Vượt định kiến phát triển kinh tế

Phụ nữ người Dao xã Dền Sáng (huyện Bát Xát) trước đây thường bị 'trói buộc' trong những quy định nghiêm ngặt của cộng đồng. Phụ nữ dường như mất vai trò, vị trí quan trọng trong gia đình và xã hội, rất ít khi làm chủ kinh tế. Vượt qua những rào cản, định kiến ấy, chị Tẩn San Mẩy ở thôn Ngải Chồ đã phát triển mô hình kinh tế gia đình, đồng thời chia sẻ kinh nghiệm với nhiều phụ nữ khác trong thôn.

Đặt chân đến thôn Ngải Chồ, chúng tôi không khỏi bất ngờ khi có một ngôi nhà hai tầng mới xây dựng tỏa mùi thơm của thảo mộc. Đó là mái ấm của vợ chồng chị Tẩn San Mẩy. Chị Mẩy sinh ra trong gia đình có truyền thống làm nghề thuốc nam, chị được bà và mẹ truyền cho nhiều kiến thức, kỹ năng bốc thuốc.

Từ kiến thức học được, chị đã giúp nhiều người trong thôn chữa bệnh xương khớp, dạ dày, vật lý trị liệu... Chị cũng mở thêm dịch vụ tắm lá thuốc giúp phục hồi sau điều trị cho một số người bệnh và phụ nữ sau sinh. Đến năm 2023, chị nâng cấp mô hình quy mô hơn, hiện đại hơn. Đây là mô hình tắm lá thuốc đầu tiên trong thôn do phụ nữ làm chủ.

Chị Tẩn San Mẩy tâm sự: Khi tôi quyết định phát triển kinh tế theo hướng đi riêng cũng vấp phải những cản trở từ định kiến xã hội như “phụ nữ thì nên dành thời gian chăm sóc gia đình, còn làm kinh tế phải là việc của đàn ông”. Nhưng nếu kiến thức của mình không được phát huy thì thật lãng phí nên tôi vẫn quyết định xây dựng mô hình tắm lá thuốc. Tôi muốn truyền thông điệp đến phụ nữ người Dao trong thôn là hãy mạnh dạn thực hiện những dự định và ước mơ của bản thân.

Mô hình tắm lá thuốc của gia đình chị Tẩn San Mẩy đem lại nguồn thu ổn định. Gia đình chị còn nuôi cá nước lạnh, thu nhập mỗi năm hơn 200 triệu đồng. Chị Mẩy không chỉ phát triển kinh tế gia đình mà còn sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm hay cho những phụ nữ khác muốn học tập mô hình.

Nguồn Lào Cai: https://baolaocai.vn/vuot-dinh-kien-phat-trien-kinh-te-post377438.html