179842/xa-dong-tam-phat-trien-kinh-te-gan-voi-bao-ton-dong-vat-hoang-da.htm