Vượt qua những ngày cách ly cùng trang sách

Bên cạnh việc ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, nhiều F0 đọc sách để giữ tinh thần tích cực trong thời gian chờ khỏi bệnh.

Những ngày đầu tháng ba, chị Hà Kiều Anh (29 tuổi, Đà Nẵng) cùng con trai nhập viện vì bé có biểu hiện sốt rất cao. Kết quả xét nghiệm cho biết hai mẹ con cùng dương tính với Covid-19.

Chia sẻ với Zing, chị Kiều Anh kể trước khi nhập viện, chị chuẩn bị chút đồ dùng mang theo cho con. Trong số đó, có một vài cuốn sách mà bé thích, nói về các phương tiện giao thông và động vật.

“Hai mẹ con xem sách là một trong những phương thức giải trí để vừa học, vừa chơi. Những ngày trong bệnh viện, thiếu không gian vui chơi, chạy nhảy, hai mẹ con tranh thủ làm bạn với sách. Những lúc bé tỉnh táo, không phải truyền dịch, tôi thường đọc cho bé nghe”, chị Kiều Anh nói.

Cũng như mẹ con chị Kiều Anh, nhiều người đã vượt qua giai đoạn F0 cùng trang sách. Vì đã được tiêm vaccine đầy đủ, bên cạnh việc ăn uống, sinh hoạt lành mạnh, họ đọc sách để giữ tinh thần tích cực trong những ngày chờ khỏi bệnh.

Hai mẹ con cùng đọc sách. Ảnh: K.A.

Cùng con vượt qua dịch bệnh

Tận dụng thời gian để con làm quen và hình thành niềm yêu thích sách là một trong những mục tiêu chị Hà Kiều Anh đặt ra kể từ khi làm mẹ. Từ lúc mang thai, chị đã bắt đầu đọc truyện cho con nghe mỗi tối. Đến nay, thói quen đó vẫn được duy trì, kể cả những ngày hai mẹ con cùng chiến đấu với Covid-19 tại bệnh viện.

Chị Kiều Anh kể: “Khi đọc sách cho con, bé rất tập trung. Tôi yêu sách và muốn truyền tình yêu này cho con. Sách cũng giúp hai mẹ con cảm thấy đỡ buồn chán hơn trong những ngày này”.

Bản thân chị cũng là F0. Bên cạnh việc đọc sách cho con, người mẹ trẻ này cũng làm bạn với những trang sách của riêng mình. Với chị, đọc là một phương pháp trị liệu cảm xúc và trau dồi kỹ năng sống. Hơn nữa, nhiều chuyện xảy ra trong cuộc sống mà không thể chia sẻ với người khác. Những lúc đó, sách giúp ta tìm thấy sự đồng cảm, sẻ chia.

Đàn ông Sao Hỏa, đàn bà Sao Kim; Nhật ký của Anne Frank; Cuộc đời của Pi và những cuốn về chủ đề nuôi dạy con là sách gối đầu giường của chị Kiều Anh.

Vượt qua Covid-19 sau 10 ngày điều trị, chị cho rằng trong giai đoạn này, bố mẹ có nhiều thời gian ở nhà hơn thì nên đọc sách để giữ tinh thần thật tốt.

“Con trẻ khi nhìn vào hình ảnh đó sẽ thấy bố mẹ là tấm gương tốt. Thay vì để con nhìn thấy bố mẹ cầm điện thoại cả ngày, hãy để chúng nhìn trên tay bố mẹ là những cuốn sách. Từ đó, trẻ sẽ bắt đầu hình thành thói quen đọc và yêu sách hơn”, chị Kiều Anh nói thêm.

Mới đây, anh Mẫn Văn Quỳnh (36 tuổi, Bắc Ninh) đăng tải trên Hội yêu sách - nhóm những người thích đọc sách trên mạng xã hội - hình ảnh bé gái 6 tuổi con anh đang làm bạn với sách trong những ngày là F0.

Cũng là người yêu sách, theo anh Quỳnh, đọc sách sẽ giúp thời gian cách ly trở nên ý nghĩa hơn, người bệnh vừa cảm thấy đỡ nhàm chán, lại có cơ hội tiếp nhận nhiều thông tin hữu ích.

Những ngày qua, anh thường đọc cho con nghe một số cuốn truyện cổ tích, sách tranh về thế giới tự nhiên, động vật, con người. Anh quan sát thấy con chăm chú lắng nghe và tò mò đặt những câu hỏi thắc mắc về các chi tiết trong sách.

“Tương tác với sách giúp bé vui mà mau khỏe hơn. Nếu tiếp cận những cuốn sách hay, bé sẽ có thế giới quan tốt và nhìn nhận tích cực vào cuộc sống. Các gia đình có người thân là F0 nên giữ thói quen sống lành mạnh cả về thể chất lẫn tinh thần. Ở thời điểm này, sách có thể trở thành người bạn đồng hành cùng mọi nhà”, anh Quỳnh nói.

Hai con anh Mẫn Văn Quỳnh đọc sách. Ảnh: NVCC.

Thời điểm đọc sách

Trải qua những ngày là F0, chị Hà Anh (37 tuổi, Hà Nội) chia sẻ trong một tuần ở nhà, bên cạnh công việc, có những giờ phút chị tự cho phép bản thân “đặc quyền” tận hưởng thời gian rảnh: “Tôi đọc những cuốn sách trên giá mà lúc bận rộn chưa kịp đọc và nhẩn nha đọc lại những cuốn tôi tâm đắc để thư giãn”.

Một số cuốn sách chị đọc trong thời gian mắc Covid-19 là bộ tiểu thuyết về Hà Nội của nhà văn Tô Hoài: Quê người, Quê nhà, Mười năm…

Theo chị Hà Anh, mỗi cuốn sách có một điểm thú vị riêng, giúp ta đắm chìm trong câu chữ, hình ảnh. Chẳng hạn, đọc Bầu trời tuổi thơ của nhà thiên văn học Nguyễn Quang Riệu, chị như được sống lại với những suy tư thuở bé khi ngắm nhìn bầu trời đêm đầy sao và thêm một lần được chiêm nghiệm về cuộc sống, con người trước vũ trụ bao la.

Với Trọng Hưng (33 tuổi, Gia Lâm, Hà Nội), 10 ngày cách ly là khoảng thời gian để đọc sách. Tiêm đủ 3 mũi vaccine, thể trạng tốt, khi nhiễm virus SARS-CoV-2, anh Hưng chỉ bị sốt và đau họng nhẹ trong 2 ngày. Anh tận dụng khoảng thời gian cách ly để đọc những cuốn đã mua từ trước.

Hai trong số những cuốn sách đã đọc trong thời gian cách ly mà anh Hưng tâm đắc là Bỉ vỏ (Nguyên Hồng) và Sợi tóc tìm thấy.

Với Bỉ vỏ, anh Hưng chọn đọc phiên bản trong bộ “Việt Nam danh tác”, in lại theo bản đầu tiên năm 1938 của Tự lực văn đoàn, giữ lại tiếng lóng mà tác giả đã sử dụng trong sách.

“Việc giữ nguyên tiếng bản in đầu giúp tôi nhận diện rõ hơn văn phong của Nguyên Hồng”, anh Hưng nói. Với Sợi tóc tìm thấy, người đọc hiểu thêm về một tác phẩm có phong cách văn chương độc đáo.

“Không ai muốn mình bị ốm, nhưng nếu đã mắc bệnh rồi thì tìm cách trải qua một cách đỡ khó chịu nhất có thể. Trong những ngày là F0, tôi được ‘tặng’ một khoảng thời gian yên tĩnh, không bị sao nhãng với các việc khác để đọc sách; do đó, vừa đọc, vừa suy ngẫm nhiều hơn về tác phẩm”, Trọng Hưng nói.

Huệ Phương

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/vuot-qua-nhung-ngay-cach-ly-cung-trang-sach-post1302872.html