Ông Nguyễn Đăng Quang chỉ ra công ty 'quý giá nhất' của Masan

Chủ tịch HĐQT Masan cho biết công ty phụ trách sản xuất hàng tiêu dùng Masan Consumer Holdings chính là 'viên kim cương gia bảo' của tập đoàn.

Ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan tại phiên họp cổ đông sáng 25/4. Ảnh: MSN.

Sáng 25/4, CTCP Tập đoàn Masan (HoSE: MSN) đã tổ chức thành công phiên họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 để thông qua các kế hoạch kinh doanh năm nay.

Theo đó, Masan đã trình và được cổ đông thông qua kế hoạch kinh doanh với mục tiêu doanh thu dao động từ 84.000 tỷ đến 90.000 tỷ đồng (tăng tương ứng 7% đến 15% so với năm 2023), lợi nhuận sau thuế dự kiến trong khoảng 2.250-4.020 tỷ đồng, tăng 15-106%.

Để hoàn thành kế hoạch này, lãnh đạo Masan cho biết tập đoàn sẽ tập trung vào các trụ cột chiến lược và tiếp tục mục tiêu tăng trưởng lợi nhuận của các công ty thuộc mảng kinh doanh tiêu dùng cốt lõi.

"Viên kim cương" Masan Consumer Holdings

Tại phiên họp, ông Nguyễn Đăng Quang - Chủ tịch HĐQT Masan - khẳng định CTCP Hàng tiêu dùng Masan Cosumer (Masan Consumer Holdings - MCH) là doanh nghiệp quan trọng của tập đoàn và sẽ tiếp tục cân nhắc kế hoạch IPO công ty này.

Đáng chú ý, vị tỷ phú nhấn mạnh công ty sản xuất hàng tiêu dùng này chính là "viên kim cương gia bảo" của Masan.

“Masan Consumer là viên kim cương gia bảo của Masan, là niềm tự hào, mang đậm, thấm và nguyên tắc với những giây phút trăn trở, đam mê và ngọt ngào trong những giây phút phụng sự người tiêu dùng", ông Quang chia sẻ.

Vị chủ tịch cho biết công ty hàng tiêu dùng MCH còn là "đại sứ ẩm thực Việt Nam" nâng hành trình đi ra thế giới của Masan.

Về hoạt động của công ty hàng tiêu dùng này, ông Trương Công Thắng, Tổng giám đốc Masan Consumer Holdings, cho biết doanh nghiệp đã gây dựng thành công 5 thương hiệu có doanh thu hàng năm 150-250 triệu USD gồm Kokomi, Omachi, CHIN-SU, Nam Ngư và Wakeup 247, đóng góp vào 80% tổng doanh thu.

Trong tương lai, MCH đặt mục tiêu mở rộng hơn nữa bằng cách tham gia vào thị trường tiêu dùng bên ngoài, cung cấp các sản phẩm cao cấp thay thế bữa ăn tại nhà và thay thế bữa ăn tại nhà hàng cho người tiêu dùng. Ông Thắng tin rằng điều này chỉ là bước đầu trong hành trình của Masan Consumer để chiến thắng thị trường FMCG của Việt Nam.

"Mục tiêu chiến lược của Masan Consumer là sở hữu 6 thương hiệu tỷ USD", ông Thắng nhấn mạnh.

Trong đó, Omachi đặt mục tiêu mở rộng thị trường từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà. Cùng với việc ra mắt sản phẩm lẩu tự sôi năm ngoái, Masan cũng ra mắt sản phẩm cơm tự chín năm nay.

Thương hiệu Chinsu cũng đặt mục tiêu cao cấp hóa để chiếm hơn 65% lượng tiêu thụ nước mắm của Việt Nam. Thương hiệu này đã phát triển danh mục sản phẩm gia vị cao cấp, hướng tới tiếp cận người tiêu dùng toàn cầu.

Ông Trương Công Thắng khẳng định con đường tương lai của MCH là phục vụ những nhu cầu lớn chưa được đáp ứng của người tiêu dùng. MCH đã đi từ góc bếp đến các sản phẩm trong tủ lạnh, các sản phẩm ở phòng khách, phòng tắm.

Tới đây, trụ cột thứ 5 của MCH sẽ là các sản phẩm out-of-home (ra khỏi phạm vi ngôi nhà) như trà, cà phê, nước lọc, lẩu tự sôi, snacks…

Dự kiến đến năm 2034, Masan Consumer sẽ đạt 10-20% doanh thu từ thị trường quốc tế.

WinCommerce sẽ cạnh tranh về giá

Tại phiên họp, bà Nguyễn Thị Phương, Tổng giám đốc WinCommerce (WCM), chia sẻ công ty đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu trong năm 2023, ghi nhận những cải thiện đáng kể và hiệu quả tài chính với doanh thu tăng lên gần 8.000 tỷ đồng quý I, tăng 9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Bên cạnh đó, WCM đã đạt được EBITDA hàng nhu yếu phẩm dương trong 3 quý liên tiếp tính đến quý I/2024, đồng thời ghi nhận hơn 2.200 cửa hàng có EBITDA dương.

WCM sẽ cạnh tranh hơn về giá trong năm 2024. Ảnh: MSN.

Ngoài ra, biên lợi nhuận thương mại của WCM cũng đã tăng 10% trong khi vẫn giữ được mức giá cạnh tranh.

Năm nay, WCM dự kiến đạt doanh thu thuần từ 32.500 tỷ đến 34.000 tỷ đồng, tăng tương ứng 8% đến 13% so với thực hiện năm 2023. Mức tăng trưởng này được thúc đẩy bởi tốc độ tăng trưởng LFL (life for life) nhanh hơn, mở rộng mạng lưới và kết quả tích cực của các cửa hàng mới.

Kịch bản cơ sở với doanh thu thuần 32.500 tỷ đồng được đưa ra khi thị trường phục hồi với tốc độ chậm hơn dự kiến, tăng trưởng LFL được dự báo thận trọng trong khoảng 0-5%, WCM sẽ mở mới 400 cửa hàng tiện lợi.

Trường hợp tâm lý người tiêu dùng khởi sắc, tăng trưởng LFL đạt khoảng 9-13%, WCM sẽ mở mới 700 cửa hàng tiện lợi.

Lãnh đạo WCM cho biết đang tập trung vào việc thay đổi định kiến về giá của khách hàng khi mua hàng tại WCM.

"Từ trước đến nay, WCM được đánh giá là không cạnh tranh về giá với các hệ thống bán lẻ khác. Từ cuối năm 2023, WCM đã xây dựng lại chiến lược về giá, đánh tổng lực truyền thông về giá cho khách hàng. Thậm chí, ở thị trường nông thôn, WCM đã có những sản phẩm cạnh tranh được về giá với cửa hàng bên ngoài", vị này cho biết.

Từ những kết quả trên, WCM đặt mục tiêu có lợi nhuận ròng sau thuế dương từ năm 2025.

Diệu Thanh

Nguồn Znews: https://znews.vn/ong-nguyen-dang-quang-chi-ra-cong-ty-quy-gia-nhat-cua-masan-post1472284.html