Vướng vòng lao lý vì giữ người trái pháp luật

Thời gian qua, trên địa bàn Đồng Nai xuất hiện tình trạng một số đối tượng thực hiện hành vi bắt hoặc giam, giữ người khác trái pháp luật. Nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ việc đánh ghen, đòi nợ, tra khảo lấy thông tin, mâu thuẫn trong cuộc sống…

Bị cáo Lương Quốc Thắng cùng đồng phạm bị Tòa án nhân dân tỉnh xử phạt vào ngày 28-2. Ảnh: N.Minh

Việc bắt giữ người hoặc giam người trái pháp luật bị pháp luật nghiêm cấm và trừng phạt nghiêm khắc. Do đó, để tránh vướng vào vòng lao lý, người dân cần cẩn trọng trong cách hành xử, đừng để hối hận muộn màng.

* Tùy tiện bắt, giam, giữ người khác

Việc tự tiện bắt hoặc giam, giữ người trái pháp luật là xâm phạm đến quyền tự do, dân chủ của công dân. Điều này không chỉ gây ảnh hưởng đến đời sống của từng cá nhân mà còn xâm phạm trật tự an toàn xã hội.

Trong đó, đa số các vụ bắt giữ người đều xuất phát từ việc vay mượn nợ, đòi nợ giữa các bên. Đơn cử như trường hợp các bị can: Phan Thanh Nam (25 tuổi); Nguyễn Thanh Khương (28 tuổi); Trần Tam Lan (26 tuổi, đều ngụ xã Xuân Hiệp, huyện Xuân Lộc) chỉ vì đòi nợ đã gây ra hành vi phạm tội và bị truy tố về các tội bắt giữ người trái pháp luật và cưỡng đoạt tài sản.

Vụ việc xuất phát từ chỗ anh Nguyễn Thanh Hảo (29 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc) mượn của anh N.V.H. (34 tuổi, ngụ huyện Xuân Lộc) 75 triệu đồng mà không trả nên anh H. nhờ Nam, Khương, Lan đòi nợ giúp. Vào ngày 16-4-2023, sau khi đòi nợ không được, cả 3 bị can đã bắt anh Hảo về giữ tại một căn nhà thuê ở xã Xuân Hiệp và ra tay đánh anh Hảo, đe dọa buộc anh này trả nợ. Do anh Hảo không có tiền trả nên cả nhóm ép anh Hảo đưa xe máy đi cầm để lấy tiền trả nợ. Sau đó, anh Hảo trình báo sự việc với công an và cả 3 đối tượng bị bắt.

Cũng có những trường hợp chỉ vì đánh ghen mà cả gia đình đều vướng vòng tù tội bởi hành vi giữ người khác. Điển hình như ngày 28-2, Tòa án nhân dân tỉnh mở phiên tòa xét xử phúc thẩm hình sự và tuyên phạt các bị cáo: Lương Quốc Thắng (41 tuổi, ngụ quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) 6 tháng tù; Lương Ngọc Phương (39 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ, huyện Xuân Lộc) 4 tháng tù; Trần Thái Hưng (22 tuổi, ngụ xã Xuân Thọ) 4 tháng tù; Hoàng Xuân Khánh (25 tuổi, ngụ quận 12, Thành phố Hồ Chí Minh) 8 tháng cải tạo không giam giữ, cùng về tội giữ người trái pháp luật.

Theo nội dung vụ án, ông D. (77 tuổi) và bà B. (75 tuổi) là vợ chồng chung sống với nhau tại huyện Xuân Lộc. Vợ chồng ông D. có 6 người con, trong đó có 2 bị cáo Thắng và Phương. Từ năm 2018, bà B. nghi ngờ ông D. có quan hệ bất chính với bà N. (47 tuổi, ngụ thành phố Long Khánh) nên vợ chồng thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Thấy ông D. thường xuyên vắng mặt ở nhà, ngày 16-12-2020, bà B. và các con trai Thắng, Phương; các cháu ngoại Hưng và Khánh tìm đến chỗ ở của bà N. tại phường Tân Hòa (thành phố Biên Hòa) theo dõi thì phát hiện ông D. và bà N. đang ở cùng nhau. Lúc này, các bị cáo: Thắng, Phương, Hưng, Khánh đã trói và đưa ông D. ra ngoài. Thắng còn tát vào mặt và nắm tóc bà N. để cho bà B. dùng kéo cắt tóc bà N., rồi lấy lọ ớt bột đổ vào người bà N.

Cơ quan công an đã vào cuộc điều tra và các bị cáo đã bị bắt giữ sau đó.

* Cẩn trọng trong cách hành xử

Đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh cho hay, việc bắt, giữ người trái pháp luật là hành vi ngăn cản, tước đoạt sự tự do dịch chuyển thân thể của người khác trái với quy định của pháp luật. Các hành vi thực hiện khống chế người khác để tạm giữ hoặc giam giữ phổ biến như: trói, còng tay để đưa đến một nơi khác nhốt và có hành vi đe dọa, đánh đập trong một thời gian nhất định hoặc thực hiện việc quay video nhằm tung lên mạng xã hội…

Phạm tội bắt, giữ hoặc giam người trái pháp luật thì bị phạt tù lên đến 3 năm. Trong trường hợp phạm tội có tổ chức; lợi dụng chức vụ, quyền hạn; làm cho người bị bắt, giữ, giam hoặc gia đình họ lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn… thì bị phạt tù từ 2-7 năm. Ngoài ra, việc bắt, giam, giữ khiến bị hại chết, tự sát hoặc thực hiện việc tra tấn, gây tổn thương cơ thể trên 61% thì bị phạt tù có thể lên đến 12 năm.

Theo quy định pháp luật thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt giữ người trong 2 trường hợp: người phạm tội quả tang và người đang bị truy nã, nhưng ngay sau đó phải đưa người có hành vi sai phạm đến cơ quan chức năng xử lý. Mọi trường hợp bắt hoặc giam, giữ người khác vì bất kỳ mục đích nào mà chưa được pháp luật cho phép đều phạm tội bắt giữ người trái pháp luật.

Theo luật sư Trần Thanh Tùng, Đoàn Luật sư Đồng Nai, hành vi bắt, giữ người trái pháp luật thường để lại nhiều hậu quả như: bị xử phạt nghiêm minh và có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Trong trường hợp khiến cho người bị hại hoặc cho gia đình người bị hại bị thiệt hại nặng nề như: người bị bắt tự sát; bị tra tấn gây thương tích; làm cho gia đình bị hại thiệt hại nặng nề về kinh tế do mất nguồn thu nhập chính… thì sẽ bị định khung tăng nặng trách nhiệm hình sự. Đồng thời, hành vi này cũng có thể khiến bị hại hoảng loạn, ảnh hưởng tâm lý, thân thể trong một thời gian dài.

Cũng theo luật sư Tùng, nhằm giúp cho người dân hiểu rõ hơn về các quy định của pháp luật, hạn chế đến mức thấp nhất hành vi sai phạm thì các cơ quan chức năng cần tăng cường hơn nữa công tác tuyên truyền pháp luật; đưa các vụ án điểm ra xét xử công khai để làm gương; góp phần nâng cao nhận thức về pháp luật cho người dân để tránh phạm tội. Đặc biệt, cần phải giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho học sinh ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường, từ đó đào tạo được một thế hệ trẻ hiểu và làm đúng pháp luật ngay từ đầu.

Nhật Minh

Nguồn Đồng Nai: https://baodongnai.com.vn/phap-luat/202403/vuong-vong-lao-ly-vi-giu-nguoi-trai-phap-luat-5d06028/