WHO hỗ trợ khẩn cấp các khu vực bị ảnh hưởng bởi vụ vỡ đập Kakhovka

Cảnh ngập lụt sau vụ vỡ đập thủy điện Kakhovka tại tỉnh Kherson, miền Nam Ukraine, ngày 6/6/2023. Ảnh: Kyodo/TTXVN

* EC tiếp tục hạn chế nhập khẩu 4 mặt hàng nông nghiệp của Ukraine

Ngày 8/6, Tổ chức Y tế thế giới (WHO) cho biết đang nhanh chóng cung cấp các thiết bị y tế cần thiết đến các khu vực bị ngập lụt ở tỉnh Kherson (miền Nam Ukraine) sau vụ vỡ đập Kakhovka và sẵn sàng ứng phó với một loạt nguy cơ về sức khỏe bao gồm đuối nước, các bệnh liên quan đến nước như dịch tả và chấn thương tâm lý.

Giám đốc phụ trách tình trạng khẩn cấp của WHO, ông Mike Ryan cho biết WHO đã cung cấp các hỗ trợ đến những khu vực ở Kherson do phía Nga kiểm soát, nhưng sự hiện diện của tổ chức này ở phần Kherson của Ukraine vẫn đang “trong giai đoạn đầu".

Phát biểu tại họp báo ngày 8/6, Tổng Giám đốc WHO, ông Tedros Adhanom Ghebreyesus nhấn mạnh: “Không nên coi nhẹ tác động của các hệ thống cung cấp nước sạch trong khu vực và dịch vụ y tế công cộng. WHO đã tăng cường hỗ trợ các cơ quan chức năng và nhân viên y tế bằng các biện pháp phòng các bệnh liên quan đến nước và cải thiện việc theo dõi dịch bệnh".

Khi được hỏi về bệnh tả, nhân viên kỹ thuật của WHO, bà Teresa Zakaria cho biết nguy cơ bùng phát dịch đang hiện hữu vì mầm bệnh tồn tại sẵn trong môi trường. Theo bà, WHO đang phối hợp với Bộ Y tế Ukraine đưa ra các cơ chế đảm bảo rằng vaccine được nhập khẩu nếu cần.

Bộ Nông nghiệp Ukraine ngày 8/6 nhận định nước này có thể thiệt hại hàng triệu tấn rau màu, do lũ lụt sau vụ vỡ đập Kakhovka ở phía Nam đất nước. Nếu không có nguồn nước, các loại rau sẽ không thể phát triển, ngũ cốc và hạt có dầu được trồng quảng canh đạt năng suất thấp.

Theo bộ trên, vụ vỡ đập sẽ làm ngập lụt hàng chục nghìn ha đất nông nghiệp ở miền Nam và có thể khiến ít nhất 500.000ha đất không được tưới tiêu biến thành sa mạc. Các vùng đất ngập nước sẽ cần được đánh giá đầy đủ về điều kiện thổ nhưỡng và sẽ cần các biện pháp phục hồi đất đặc biệt. Rau, dưa hấu, ngũ cốc và hạt có dầu là những cây trồng chính được trồng ở các vùng đất bị ảnh hưởng.

Ukraine là nước sản xuất và xuất khẩu ngũ cốc và hạt có dầu lớn của thế giới. Bộ trưởng Nông nghiệp Mykola Solsky cũng cho rằng những thiệt hại của lĩnh vực nông nghiệp có thể lớn hơn dự kiến trước đó, do những ảnh hưởng trong nhiều năm đến việc tưới tiêu.

Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky đã thị sát các vùng bị lụt để thảo luận các chiến dịch khẩn cấp. Trên Telegram, ông Zelensky cho biết: “Nhiều vấn đề quan trọng đã được thảo luận như tình hình tại thực địa sau thảm họa, việc sơ tán dân khỏi vùng có nguy cơ ngập lụt, tổ chức hỗ trợ cho khu vực đang ngập cũng như khôi phục hệ sinh thái trong vùng".

Ông nhấn mạnh cần tính toán thiệt hại và cung cấp hỗ trợ cho người dân bị ảnh hưởng, đồng thời đưa ra một chương trình đền bù thiệt hại và tái bố trí các doanh nghiệp trong địa bàn tỉnh Kherson.

Đập thủy điện Kakhovka trên sông Dnipro, thuộc khu vực Nga kiểm soát ở tỉnh Kherson, bị vỡ ngày 6/6, khiến nước trong hồ chứa tràn xuống hạ lưu, nhấn chìm nhiều khu dân cư, làng mạc và một số khu vực đô thị ven sông. Khoảng 600km2 của tỉnh Kherson đang chìm trong nước, 68% trong số đó nằm ở tả ngạn sông Dnipro do Nga kiểm soát.

Tính đến sáng 8/6 mực nước trung bình lên tới 5,61 mét. Cả Nga và Ukraine đã đổ lỗi cho nhau về vụ vỡ đập này, đồng thời kêu gọi mở cuộc điều tra cấp quốc tế.

Trong diễn biến khác, ngày 8/6, Ủy ban châu Âu (EC) thông báo gia hạn các biện pháp hạn chế nhập khẩu đối với một số sản phẩm nông nghiệp của Ukraine. Quyết định trên đã vấp phải sự chỉ trích của một số nước như Đức và Tây Ban Nha.

Theo phóng viên TTXVN tại Berlin, EC đã gia hạn đến ngày 15/9 các biện pháp đặc biệt và tạm thời đối với 4 sản phẩm nông nghiệp từ Ukraine, gồm lúa mì, ngô, hạt cải dầu và hạt hướng dương.

Ngay lập tức, Bộ trưởng Nông nghiệp Đức Jem Ozdemir đã chỉ trích gay gắt việc gia hạn các biện pháp hạn chế trên, cho rằng quyết định của EC có thể làm mất tình đoàn kết giữa Liên minh châu Âu (EU) và Ukraine.

Ông Ozdemir nói thêm rằng các nước EU nên gắn bó với nhau và hỗ trợ đất nước đang trong chiến tranh này. Ông Ozdemir cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải “khẩn trương quay trở lại cách tiếp cận phối hợp và chung của EC cũng như các quốc gia thành viên để đảm bảo hoạt động của thị trường chung EU”.

Trong khi đó, Phó Tổng thống kiêm Bộ trưởng Kinh tế Tây Ban Nha Nadia Calvigno lưu ý rằng hàng nhập khẩu từ Ukraine có thể đáp ứng tình trạng thiếu ngũ cốc do hạn hán gây ra ở Tây Ban Nha.

Phát biểu trước báo giới tại Brussels, bà Calvigno nói: “Khả năng xuất khẩu ngũ cốc từ Ukraine là một yếu tố rất quan trọng đối với sự ổn định của thị trường lương thực quốc tế”, đặc biệt trong bối cảnh hạn hán hiện tại ở một số nước châu Âu, như Tây Ban Nha”.

Trong bối cảnh mùa màng của Tây Ban Nha bị ảnh hưởng bởi hạn hán, Hiệp hội nông dân quốc gia Tây Ban Nha (ASAJA) tháng trước đã kêu gọi Chính phủ nước này có lập trường rõ ràng để bảo vệ lợi ích của ngành ngũ cốc Tây Ban Nha… cùng với các nước châu Âu khác.

Trong những tháng gần đây, các cảng của Tây Ban Nha đã ghi nhận lượng ngũ cốc và bột mì nhập khẩu kỷ lục, đưa Tây Ban Nha trở thành nhà nhập khẩu ngũ cốc hàng đầu của Ukraine./.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/299574/who-ho-tro-khan-cap-cac-khu-vuc-bi-anh-huong-boi-vu-vo-dap-kakhovka.html