WHO khuyến cáo không nên sử dụng 2 liệu pháp chống COVID-19

Nhân viên y tế điều trị cho bệnh nhân COVID-19 tại bệnh viện ở Munich, Đức. Ảnh: AFP/TTXVN

* Nam Phi xác nhận phát hiện dòng phụ mới của biến thể Omicron

Ngày 15/9, các chuyên gia Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết họ đặc biệt khuyến cáo không nên sử dụng hai liệu pháp kháng thể chống COVID-19 cùng một lúc ở các bệnh nhân mắc bệnh này, đảo ngược các khuyến nghị trước đó ủng hộ giải pháp từng được đăng trên Tạp chí Y khoa Anh.

Các chuyên gia của WHO lý giải việc này là do biến thể Omicron và các biến thể phụ mới nhất có khả năng khiến cách điều trị này không còn hiệu quả nữa.

Hai liệu pháp sotrovimab và casirivimab-imdevimab được bào chế để hoạt động bằng cách liên kết với protein đột biến của virus SARS-CoV-2 rồi vô hiệu hóa khả năng lây nhiễm tế bào của virus này là những loại thuốc đầu tiên được phát triển trong đại dịch.

Theo báo cáo của WHO, số ca tử vong do COVID-19 trong tuần qua đã ở mức thấp nhất kể từ tháng 3/2020. Việc triển khai tiêm vắc xin và các phương pháp điều trị hiệu quả đã giúp giảm số ca bệnh nặng và tử vong.

Theo hãng tin Reuters, đây là bình luận lạc quan nhất của WHO kể từ khi cơ quan này tuyên bố COVID-19 là vấn đề y tế khẩn cấp toàn cầu và gọi đây là đại dịch hồi tháng 3/2020. Tuy nhiên, tổ chức này kêu gọi các nước nên phủ vắc xin ngừa COVID-19 100% đối với nhóm có nguy cơ cao và tiếp tục xét nghiệm virus.

WHO cũng cảnh báo khả năng xảy ra các đợt bùng phát COVID-19 trong tương lai do các biến thể phụ của chủng Omicron hoặc các biến thể mới của virus. Theo WHO, các nước cần đảm bảo nguồn cung thiết bị y tế cũng như lực lượng y bác sĩ.

Cho đến nay, COVID-19, dịch bệnh bùng phát ở Trung Quốc vào cuối năm 2019, đã khiến gần 6,5 triệu người tử vong và 606 triệu người nhiễm trên thế giới.

Trong diễn biến khác, ngày 15/9, Viện Y tế quốc gia Nam Phi xác nhận phát hiện dòng phụ mới của biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 gây bệnh COVID-19, gọi là BA.2.75. Người phát ngôn viện trên, Foster Mohale, cho biết dòng phụ mới được phát hiện lần đầu hồi tháng 7 trong một mẫu bệnh phẩm thu thập tại Gauteng và từ đó chưa được phát hiện thêm ở những vùng khác.

Người phát ngôn này cho biết dòng phụ mới phát hiện được xếp vào nhóm biến thể đáng quan tâm, chưa đến mức đáng lo ngại. Dòng phụ này cũng chưa cho thấy có bất kỳ tác động hay nghiêm trọng như các dòng phụ BA.4 và BA.5 đang phổ biến hiện nay.

Người phát ngôn Mohale cho biết các dòng phụ BA.4 và BA.5 tiếp tục là những dòng phụ gây bệnh phổ biến nhất tại Nam Phi nhưng ít nguy hiểm hơn do mức độ miễn dịch trong toàn dân đã cao hơn. Viện trên kêu gọi cộng đồng không lo lắng quá.

Nam Phi đã dỡ bỏ hầu hết các biện pháp hạn chế vì COVID-19 trong bối cảnh các ca mắc mới tiếp tục giảm. Tuy nhiên, trong bối cảnh đại dịch vẫn chưa chấm dứt, giới chức y tế kêu gọi người dân đi tiêm phòng các mũi cơ bản (với người chưa tiêm) và mũi tăng cường để bảo vệ bản thân. Hơn 50% dân số Nam Phi đã được tiêm phòng COVID-19.

Trong khi đó, chính phủ Nhật Bản đang lên kế hoạch nới lỏng hơn nữa các biện pháp kiểm soát biên giới vào tháng tới trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 mới ở nước này đang có xu hướng giảm. Phóng viên TTXVN tại Tokyo dẫn nguồn đài truyền hình NHK cho biết Chính phủ Nhật Bản dự định sẽ bỏ giới hạn về số người nhập cảnh vào nước này mỗi ngày, đồng thời cho phép du khách nước ngoài có thể thoải mái đi lại ở Nhật Bản.

Bên cạnh đó, Nhật Bản có thể sẽ nối lại việc miễn thị thực ngắn hạn cho các du khách đến từ khoảng 70 quốc gia/vùng lãnh thổ nếu họ lưu trú ở Nhật Bản không quá 90 ngày. Theo NHK, Chính phủ Nhật Bản sẽ đưa ra quyết định cuối cùng về thời điểm thực hiện các biện pháp này sau khi nghiên cứu tình hình dịch bệnh và các nhân tố khác.

Liên quan đến các biện pháp phòng dịch, Bộ Quốc phòng Nhật Bản cho biết sẽ bắt đầu triển khai tiêm loại vắc xin mới phòng biến thể Omicron kể từ ngày 3/10 tới. Cụ thể, Bộ Quốc phòng sẽ triển khai tiêm vắc xin mới phòng Omicron tại 2 cơ sở tiêm chủng quy mô lớn do bộ này vận hành tại thủ đô Tokyo và Osaka. Các trung tâm này hiện đang tiến hành tiêm loại vắc xin phòng COVID-19 thông thường và dự kiến sẽ kết thúc chương trình vào cuối tháng 9.

Trước đó, hội đồng chuyên gia của Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản đã chấp thuận triển khai tiêm miễn phí loại vắc xin mới phòng biến thể Omicron của Pfizer-BioNTech và Moderna. Đối tượng tiêm sẽ bắt đầu từ người trên 60 tuổi và nhân viên y tế đã hoàn thành mũi tiêm phòng COVID-19 thứ 3, sau đó sẽ mở rộng ra tất cả đối tượng trên 12 tuổi đã hoàn thành 2 mũi cơ bản.

Dự kiến Bộ Y tế, lao động và phúc lợi xã hội Nhật Bản sẽ triển khai tiêm khoảng 30 triệu mũi vắc xin loại mới, trong đó chủ yếu là của Pfizer-BioNTech (28 triệu mũi tiêm) và 2 triệu mũi tiêm của hãng Moderna. Bộ này khẳng định vắc xin mới có hiệu quả ngăn ngừa chuyển biến nặng cao hơn so với các loại vắc xin trước đây và mang lại kỳ vọng về hiệu quả miễn dịch trong thời gian ngắn.

Ngày 15/9, chính quyền thủ đô Tokyo đã hạ cảnh báo về tình hình dịch COVID-19 ở thành phố này từ mức cao nhất xuống cấp độ 2 trên thang cảnh báo gồm 4 cấp. Đây là lần đầu tiên kể từ đầu tháng 7, Tokyo hạ cảnh báo về dịch COVID-19 xuống cấp độ 2 trong bối cảnh số ca nhiễm mới liên tục giảm thời gian gần đây.

H.T (tổng hợp từ TTXVN, Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/286011/who-khuyen-cao-khong-nen-su-dung-2-lieu-phap-chong-covid-19.html