WHO cập nhật các mầm bệnh có nguy cơ bùng phát thành đại dịch

Nhân viên y tế tiêm vắc xin ngừa Ebola ở Goma, Cộng hòa Dân chủ Congo. Ảnh: AFP/TTXVN

* Số ca nhập viện do COVID-19 gia tăng ở Ý

Ngày 22/11, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) cho biết cơ quan này đang lập danh sách mới cập nhật các mầm bệnh có nguy cơ gây ra đại dịch hoặc các đợt bùng phát dịch, cần ưu tiên theo dõi chặt chẽ.

Danh sách các mầm bệnh cần theo dõi chặt chẽ được WHO công bố lần đầu tiên vào năm 2017. Cho đến nay, trong danh sách này có COVID-19, bệnh do virus Ebola gây ra, bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg, sốt Lassa do arenavirus, Hội chứng viêm đường hô hấp cấp vùng Trung Đông (MERS), Hội chứng hô hấp cấp tính nặng (SARS), virus Nipah, Zika và "bệnh X" - cụm từ các nhà khoa học dùng để chỉ một mầm bệnh chưa biết, có thể xuất hiện bất cứ lúc nào và gây ra dịch bệnh nghiêm trọng trên thế giới.

Theo WHO, việc lập danh sách cập nhật này là nhằm bổ sung thêm các mầm bệnh cần theo dõi nhằm định hướng nghiên cứu, phát triển và đầu tư trên toàn cầu, đặc biệt là phát triển vắc xin, các xét nghiệm sàng lọc và các phương pháp điều trị.

Trong quá trình lập danh sách mới, bắt đầu từ ngày 18/11 vừa qua, WHO huy động hơn 300 nhà khoa học xem xét những bằng chứng về hơn 25 họ virus và vi khuẩn và cả "bệnh X." Đối với mỗi mầm bệnh được xác định là ưu tiên, các chuyên gia sẽ chỉ ra lỗ hổng kiến thức và các ưu tiên nghiên cứu.

Sau đó, giới chuyên gia cũng sẽ nghiên cứu, chỉ ra các vấn đề liên quan, trong đó những yếu tố cần thiết đối với vắc xin, xét nghiệm chẩn đoán và phương pháp điều trị. Bên cạnh đó, giới chuyên gia cũng sẽ nỗ lực tạo điều kiện thuận lợi cho các thử nghiệm lâm sàng nhằm phát triển các công cụ trên, trong khi nỗ lực củng cố quy định và xem xét giám sát đạo đức.

Theo kế hoạch, danh sách cập nhật sẽ được công bố trước tháng 4/2023.

Ông Michael Ryan, Giám đốc phụ trách xử lý các tình huống khẩn cấp của WHO, nhấn mạnh sự cần thiết của việc lập danh sách các mầm bệnh và các họ virus ưu tiên, phục vụ nghiên cứu và phát triển các biện pháp phòng ngừa, điều trị nhằm ứng phó nhanh chóng và hiệu quả dịch bệnh và đại dịch.

Theo ông, nếu không có các khoản đầu tư đáng kể cho nghiên cứu và phát triển trước đại dịch COVID-19, sẽ không thể điều chế, sản xuất các loại vắc xin an toàn và hiệu quả như vậy trong thời gian ngắn kỷ lục.

Theo số liệu thống kê, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát vào cuối tháng 12/2019 đến nay, đã có hơn 20 loại vắc xin do các tổ chức y tế, viện nghiên cứu, công ty phát triển được cấp phép sử dụng trên toàn thế giới. Ngoài ra, hàng trăm loại vắc xin khác đang trong quá trình nghiên cứu và thử nghiệm để đạt hiệu quả cao hơn trong quá trình phòng, chống COVID-19.

Danh sách các mầm bệnh có COVID-19, bệnh do virus Ebola gây ra, bệnh sốt xuất huyết do virus Marburg, sốt Lassa do arenavirus, MERS, SARS, virus Nipah, Zika, "bệnh X" - chỉ một mầm bệnh chưa biết.

* Trong diễn biến khác, ngày 22/11, tổ chức theo dõi sức khỏe Gimbe Foundation của Ý cho biết số ca nhập viện do mắc COVID-19 tại nước này đang có xu hướng gia tăng, làm dấy lên lo ngại tình hình dịch bệnh có thể diễn biến phức tạp trở lại trong mùa đông sắp tới.

Theo dữ liệu của Gimbe Foundation, trong tuần tính đến hết ngày 17/11, Ý ghi nhận 208.000 ca mắc mới COVID-19, tăng 15% so với tuần trước đó. Số bệnh nhân COVID-19 tại các khu vực chăm sóc tích cực tăng gần 22%. Tuy nhiên, số ca tử vong giảm 2,9%.

Chủ tịch Gimbe Foundation, ông Nino Cartabellotta, hy vọng Chính phủ Ý sẽ sớm đưa ra kế hoạch ứng phó COVID-19 trong mùa Đông tới. Giới chuyên gia khuyến cáo cần hết sức thận trọng khi thời tiết lạnh và nhiều hoạt động phải diễn ra trong nhà hơn do đây là điều kiện lý tưởng để virus lây lan.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Y tế Orazio Schillaci tuần trước cho biết dịch COVID-19 đã bước vào giai đoạn lưu hành ở Ý, nghĩa là mặc dù không biến mất nhưng sẽ vẫn nằm trong tầm kiểm soát. Theo ông, cách thức đối phó với COVID-19 sẽ tương tự như bệnh cúm. Nhiều người có kết quả xét nghiệm dương tính với virus SARS-CoV-2 song không biểu hiện triệu chứng. Tuy nhiên, ông hối thúc những người dễ bị tổn thương nhất đeo khẩu trang.

Ý đã tiến hành tiêm mũi thứ 4 vắc xin ngừa COVID-19, dù dữ liệu cho thấy tỷ lệ tiêm chủng giảm so với những đợt trước. Tính đến ngày 21/11, Ý đã tiêm 142,5 triệu mũi vắc xin ngừa COVID-19. Khoảng 88,6% dân số trên 12 tuổi ở nước này, tương đương 42,3 triệu người, đã hoàn thành tiêm chủng liều cơ bản và ít nhất 1 mũi tiêm nhắc lại hoặc vừa khỏi COVID-19 trong vòng 4 tháng. Trong khi đó, 4,9 triệu người đã tiêm mũi tăng cường thứ 2 vắc xin ngừa COVID-19.

H.T (tổng hợp từ TTXVN/Vietnam+)

Nguồn Phú Yên: http://baophuyen.vn/92/290539/who-cap-nhat-cac-mam-benh-co-nguy-co-bung-phat-thanh-dai-dich.html