WHO đưa ra các khuyến nghị để đẩy lùi đại dịch COVID-19

Nhân viên y tế tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người dân tại Moscow, Nga, ngày 30/9/2021. Ảnh: THX/ TTXVN

* Úc dùng vắc xin Pfizer tiêm mũi tăng cường cho trẻ từ 5-11 tuổi

Trong báo cáo COVID-19 hằng tuần mới nhất vừa công bố, Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus đã kêu gọi các nước cần duy trì thành quả chống dịch thông qua các biện pháp hữu hiệu, trong đó có việc đẩy mạnh tiêm vắc xin, đặc biệt cho những đối tượng có nguy cơ cao, cũng như đảm bảo nguồn cung trang thiết bị y tế và nguồn nhân lực y tế phù hợp.

Trong phát biểu của mình, Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh trong bối cảnh số ca mắc mới và tử vong vì COVID-19 giảm mạnh, các nước cần nắm bắt thời điểm thuận lợi này để đẩy lùi dịch bệnh.

WHO kêu gọi tất cả các nước tiêm phòng đầy đủ cho 100% nhóm đối tượng nguy cơ cao, gồm người có bệnh lý nền, người cao tuổi và các nhân viên y tế, coi đây là một ưu tiên hàng đầu trong nỗ lực đạt được tỉ lệ bao phủ vắc xin ngừa COVID-19 ở mức 70% dân số.

WHO hối thúc các nước tiếp tục duy trì xét nghiệm và giải trình tự gene virus SARS-CoV-2 để giám sát các biến thể, đồng thời tích hợp các dịch vụ giám sát và xét nghiệm virus SARS-CoV-2 với các bệnh đường hô hấp khác, trong đó có cúm.

Cũng theo Tổng Giám đốc Ghebreyesus, WHO cũng khuyến nghị các nước cần bảo đảm có một hệ thống y tế luôn sẵn sàng chăm sóc bệnh nhân, cũng như tích hợp việc điều trị COVID-19 vào các hệ thống chăm sóc sức khỏe ban đầu; lập kế hoạch dự phòng các đợt bùng phát với sự chuẩn bị về vật tư, thiết bị và nhân lực y tế phù hợp.

WHO cũng kêu gọi người dân duy trì các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát nhiễm khuẩn để bảo vệ các nhân viên y tế và những bệnh nhân không mắc COVID-19 tại các cơ sở y tế. Ngoài ra, chính phủ các nước cần thông báo cho người dân về những thay đổi trong chính sách phòng chống đại dịch COVID-19.

Các nước cũng cần đào tạo đội ngũ nhân viên y tế xác định và xử lý các thông tin sai lệch, cũng như phát triển thông tin y tế chất lượng cao ở định dạng kỹ thuật số.

Tổng Giám đốc Ghebreyesus nhấn mạnh thế giới có thể đẩy lùi đại dịch COVID-19 nếu tất cả các nước, các nhà sản xuất vắc xin, các cộng đồng dân cư và mỗi cá nhân cùng nhau quyết tâm hành động.

* Cơ quan quản lý dược phẩm Úc (TGA) ngày 21/9 thông báo đã phê duyệt tạm thời sử dụng vắc xin ngừa COVID-19 của hãng dược phẩm Pfizer để tiêm mũi tăng cường cho trẻ em từ 5 đến 11 tuổi tại nước này.

Đây là loại vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường đầu tiên được TGA chấp thuận tiêm cho trẻ em thuộc nhóm tuổi 5-11 tại Úc. Tuy nhiên TGA khuyến cáo việc triển khai sử dụng vắc xin này còn phải chờ thông báo của Chính phủ Úc, sau khi Nhóm cố vấn kỹ thuật về tiêm chủng của Úc (ATAGI) đưa ra khuyến nghị cuối cùng.

Nhiều tháng nay ATAGI đã xem xét các bằng chứng liên quan việc tiêm mũi vắc xin tăng cường của Pfizer đối với trẻ từ 5 đến 11 tuổi, bao gồm các phản ứng phụ, khả năng bảo vệ trẻ em khỏi nhiễm bệnh và ngăn chặn chuy cơ bệnh diễn biến nặng, mức độ an toàn và các khuyến nghị quốc tế.

Đại diện của ATAGI cho biết nếu TGA phê duyệt, nhóm cố vấn này sẽ đưa ra khuyến nghị Chính phủ Úc xem xét triển khai tiêm mũi vắc xin tăng cường của Pfizer cho trẻ em. Hiện trẻ em từ 5 đến 11 tuổi của Úc được khuyến nghị tiêm 2 mũi vắc xin ngừa COVID-19, trong khi trẻ em từ 12 tuổi trở lên và người trưởng thành được khuyến nghị tiêm 3 hoặc 4 mũi.

Liên quan tình hình dịch COVID-19, hầu hết các bang của Úc cùng ngày 21/9 đã tuyên bố xóa bỏ quy định bắt buộc đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông công cộng, bao gồm bang New South Wales (NSW), Queensland, Tasmania, Nam Úc, Tây Úc và Bắc Úc.

Theo thủ hiến bang New South Wales Dominic Perrottet, việc loại bỏ quy định về khẩu trang là một cách tiếp cận thông thường theo lộ trình bình thường hóa sau đại dịch. Việc xóa bỏ quy định đeo khẩu trang áp dụng đối với tất cả các loại hình phương tiện giao thông công cộng như xe buýt, tàu điện, taxi, máy bay…

Tuy nhiên, Cơ quan Y tế bang New South Wales vẫn khuyến nghị người dân nên đeo khẩu trang ở những nơi không thể giữ khoảng cách an toàn về dịch bệnh và những nơi có nhiều người bệnh dễ bị tổn thương và hệ miễn dịch kém như bệnh viện, các khu chăm sóc người già…

Bộ trưởng Y tế bang bang Queensland Yvette D'Ath cho biết mặc dù quy định đeo khẩu trang đã được xóa bỏ, nhưng vào những thời điểm đặc biệt, khi có chỉ dẫn đeo khẩu trang, hành khách vẫn phải tuân thủ.

Trong khi đó, bang Victoria, bang đông dân thứ hai của Úc, chưa dỡ bỏ quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện công cộng. Hành khách tham gia giao thông nếu không tuân thủ quy định đeo khẩu trang sẽ bị phạt 100 AUD (66 USD). Thủ đô Canberra cũng vẫn áp dụng quy định đeo khẩu trang trên các phương tiện giao thông đối với người từ 12 tuổi trở lên.

Cùng ngày 21/9, Israel bắt đầu tiêm mũi vắc xin ngừa COVID-19 tăng cường sử dụng một loại vắc xin đã được điều chỉnh để phù hợp phòng ngừa biến thể Omicron. Theo bộ Y tế Israel, những người được khuyến nghị tiêm mũi vắc xin này thuộc những nhóm có nguy cơ cao mắc bệnh, bao gồm người từ 65 tuổi trở lên, nhân viên y tế và giáo viên. Những người khác từ 12 tuổi trở lên cũng được khuyến nghị tiêm mũi vắc xin này nếu đã tiêm đủ 2 mũi vắc xin thông thường hoặc đã bình phục sau khi mắc bệnh.

H.N (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/286233/who-dua-ra-cac-khuyen-nghi-de-day-lui-dai-dich-covid-19.html