WHO kêu gọi các nước giàu đóng góp 16,8 tỷ USD: Nỗ lực chấm dứt đại dịch Covid-19

Trong khi các nước phát triển đã được bao phủ diện rộng vắc xin phòng Covid-19 thì thống kê cho thấy hiện vẫn có khoảng 10% dân số ở các nước nghèo và thu nhập thấp được tiêm 1 liều vắc xin. Trong bối cảnh biến chủng Omicron vẫn tiếp tục lan rộng ở nhiều quốc gia, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đã kêu gọi các nước giàu đóng góp 16,8 tỷ USD nhằm đạt mục tiêu tiêm phòng Covid-19 cho 70% dân số thế giới cũng như chấm dứt đại dịch Covid-19.

Chương trình COVAX nhằm bảo đảm khả năng tiếp cận công bằng đối với tiêm vắc xin phòng Covid-19 trên toàn cầu.

WHO cho biết, việc chuyển tiền mặt nhanh chóng vào Sáng kiến “Tăng tốc tiếp cận các công cụ ứng phó với Covid-19” (ACT-A) có thể chấm dứt đại dịch này trong năm nay. ACT-A do WHO đứng đầu bao gồm chương trình COVAX - tập trung vào việc tiếp cận công bằng với vắc xin; cung cấp các xét nghiệm và phương pháp điều trị cho các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình, trang bị bảo hộ cá nhân (PPE) cho nhân viên y tế. Sáng kiến này cần 23,4 tỷ USD để triển khai các hành động từ tháng 10-2021 đến tháng 9-2022, trong đó hy vọng nhận được 16,8 tỷ USD từ các nước giàu.

ACT-A đã đưa ra một mô hình tài chính "chia sẻ công bằng" về số tiền mà mỗi quốc gia giàu có trên thế giới nên đóng góp, dựa trên quy mô nền kinh tế của mỗi quốc gia và những gì họ thu được từ sự phục hồi nhanh hơn của nền kinh tế toàn cầu. Theo đó, các nước G7 (Pháp, Đức, Italia, Nhật Bản, Mỹ, Anh, Canada) đã được yêu cầu đóng góp 46% trong số 16,8 tỷ USD, Liên minh châu Âu (EU) là 24%... Dẫu vậy, cho đến nay, sáng kiến này mới chỉ huy động được 800 triệu USD trong số 16,8 tỷ USD.

Hiện, 75% người dân các nước thu nhập cao đã được tiêm chủng đầy đủ, trong khi chỉ có 10% người dân ở các nước thu nhập thấp mới được tiêm một mũi vắc xin phòng Covid-19. Trong tổng số hơn 4,7 tỷ xét nghiệm Covid-19 đã được thực hiện trên toàn cầu kể từ đầu đại dịch bùng phát, chỉ có 22 triệu xét nghiệm được thực hiện ở các nước thu nhập thấp. WHO cho biết sự bất bình đẳng rộng lớn này không chỉ gây thiệt hại về sinh mạng và làm tổn thương các nền kinh tế, mà còn có nguy cơ làm xuất hiện các biến chủng mới của vi rút SARS-CoV-2, nguy hiểm hơn, qua đó có thể cướp đi hiệu quả của các công cụ kiểm soát dịch bệnh hiện tại.

Tháng 9-2021, WHO và Liên hợp quốc đã vạch ra lộ trình chấm dứt đại dịch. Mục tiêu chính là mỗi quốc gia cần đạt được ít nhất 40% tỷ lệ bao phủ vắc xin phòng Covid-19 vào cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Một nhân tố chính trong nỗ lực đó là COVAX. Là dự án phân phối vắc xin toàn cầu do WHO dẫn đầu, COVAX được coi là “hy vọng tốt nhất của thế giới trong việc đưa giai đoạn cấp tính của đại dịch này kết thúc nhanh chóng”. Tuy nhiên, COVAX đã vấp phải nhiều vấn đề kể từ khi thành lập, đó là không đủ kinh phí, không đủ cung ứng và không đủ sự sẵn sàng chia sẻ vắc xin từ các nước giàu. Điều này đã phần nào khiến cuộc chiến toàn cầu chống lại Covid-19 trở nên gian nan hơn.

Tiến sĩ Rebecca Ingram, giảng viên cao cấp về nhiễm trùng và miễn dịch tại Đại học Queen’s (Canada) cho biết: “Covid-19 là một vấn đề toàn cầu và để khắc phục, chúng ta cần có các giải pháp toàn cầu. Vì thế, nên bảo đảm việc phân phối vắc xin công bằng trên toàn cầu”.

Giám đốc WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus nhận định, sự lây lan nhanh chóng của biến chủng Omicron khiến việc bảo đảm các xét nghiệm, phương pháp điều trị và vắc xin được phân phối công bằng càng trở nên cấp thiết. Nếu các quốc gia có thu nhập cao hơn đóng góp vào sáng kiến ACT-A, thì có thể hỗ trợ các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình vượt qua mức tiêm chủng Covid-19 thấp, xét nghiệm yếu và thiếu thuốc. Và từ sự chia sẻ toàn cầu trong đoàn kết này, nhân loại có thể chấm dứt đại dịch Covid-19 ngay trong năm nay.

Theo Hà Nội Mới

Nguồn Tuyên Quang: http://www.baotuyenquang.com.vn/the-gioi/who-keu-goi-cac-nuoc-giau-dong-gop-168-ty-usd-no-luc-cham-dut-dai-dich-covid-19!-154748.html