Vượt qua nỗi lo về tỷ giá

Trong 3 tháng đầu năm, nhiều 'cơn sóng' đã đẩy giá USD cả trong ngân hàng và ngoài 'chợ đen' lên một mức cao mới gây ra mối quan ngại không hề nhỏ. Tuy nhiên, theo đánh giá của các chuyên gia, tỷ giá hiện tại không còn là nỗi lo quá lớn. Và khi vượt qua áp lực về tỷ giá, tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2024 dự báo đạt 5,5%, đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương.

Ảnh minh họa

Ba nguyên nhân khiến USD tăng giá mạnh

Ngày 20/3, tỷ giá trung tâm được Ngân hàng Nhà nước công bố ở mức 23.997 đồng, tăng 7 đồng so với phiên trước.

Tại các ngân hàng thương mại, giá mua – bán đồng USD cũng được điều chỉnh tăng từ 25 – 40 đồng so với phiên trước. Cụ thể, trong phiên sáng 20/3, giá mua – bán đồng USD tại Vietcombank ở mức 24.550 – 24.920 USD/VND; BIDV là 24.600 – 24.910 USD/VND; Techcombank là 24.586 – 24.932 USD/VND; Sacombank là 24.545 – 25.015 USD/VND; Eximbank là 24.520 – 24.910 USD/VND; ACB là 24.560 – 24.960 USD/VND.

Kể từ đầu năm đến ngày 18/3, tiền Đồng Việt Nam đã mất giá khoảng 1,8% so với USD.

Giải thích về diễn biến này, TS Cấn Văn Lực - thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính - tiền tệ quốc gi, đã chỉ ra 3 nguyên nhân trực tiếp.

Trước hết, từ đầu năm tới nay, đồng USD mạnh lên (tăng 2%) khi nền kinh tế Mỹ phục hồi ấn tượng - không suy thoái mà còn tăng trưởng khoảng 2,5% trong năm vừa qua. Fed dự kiến sẽ hạ lãi suất chậm hơn so với kỳ vọng ban đầu. Do đó, chênh lệch lãi suất giữa đồng USD so với các đồng tiền khác vẫn ở mức cao.

Thứ hai, do đầu năm là thời điểm một số doanh nghiệp FDI chuyển lợi nhuận về nước nên nhu cầu ngoại tệ, nhất là USD sẽ tăng cao. Cuối cùng không thể bỏ qua hiện tượng đầu cơ khi tỷ giá có biến động.

“Tuy nhiên, diễn biến về tỷ giá sẽ không quá lo bởi mức tăng của đồng USD sẽ chững lại, thậm chí quay đầu giảm khi Fed giảm lãi suất và nền kinh tế Mỹ bắt đầu "ngấm đòn" do tác động từ lãi suất cao”, ông Lực nói.

Bên cạnh đó, theo ông Lực, nguyên nhân khiến VNĐ mất giá trong khi những đồng tiền khác mạnh lên so với USD là bởi VNĐ vẫn là một đồng nội tệ yếu trong khu vực, với khả năng chuyển đổi yếu. Ngoài ra, mặc dù cán cân thanh toán Việt Nam dương, nhưng không nhiều và có một số thời điểm còn âm.

Trong khi đó, một động thái đáng chú ý vừa qua là Ngân hàng Nhà nước hút ròng gần 100.000 tỷ đồng.

Chuyên gia Cấn Văn Lực đánh giá động thái hút ròng của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu do thanh khoản của hệ thống khá dồi dào. Trong giai đoạn đầu năm nay, tín dụng tăng trưởng rất chậm và thậm chí còn âm, đồng thời huy động vốn cũng tăng trưởng chậm nhưng cao hơn tín dụng.

Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tín dụng đến hết tháng 2/2024 giảm khoảng 1% còn huy động vốn ước tính giảm khoảng 0,7%. Điều này dẫn đến thanh khoản hệ thống dồi dào, lãi suất liên ngân hàng giảm mạnh.

Trong phiên ngày 11/3, lãi suất liên ngân hàng kỳ hạn qua đêm đã về ở mức 1,17%/năm, giảm mạnh so với mức đỉnh đạt được trong ngày 21/2 (4,14%) và tiến gần về mặt bằng thấp được duy trì trong thời gian dài trong giai đoạn dư thừa thanh khoản trước đó (khoảng 0,14 - 0,15%/năm).

Ông Lực đánh giá, thời gian tới Ngân hàng Nhà nước sẽ không nhất thiết phải tiếp tục giảm lãi suất. Thậm chí, nếu giảm tiếp, mức độ chênh lệch lãi suất USD/VNĐ giãn ra, lại càng gây áp lực tỷ giá.

“Chẳng ai dại gì làm việc đó thời điểm này”, ông Lực nói.

Vượt qua nỗi lo tỷ giá, tăng trưởng lên top đầu

Ông Trần Ngọc Báu - Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Dữ liệu và công nghệ tài chính WiGroup, cho rằng, chênh lệch cung - cầu USD phục vụ nền kinh tế thực không biến động quá lớn.

Số liệu từ Tổng cục Thống kê cho thấy Việt Nam vẫn xuất siêu 4,72 tỷ USD, dồi dào hơn cùng kỳ năm trước. Chỉ số US Dollar Index (DXY - đo lường giá USD với sáu đồng tiền chủ chốt) còn có xu hướng giảm.

"Tỷ giá chính thức chỉ biến động hơn 1,4%, cách xa tỷ giá trần theo quy định. Nhưng tỷ giá "chợ đen" biến động mạnh, có thời điểm tăng 3,93% tính từ đầu năm", ông Báu nói.

Về diễn biến USD trên thị trường "chợ đen", nhiều quan điểm cho rằng cần nhìn chéo sang thị trường vàng.

Lâu nay vẫn có lo ngại mức chênh lệch lớn với giá thế giới thúc đẩy nhập vàng tiểu ngạch. Sự tăng vọt giá USD tự do gần đây đồng điệu với leo thang của giá vàng.

Ngoài mối liên hệ giá vàng và tỷ giá tự do, ông Báu cho rằng cần chú ý tâm lý găm giữ USD sẽ tác động đến cung - cầu USD trên thị trường.

Nhấn mạnh quan điểm diễn biến tăng của tỷ giá trong nước chỉ mang tính thời điểm, chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, hiện chỉ số USD Index trên thế giới dù ở mức cao nhưng không thay đổi nhiều, thậm chí còn có thời điểm diễn biến giảm, nên khi thị trường ổn định về nhu cầu USD thì tỷ giá trong nước cũng sẽ ổn định.

Đối với nước ta, tỷ giá ổn định sẽ tạo điều kiện thuận lợi để ổn định kinh tế vĩ mô cũng như góp phần kiểm soát lạm phát. Vì thế, trước diễn biến tăng của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đã điều chỉnh tăng giá trị bán ra đồng USD để theo sát giá thị trường, tránh việc mua USD từ ngân hàng thương mại với giá rẻ hơn rồi bán ra thị trường "chợ đen" giá cao nhằm trục lợi. Tiếp đó, Ngân hàng Nhà nước đã nhiều lần hút ròng tiền với tổng giá trị lớn, giúp tăng giá trị VNĐ, làm cung – cầu ngoại tệ thay đổi theo hướng có lợi cho thị trường ngoại hối.

Dự báo tỷ giá giữa VNĐ và USD biến động trong khoảng 2 - 3%, xu hướng hiện nay cộng với động thái điều hành từ Ngân hàng Nhà nước đã giúp tỷ giá không có biến động bất thường.

“Trong nửa đầu năm 2024, tỷ giá về cơ bản vẫn sẽ giữ mức ổn định. Giá trị đồng USD vẫn sẽ giữ mức như hiện nay hoặc phụ thuộc vào động thái từ FED. FED giữ nguyên và không tăng lãi suất thì sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho thế giới nói chung và cả Việt Nam nói riêng”, ông Thịnh nhận định.

TS Cấn Văn Lực cho rằng tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2024 dự báo đạt 5,5% và đứng thứ 3 trong khu vực châu Á - Thái Bình Dương. Dự báo sang năm 2025, tăng trưởng kinh tế Việt Nam sẽ vươn lên đứng thứ 2 trong khu vực. Tuy nhiên, lạm phát dự báo có thể cao hơn với kỳ vọng vòng quay tiền trong nền kinh tế hồi phục và tăng lương cơ bản nhưng vẫn ở mức thấp so với thế giới.

Ông Lực cho rằng, trong năm 2024, doanh nghiệp vẫn còn nhiều khó khăn, giải ngân đầu tư công chưa có đột phá, việc cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước và tổ chức tín dụng gặp nhiều thách thức; rủi ro thị trường trái phiếu doanh nghiệp và bất động sản cần thời gian xử lý, lành mạnh hóa; thể chế cho các lĩnh vực mới còn chậm ban hành trong khi tình trạng sợ sai, sợ trách nhiệm, chậm thực thi công vụ còn diễn ra.

Kỳ Thư

Nguồn Vietnam Finance: https://vietnamfinance.vn/vuot-qua-noi-lo-ve-ty-gia-20180504224296896.htm