Vượt 'gió ngược', điều hành hiệu quả chính sách tài khóa

Chiều 28/12, Viện Chiến lược và Chính sách tài chính phối hợp với Học viện Tài chính tổ chức Hội thảo Tình hình kinh tế - tài chính năm 2023 và dự báo năm 2024. Tham luận tại hội thảo, có ý kiến cho rằng, năm 2023 nền kinh tế đã vượt qua 'cơn gió ngược' ngoạn mục, đồng thời, việc điều hành chính sách tài khóa linh hoạt, hiệu quả, góp phần hoàn thành các chỉ tiêu về tài chính - ngân sách nhà nước.

Kinh tế Việt Nam vượt “gió ngược”

Tham luận tại hội thảo, TS. Lê Xuân Sang - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế Việt Nam cho rằng, Việt Nam 2023 chèo lái con thuyền kinh tế vượt qua "cơn gió ngược", đó là "cơn gió ngược" lạm phát; lãi suất toàn cầu tăng và sự suy thoái tăng trưởng ở nhiều nước trong đó có đối tác kinh tế lớn của Việt Nam.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Kinh tế Việt Nam tăng trưởng trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Theo TS. Lê Xuân Sang, đối với Việt Nam, "cơn gió ngược bão ngầm" trong nước đó là sự suy giảm, trầm lắng giao dịch, xây dựng một số phân khúc bất động sản nhà ở, nghỉ dưỡng do yếu tố bên trong là chính sách siết chặt cho vay bất động sản, phát hành trái phiếu bất động sản và xử lý sai phạm chứng khoán…

Trước bối cảnh tiêu cực toàn cầu, Chính phủ đã ban hành một loạt cơ chế chính sách nhằm chống đỡ các tác động tiêu cực từ bên ngoài, như: thúc đẩy đầu tư công, rà soát, dỡ bỏ các rào cản thể chế bất động sản, xây dựng, giao thông bất hợp lý; các giải pháp về giãn, giảm thuế; nới lỏng tiền tệ, tăng zoom tín dụng…

Nhờ đó, Việt Nam đã chống chịu, hấp thụ tương đối hiệu quả các chính sách vĩ mô, như chính sách giãn, giảm thuế, phí. Kết quả, lạm phát được kiểm soát tốt; tăng trưởng kinh tế dự kiến đạt khoảng 5% GDP.

Theo PGS.TS Vũ Sỹ Cường, năm 2023 cầu bên ngoài giảm đã gây áp lực lên tăng trưởng của Việt Nam. Cầu nội địa vẫn thấp, sau “tiêu dùng trả thù” hậu Covid-19. Tăng trưởng tiêu dùng đạt thấp trong thời gian gần đây.

“Việc suy giảm cầu cả trong nước và quốc tế, ảnh hưởng trực tiếp đến tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh đó, đầu tư công có ảnh hưởng tích cực đến tăng trưởng kinh tế. Trong nhiều năm, năm 2023 có mức tăng trưởng cao, tăng 3,3% so với kế hoạch, nhưng vẫn còn thấp. Tín dụng tăng trưởng tương đối thấp, khoảng 10% là còn số “rất thách thức”, dự kiến hết năm không đạt chỉ tiêu tín dụng” - TS. Vũ Sỹ Cường phân tích những yếu tố ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế Việt Nam 2023.

Điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách tài khóa

Nghiên cứu của Ban Chính sách tài chính công (Viện Chiến lược và Chính sách tài chính) gửi đến hội thảo nêu rõ, năm 2023 nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước (NSNN) được thực hiện trong bối cảnh nhiều khó khăn.

Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia kinh tế uy tín. Ảnh: T.T.

Hội thảo thu hút nhiều nhà nghiên cứu, học giả, chuyên gia kinh tế uy tín. Ảnh: T.T.

Tuy nhiên, với sự chủ động điều hành và triển khai thực hiện chính sách tài khóa có hiệu quả, các nhiệm vụ tài chính - NSNN đã hoàn thành tốt các mục tiêu đề ra.

Chính phủ, Bộ Tài chính đã chủ động triển khai các giải pháp tài khóa linh hoạt, ứng phó hiệu quả, kịp thời với biến động trong và ngoài nước. Bộ Tài chính đã triển khai nhiều giải pháp thu NSNN tháo gỡ khó khăn cho người dân và doanh nghiệp; chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả; bội chi được kiểm soát, nợ công dưới mức trần Quốc hội cho phép.

Tuy nhiên, vẫn còn một số thách thức trong điều hành chính sách tài khóa, đó là: Số thu của một số khoản thu quan trọng giảm so với cùng kỳ năm trước trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế khó khăn; giải ngân vốn đầu tư công còn chậm. Dù thu NSNN đến cuối năm vượt so với dự toán đề ra, nhưng trong năm, do chính sách giãn, giảm thuế, phí, lệ phí; một số ngành, lĩnh vực suy giảm đã đã tác động làm giảm thu ngân sách.

Năm 2024, Quốc hội quyết định tổng thu NSNN là 1.700,9 nghìn tỷ đồng; tổng chi NSNN là 2.119,4 nghìn tỷ đồng; bội chi NSNN (bao gồm cả phần cho Chương trình phục hồi) là 399,4 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,6% GDP. Trong bối cảnh tình hình thế giới dự báo tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường. Ở trong nước, thuận lợi, thời cơ và khó khăn, thách thức đan xen nhưng khó khăn, thách thức là nhiều hơn khi kinh tế Việt Nam có độ mở cao, kinh tế thế giới tiếp tục được dự báo tăng trưởng chậm lại, có nguy cơ suy thoái.

Để đạt được mục tiêu tài chính - NSNN, trong năm 2024, cần theo dõi sát diễn biến kinh tế thế giới và trong nước; dự báo và đánh giá đúng tình hình, nhận diện kịp thời các rủi ro. Từ đó, đề xuất các giải pháp điều hành chủ động, linh hoạt, đồng bộ các công cụ chính sách tài khóa, phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ và các chính sách kinh tế vĩ mô khác, nhằm kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.

Đồng thời, cần nghiên cứu hoàn thiện hệ thống thu NSNN theo tinh thần Văn kiện Đại hội XIII của Đảng, các Nghị quyết của Ban chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Bên cạnh đó, tiếp tục rà soát lại các chính sách ưu đãi thuận lợi cho người nộp thuế, mở rộng cơ sở thuế. Hạn chế tối đa việc lồng ghép chính sách xã hội trong pháp luật về thuế.

Trong năm 2024, để đạt được các mục tiêu tăng trưởng kinh tế - NSNN, theo TS. Vũ Sỹ Cường, cần tăng tổng cầu bằng đầu tư công, cần có quy chế rõ hơn về thưởng phạt để rõ hơn trách nhiệm; kích cầu tiêu dùng nội địa qua cho vay mua nhà; tăng lương cho cán bộ công nhân viên; xem xét tiếp tục giảm một số loại thuế, phí.

Đối với các giải pháp về tăng cung, cần cơ cấu lại nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp nhà nước yếu kém, tổ chức tín dụng yếu kém, các dự án đầu tư; hỗ trợ doanh nghiệp; hỗ trợ doanh nghiệp khu vực dịch vụ.

Đồng thời, chính sách tài khóa tiếp tục phối hợp chặt chẽ với chính sách tiền tệ, phối hợp trong việc điều tiết cung tiền như kế hoạch vay nợ công, giải ngân vốn đầu tư công…/.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy phục hồi kinh tế

Có ý kiến cho rằng, trong điều hành chính sách tài khóa năm 2024, cần chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi NSNN; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi NSNN chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công thúc đẩy phục hồi nền kinh tế, thực hiện thành công mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội.

Đồng thời, kiểm soát chặt chẽ bội chi NSNN, nợ công, các nghĩa vụ nợ dự phòng của NSNN, nợ của chính quyền địa phương, đảm bảo an toàn tài chính quốc gia, nâng cao hiệu quả sử dụng vốn vay. Các khoản vay mới vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài chỉ sử dụng cho chi đầu tư phát triển, không sử dụng cho chi thường xuyên.

Minh Anh

Nguồn Thời báo Tài chính: https://thoibaotaichinhvietnam.vn/vuot-gio-nguoc-dieu-hanh-hieu-qua-chinh-sach-tai-khoa-142598.html