Washington Post: Phương Tây nói trừng phạt nhưng vẫn liên tục nhập titan từ Nga

Nhu cầu titan quá lớn để phục vụ sản xuất trong nước đã khiến nhiều nước phương Tây dù đã áp lệnh trừng phạt nhưng vẫn liên tục nhập khẩu kim loại này từ Nga.

"Cấm nhập khẩu titan từ Nga là tự trừng phạt mình"

Washington Post dẫn số liệu xuất khẩu từ Nga cho thấy kể từ khi nước này phát động chiến dịch quân sự đặc biệt tại Ukraine hồi tháng 2/2022, các doanh nghiệp phương Tây vẫn nhập khẩu hàng triệu USD titan từ Nga.

Điều này cho thấy phương Tây tiếp tục phụ thuộc rất nhiều vào nguyên/nhiên vật liệu của Nga để sản xuất các mặt hàng thiết yếu dù chính họ đã lên tiếng khẳng định sẽ cẳt đứt việc làm ăn kinh tế với Nga.

Cụ thể, nhà sản xuất titan lớn nhất thế giới của Nga VSMPO-AVISMA đã xuất khẩu tới 15.000 tấn titan có tổng trị giá lên đến 370 triệu USD trong năm 2022. Phần lớn trong số này được chuyển đến các quốc gia phương Tây ủng hộ cho Ukraine.

Đứng đầu danh sách nhập khẩu titan từ VSMPO-AVISMA có thể kể đến Đức, Pháp, Mỹ và Anh. Con số này trong năm 2023 là 345 triệu USD.

Quang cảnh sản xuất titan tại nhà máy VSMPO-AVISMA ở Verkhnyaya Salda, Nga (Ảnh: Bloomberg)

Đáng chú ý, VSMPO-AVISMA không phải chịu bất kỳ lệnh trừng phạt nào của Mỹ và châu Âu dù công ty này có một phần thuộc sở hữu của Rostec – tập đoàn quốc phòng khổng lồ của Nga đang chịu lệnh trừng phạt của Mỹ và châu Âu.

Chưa kể, bản thân lãnh đạo của Rostec, ông Sergey Chemezov một người thân tín với Tổng thống Nga Putin đang bị liệt vào danh sách trừng phạt của Mỹ và châu Âu sau khi Nga sáp nhập Crimea hồi năm 2014.

Hiện chỉ có Ukraine là quốc gia phương Tây duy nhất đưa VSMPO-AVISMA vào danh sách trừng phạt. Hồi tháng 9/2023, Bộ Thương mại Mỹ đã áp đặt lệnh cấm xuất khẩu lên các mặt hàng của VSMPO-AVISMA với lý do công ty này “trực tiếp liên quan đến quá trình sảu xuất titan và các sản phẩm kim loại phục vụ cho mục đích quân sự và an ninh của Nga”. Tuy nhiên, lệnh cấm này chỉ áp dụng cho việc VSMPO-AVISMA xuất khẩu hàng hóa sang Nga chứ không cấm VSMPO-AVISMA xuất khẩu titan từ Nga sang Mỹ.

“Chúng tôi nghĩ rằng việc áp đặt trừng phạt nhập khẩu titan từ Nga cũng chính là áp lệnh trừng phạt lên chính chúng tôi”, Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury chia sẻ hồi tháng 6/2022. Những số liệu về xuất khẩu titan của Nga cũng cho thấy rõ điều này. Cụ thể, trong năm 2022, lượng titan Nga bán cho Airbus đã tăng thêm ít nhất 24 triệu USD tương đương với mức tăng lên tới 940% so với một năm trước đó.

Giám đốc điều hành Airbus Guillaume Faury chia sẻ hồi tháng 6/2022.

“Chúng tôi nghĩ rằng việc áp đặt trừng phạt nhập khẩu titan từ Nga cũng chính là áp lệnh trừng phạt lên chính chúng tôi”.

Đến tháng 12/2022, Airbus tuyên bố sẽ không còn phụ thuộc vào lượng titan nhập khẩu từ Nga chỉ trong vòng vài tháng. Tuy nhiên, con số thực tế lại cho thấy hãng vẫn tiếp tục nhập khẩu titan từ các doanh nghiệp của Nga ít nhất là cho đến tháng 11/2023.

Người phát ngôn của Airbus đã từ chối bình luận về những con số này và khẳng định hãng vẫn tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt nhằm vào Nga và đã bắt đầu tìm kiếm các nguồn nhập khẩu titan thay thế từ châu Âu, Mỹ và châu Á.

“Airbus và toàn bộ chuỗi cung ứng của hãng ở châu Âu sẽ tiếp tục nỗ lực nhằm giảm thiểu sự phụ thuộc nặng nề vào nguồn cung cấp titan từ Nga”, tuyên bố của hãng nêu rõ.

Trong khi đó, tập đoàn Boeing của Mỹ – đối thủ lớn của Airbus trong lĩnh vực hàng không – lại có cách tiếp cận khá trái ngược trong vấn đề này. Hồi đầu năm 2022, hãng tuyên bố ngừng mua titan của Nga, chấm dứt mọi mối liên hệ với VSMPO và rút khỏi liên doanh trị giá hàng triệu USD mà hãng công bố chỉ vài tháng trước đó. Đồng thời Boeing khẳng định sẽ: “Chủ yếu sử dụng titan cung cấp của Mỹ”.

Tuy nhiên, dù không có số liệu nào cho thấy Boeing còn nhập khẩu titan từ Nga kể từ mùa Xuân năm 2022, các đối tác cung cấp phụ tùng khác của hãng vẫn mua số lượng lớn titan từ Nga trong một thời gian dài sau đó. Hiện vẫn chưa thể ước tính được số lượng titan mà Boeing sử dụng cho những chiếc máy bay của mình.

Đã có nhiều nghi vấn về nguồn gốc của các loại titan dùng để sản xuất động cơ của những chiếc máy bay dân sự của Boeing (Ảnh: Reuters)

Safran Group, tập đoàn của Pháp chuyên sản xuất động cơ và thiết bị hạ cánh cho các hãng hàng không, trong đó có Boeing, cho biết sản lượng titan hãng nhập của Nga trong năm 2022 là 20 triệu USD tăng lên đáng kể so với con số 8,6 triệu USD một năm trước đó.

Trong khi đó, những tài liệu về thương mại của Nga cho thấy, Safran sử dụng lượng hàng xuất khẩu của nước này sang Pháp để sản xuất động cơ LEAP 1B lắp đặt bên trong máy bay Boeing 737 Max. Trong tuyên bố của hãng, Safran cũng thừa nhận, có sự gia tăng trong lượng hàng hóa hãng mua sắm năm 2022 nhưng “sản lượng titan mà chúng tôi mua từ Nga không gia tăng.

Một trường hợp khác là Rolls-Royce, tập đoàn của Anh chuyên sản xuất động cơ cho cả Airbus và Boeing, hồi đầu năm 2022 cũng tuyên bố sẽ dừng mua titan từ Nga. Tuy nhiên, dữ liệu về thương mại của hãng lại cho thấy hãng vẫn tiếp tục nhập khẩu titan từ VSMPO trong suốt cả năm 2022 với trị giá hàng hóa tăng từ 5 triệu USD năm 2021 lên 6,7% năm 2022. Dù vậy, tập đoàn này vẫn khẳng định: “Rolls-Royce luôn tuân thủ chặt chẽ các lệnh trừng phạt và chúng tôi vẫn đảm bảo được nguồn cung ứng thay thế”.

Những lo ngại về an ninh quốc gia

Những diễn biến nêu trên đã khiến các nhà phân tích về công nghiệp và quốc phòng buộc phải bày tỏ quan ngại về việc phương Tây tiếp tục nhập khẩu với số lượng lớn titan từ Nga. Họ cho rằng điều này có thể gây tác động không nhỏ đến an ninh quốc gia bởi titan được coi là kim loại thiết yếu cho việc sản xuất máy bay thương mại và quân sự nhờ có độ cứng như thép nhưng lại có trọng lượng nhẹ hơn tới 45% cũng như có khả năng chịu nhiệt và chống ăn mòn cực tốt.

Ông William George, Giám đốc nghiên cứu tại công ty ImportGenius - đơn vị cung cấp thông tin về thương mại của Nga cho tờ Washington Post, nhận định: “Nga có thể dừng việc cung cấp những loại vật liệu nói trên khiến cho các công ty trọng yếu về an ninh quốc gia và hàng không dân sự điêu đứng”.

Điều này là bởi theo quy định của pháp luật Mỹ, Bộ Quốc phòng phải cung cấp được nguồn nhập khẩu titan trong nước hoặc các quốc gia đã được cấp phép, chủ yếu là các thành viên NATO hoặc đồng minh của Mỹ. “Nga không phải là quốc gia như vậy”, người phát ngôn Lầu Năm Góc cho biết trong một email gửi đến Washington Post.

Tuy nhiên, quy định này cũng có những kẽ hở. Ông Jeff Green, cựu ủy viên Ủy ban Quân vụ Hạ viện Mỹ, cho biết, các công ty thương mại được phép mua các loại kim loại đặc biệt từ các quốc gia không được cấp phép để sử dụng cho việc sản xuất lưỡng dụng miễn là họ mua đủ số lượng kim loại tương ứng từ phía Mỹ.

“Lỗ hổng ở đây chính là việc Nga có thể tuồn những loại kim loại đặc biệt cho các nước đối tác của họ”, ông Green cho biết: “Đây cũng là điểm yếu chí mạng hiện nay”.

Những chiếc F-35 của Mỹ có nhiều bộ phận được làm từ titan và nguồn gốc các loại titan này cũng đang bị hoài nghi (Ảnh: Forbes)

Cũng theo ông Green, dù Quốc hội Mỹ đã tìm cách bịt kín lỗ hổng này thông qua Đạo luật Ủy quyền Quốc phòng trong năm tài khóa 2024 nhưng vẫn chưa rõ luật này đã đi vào thực thi hay chưa. Trong khi đó, EU lại chưa đưa ra bất kỳ giới hạn nào liên quan đến việc cung cấp kim loại đặc biệt phục vụ cho mục đích quân sự.

Nhiều tập đoàn thương mại như Airbus và Safran cũng đang cung cấp sản phẩm cho quân đội Mỹ và châu Âu. Airbus từng tuyên bố không dùng titan do VSMPO cung cấp cho bất kỳ sản phẩm quân sự nào. Safran cũng tuyên bố kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine, hãng cũng không còn dùng titan từ VSMPO cho các sản phẩm nào của hãng “chỉ dùng cho mục đích quân sự” nữa.

Trong khi đó, Rolls-Royce, một trong những tập đoàn tham gia vào những dự án phức tạp như chế tạo siêu máy bay chiến đấu đa nhiệm F-35 của Mỹ lại cho biết, hãng sẽ không đưa ra bất kỳ tuyên bố nào liên quan đến các gói thầu quốc phòng.

David Dugan, Giám đốc truyền thông của Precision Castparts – công ty mẹ của Wyman-Gordon chuyên cung cấp phần khung titan cho siêu chiến đấu cơ F-35 cho biết, sự gia tăng số đơn đặt hàng mà hãng gửi đến VSMPO được tiến hàng trước khi nổ ra chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga ở Ukraine hồi tháng 2/2022.

Số lượng titan trong đơn đặt hàng này được dùng cho việc sản xuất các bộ phận của những chiếc máy bay dân sự cho khách hàng ở Anh. Sau đó, Wyman-Gordon không còn đặt thêm đơn hàng nào từ VSMPO nữa.

Bản thân tập đoàn chế tạo siêu chiến đấu cơ F-35 Lockheed Martin cũng khẳng định “đã hợp tác chặt chẽ với Bộ Quốc phòng cùng các cơ quan khác của chính phủ Mỹ và các nhà phân phối để đánh giá về những bộ phận và vật liệu sẵn có nhằm đáp ứng mọi yêu cầu mà chính phủ Mỹ đặt ra”.

Ông Bob Wetherbee, Chủ tịch ATI – một trong 3 nhà sản xuất titan lớn nhất tại Mỹ, khẳng định tất cả các nhà sản xuất titan ở Mỹ đều nhận thấy nhu cầu về titan đã tăng lên gấp đôi và các công ty của Mỹ cần sự trợ giúp của chính phủ để tái khởi động việc cung ứng đầy đủ loại kim loại này cho nước Mỹ. “Vì thiếu hành động cụ thể đang gây tác động đến an ninh quốc gia”, ông Wetherbee nhấn mạnh.

Trong khi đó, Giáo sư Đại học Harvard Willy Shih tin tưởng ngành công nghiệp titan của Mỹ có thể lấp đầy khoảng trống trên thị trường quốc tế mà VSMPO để lại nhưng điều này đòi hỏi sự đầu tư rất lớn về con người và công nghệ mới để tạo ra loại titan sạch và hiệu quả tốt hơn.

“Chúng ta dường như đang tập trung vào giá cả trong ngắn hạn nhưng nếu bạn tư duy một cách chiến lược, bạn cần phải nghĩ về dài hạn”, ông Shih nói.

Khánh An

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/washington-post-phuong-tay-noi-trung-phat-nhung-van-lien-tuc-nhap-titan-tu-nga-1922403221457572.htm