Vương vấn khói lam chiều

Xa quê, mỗi khi về vào lúc ánh hoàng hôn khuất sau dãy núi Sáng, tôi đứng lặng nhìn ngọn khói lam chiều vương trên mái cọ mỗi nhà, lại gợi nhớ bao hình ảnh thân thương miền trung du vào những ngày cuối thu - đầu đông của một thời chân đất.

1.Đọc truyện “Sự tích cây bông lau hay là chim lưu lá” của nhà văn Phạm Hổ, tôi quý ông lão yêu chim và tràn lên nỗi tiếc thương, bởi ông lão chẳng bao giờ trở lại nữa. Khi người cháu đi tìm ông, chỉ thấy một loài cây mới, hoa trắng phất phơ như một mái đầu bạc. Tiếc thương và lắng đọng bởi có một loài hoa mới xuất hiện - hoa lau.

Hoa lau gần gũi với tôi biết bao, bước khỏi cửa nhà là gặp, lau mọc xen kẽ ngay trong hàng rào bao quanh khu vườn tạp nhà tôi cứ phơ phất trong gió. Dù đồi núi khô cằn, người nông dân bặm môi bổ nhát cuốc, lưỡi cuốc bật nảy ngang mày mà lau vẫn vươn lên thành những vạt rừng và tạo thành “sóng hoa” trên đồi Rãnh, đồi Thiều, đồi Gai.

Những ngọn đồi bát úp bao bọc thôn Giò của tôi từ ngàn đời nay, cứ mỗi độ heo may về là bung nở, trở thành loài hoa đặc trưng lúc giao mùa của miền rừng núi trung du. Những bông hoa dựng đứng cao tầm đầu người hơi tim tím, tựa cái chổi phất trần cứ trải rộng miên man trên những triền đồi.

Đứng ở cổng nhà ngước lên đồi Rãnh chỉ thấy một màu trắng xốp như bông, thỉnh thoảng gặp heo may là cuộn lên những đợt sóng liên hồi. Và hình ảnh ấy trở nên hoang sơ, mơ màng hơn vào những buổi chiều khi khói bếp mọi nhà vương la đà trên những mái cọ lô nhô phía chân đồi.

Ngày ấy, lũ chúng tôi hay thả trâu bò ở những thửa ruộng bậc thang vừa gặt xong phía đồi Rãnh. Để trâu bò lang thang gặm cỏ, chúng tôi lên đồi chơi trận giả, bắt chước mấy chú bộ đội mũ lưới. Hoa lau chạm vào da thịt mơn man, có khi còn gai gai ngứa vì lá có cạnh sắc khi trốn vào giữa bụi. Sau “trận đánh” cả lũ nằm dài trên cỏ, ngước nhìn trời xanh bao la. Hôm nào không chơi trận giả chúng tôi đi mót những quả sim chín còn sót lại. Sim cuối mùa không còn mọng nước nữa, ăn cứ xin xít, hạt cứng lắm, chẳng để lại vị ngọt nơi đâu lưỡi là bao.

Quê tôi ít lúa, nhiều khoai sắn. Có hôm bụng đói, thằng Quất “lỏi” nảy ra ý định đào trộm sắn để nướng ăn. Ruộng sắn nhà nào phía chân đồi cũng rào dậu bằng những ngọn tre gai góc để tránh trâu bò phá phách ngay từ lúc mới lên mầm xanh. Thằng Cuốn “còi” được Quất xui bảo thế nào đó, liều đột nhập vào vườn sắn bị chủ nhà bắt quả tang, nhưng rồi được thả ra, lại còn được bà chủ cho 2 củ vừa bới được.

Chúng tôi kiếm những cành củi khô nho nhỏ còn găm trên các cây thành ngạnh, cây màng tang, rồi tuốt thêm ít lá cây lau, cỏ tranh đã khô cong, nhóm bếp nướng sắn. Bếp lửa hồng của tụi trẻ trâu cũng góp thêm ngọn khó lam bay lên khung trời cao vời vợi. Ăn miếng sắn nướng mùa này chưa thấy ngon, dù củ đã đẫy đà rồi nhưng chưa nhiều bột, phải cữ sau Tết sắn mới già, nướng ăn mới thấy hết vị bùi béo của sắn vỏ đỏ. Nhưng 2 củ sắn ấy cứ để lại dư vị đắng đót của cái tuổi háu ăn, nông nổi…

2.Đứng trên đồi Rãnh nhìn về xóm nhà mình khi trời sập tối có những ngọn khói lam được gió heo may đẩy lên nhập vào làn mây sà thấp là chúng tôi bảo nhau lùa trâu bò nhanh nhanh về nhà ăn cơm. Vào những buổi chiều hè, khi lùa bò vào chuồng là vội vàng ra giếng vục mấy gầu nước tắm, nhưng chớm đông, gặp gió heo may lùa vào cổ đã thấy lành lạnh, thành ra chỉ rửa qua mặt mũi chân tay, phủi những bông lau còn dính trên tóc, nhặt những mũi cỏ may còn găm trên gấu quần, vạt áo, là vào ăn cơm với cả nhà sau một ngày đồng áng mệt nhọc.

Trong ánh đèn dầu mờ tỏ, mọi người trong gia đình ngồi quanh mâm gỗ, hôm nào sang thì có cá rô phi rán, trứng rán có nhiều hành xanh, còn thường là cá, hoặc tép kho, đĩa rau cải luộc vừa cắt từ vườn nhà, trám chấm muối vừng. Trám mùa này đang rộ - trám đen, đen gần đạt độ hạt huyền, hình thoi trắng phấn, cùi vàng mỡ gà ăn béo ngậy.

Có thêm một món mặn là cà nén ăn với nước rau luộc. Hôm nào không rau luộc thì có canh lá sắn muối dưa nấu với tép dầu. Vào cuối tháng 10 âm lịch đã có cơm gạo mới, nấu nồi gang hạt cơm không nứt vỡ dáng hình, thơm và dẻo như nếp nương. Cũng vẫn vài thứ thức ăn ấy thôi, nhưng có bát cơm gạo mới, và vài miếng đã hết vèo. Đúng là cơm quê - đạm bạc vậy, nhưng đầm ấm và thân thương quá đỗi!

Ăn xong, tôi ngồi vào học bài lại nghe tiếng động của mẹ từ dưới bếp. Mẹ lọ mọ chuẩn bị bữa lót dạ cho cả nhà sáng mai. Khi thì khoai luộc, khi thì ngô bung ăn với muối vừng, khi thì bánh sắn. Mùa này sắn chưa thu hoạch, mẹ tìm trong chum còn những sợi sắn duôi (sắn nạo nhỏ dài cỡ ngón tay, phơi khô) thì mang ngâm với nước vo gạo để rồi sáng mai dậy sớm, rửa sạch cho vào chõ xôi cùng với đỗ đen đã luộc nhừ từ tối.

Tôi thích nhất là bánh sắn khô, nhân đỗ nâu, ăn bùi hơn đỗ đen. Món này cầu kỳ lắm, phải giã sắn khô, dây lấy bột mịn, rồi đổ nước ngào, thấu cho cục bột mềm dẻo mới dàn thành miếng mỏng trong lòng bàn tay mẹ để rồi bọc chặt lấy nắm nhân đỗ. Mỗi cái bánh tựa như quả trứng gà trắng bóc được bao quanh bằng mảnh lá chuối xanh, để khi xếp vào chõ xôi chúng chín dẻo mà không dính vào nhau. Thấy làm bánh sắn khô kỳ công thế nên mỗi khi mẹ hỏi, sáng mai thích ăn gì là anh em tôi bảo, ngô khoai thôi, cho mẹ đỡ vất vả.

Thế là chấm hết những ngày hè bố con nằm trên chiếc chõng tre, hoặc trải chiếu ra hè hóng mát, ngắm ánh trăng sao, hoặc nhìn về dãy núi Sáng có những đốm lửa đốt nương chớp nháy của đồng bào dân tộc Dao, Sán Dìu… Bố đã rút mảnh chăn mây, cái chiếu cói từ chiếc sào trong gian buồng để phơi phóng từ những hôm được nắng trải lên cánh phản và khi nửa đêm có gió lạnh lùa qua cửa sổ thì phủ tấm chăn lên cho anh em tôi tròn giấc.

Vào những ngày đầu tháng 11 âm lịch, trời đã thật sự vào đông, sáng dậy, nhìn ra vườn đã thấy làn hơi nước mờ ảo bốc lên từ miệng giếng đá ong. Kỳ lạ thật, múc gầu nước lên rửa mặt tưởng là lạnh hóa ra nước âm ấm, xoa chiếc khăn lên mặt mà như muốn giữ mãi cho đôi má ấm nồng, cho người nhanh tỉnh táo, vào ăn sáng rồi đi học.

Chân đất cả mùa hè, giờ xỏ vào đôi dép cao su quai phủ đầy bụi mốc trắng thấy da chân khô nháp như vỏ cây ổi cứ vương vướng, xỏ vào, rút ra mãi mới thấy quen quen dễ chịu. Dọc con đường tới trường, đoạn nào có những vòm tre nhìn lên cành thi thoảng cũng gặp những hạt sương li ti đậu trên lá, lấp lánh trong ánh bình minh, đoạn nào có những cây trẩu cũng thấy vài cánh hoa trắng cuối mùa rụng xuống và mùi thơm dìu dịu của nó còn vương lại đâu đây. Đến trường lại nghe vang vang lời thầy giảng toán, sử, địa, nhất là văn với những bài về chủ điểm Mùa đông. Vẫn còn nhớ lời thầy Đức dạy lớp 4 dặn, “các em phải mặc ấm, không được đi chân đất”.

3.Cuối thu - chớm đông mỗi miền quê mang một vẻ đẹp khác nhau, nhưng nơi nào cũng là một bức tranh thiên nhiên đẹp dung dị, thanh bình. Xóm thôn quê tôi với những nóc nhà lô nhô mái cọ, mái tranh, khói bốc lên từ căn bếp, rồi lan tỏa, quyện thành từng cuộn, nhẩn nha bay lên trong chiều hoàng hôn đã làm nên hình ảnh khói lam chiều đầy ấn tượng, đặc trưng lúc giao mùa.

Nó vừa thực như mơ làm ta cứ bâng khuâng, xao xuyến mờ tỏ như sợi khói giăng giăng lan tỏa tạo mối giao cảm giữa con người với thiên nhiên. Có lẽ đó là khung cảnh đẹp nhất lúc giao mùa làm trào dâng bao tâm hồn nghệ sĩ và đi vào thơ ca, nhạc họa…

Từ năm 1992 đến 1995, tôi công tác xa nhà, đêm một mình hay mở băng cassette có bài “Khói lam chiều” nghe, nó hợp với cái tạng của mình, thành ra nghe vài lần là nhập tâm:

“Mỗi lúc đàn chim khuất về nẻo tối

Ánh nắng còn lưu luyến ngoài lưng đồi

Đường chiều xa vắng mây nước mênh mang

Nghe lòng bâng khuâng nhớ nhung

Khói lam chiều lên chơi vơi

Khói lam chiều vương nơi nơi…”

Với tôi, đó là một khúc ca đi cùng năm tháng. Tình yêu quê hương, xứ sở là một tình cảm thực sự lớn lao, nhưng nó được vun đắp từ những nhớ thương nho nhỏ như khói lam chiều.

Từ khi là người lính rồi trở thành người làm báo được đi công tác nơi này nơi khác và ngay cả bây giờ có dịp đi du lịch vùng đất nào đó, bắt gặp ngọn khói lam chiều vương trên căn bếp mái rạ ở đồng bằng, hay mái cọ, mái tranh thâm nâu, mái lợp bằng gỗ pơ mu xỉn màu ẩn hiện dưới chân núi xanh thẫm của đồng bào dân tộc, tôi lại ngẩn ngơ lặng nhìn, gợi nhớ bao hình ảnh ở độ tuổi “đầu trần, chân đất, ăn chưa no lo chưa tới” của mình và lũ bạn trên quê hương trung du thương mến.

ĐĂNG NGỌC

Nguồn Đại Đoàn Kết: https://daidoanket.vn/vuong-van-khoi-lam-chieu-10265034.html