VƯỚNG SỬ DỤNG KINH PHÍ CHI THƯỜNG XUYÊN CHI CHO CÁC KHOẢN CHI CÓ TÍNH CHẤT ĐẦU TƯ DO THÔNG TƯ CHƯA QUY ĐỊNH RÕ

Trong phiên chất vấn ngày 6/11, nhằm làm rõ nguyên nhân của những vướng mắc liên quan đến việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các khoản chi có tính chất đầu tư mà các đại biểu Quốc hội quan tâm chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính. Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội cho rằng vướng mắc do Thông tư số 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính khi không quy định các nội dung liên quan đến việc sửa đổi hay thêm các quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Bộ trưởng tài chính cho rằng chưa có sự giải thích pháp luật cặn kẽ về chi thường xuyên và chi đầu tư trong Luật Ngân sách và Luật Đầu tư công

Trả lời chất vấn của đại biểu về vướng mắc liên quan đến việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các khoản chi có tính chất đầu tư, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng, đây là một vướng mắc và cần có sự giải thích luật của Ủy ban Thường vụ Quốc hội để các bộ, ngành, địa phương triển khai thực hiện chính xác và yên tâm. Hiện còn những vướng mắc trong triển khai thực hiện do chưa có cách hiểu đầy đủ, thống nhất về chi thường xuyên, chi đầu tư.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc

Tại Điều 6 Luật Đầu tư công quy định kể cả là xây dựng mới, nâng cấp, sửa chữa, mở rộng tài sản công, thì đều đưa vào Luật Đầu tư công và Luật Đầu tư công được xác định kế hoạch đầu tư công trung hạn và đầu tư công hàng năm. Nếu những chương trình, dự án và các nguồn kinh phí không được đưa vào Luật Đầu tư công mặc dù vẫn là NSNN thì "sẽ sai quy định". Khẳng định điều này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, hiện nay phân biệt thế nào là chi thường xuyên, thế nào là chi đầu tư vẫn đang bị bế tắc, tạo nên vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Mặt khác, theo Bộ trưởng, tại Nghị định 73 của Chính phủ đối với hệ thống công nghệ thông tin đã quy định những dự án công nghệ thông tin dưới 15 tỷ đồng thì được dùng chi thường xuyên. Tuy nhiên, việc hướng dẫn thực hiện Nghị định 73 còn vướng mắc do không biết phần đầu tư đó có phải lập dự án đầu tư hay có đưa vào đầu tư công trung hạn hay không? Để tháo gỡ vấn đề này, Bộ Tài chính đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội về vấn đề này nhưng chưa được trình ra Quốc hội, Bộ trưởng cho biết.

Vướng mắc do Thông tư số 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính

Tham gia giải trình, làm rõ hơn vấn đề liên quan đến việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để thực hiện các khoản chi có tính chất đầu tư, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh nêu rõ, các vướng mắc phát sinh từ sau khi Thông tư số 65/2021/TT-BTC của Bộ Tài chính bắt đầu có hiệu lực và tại thời điểm này hoàn toàn không có các nội dung liên quan đến việc sửa đổi hay thêm các quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước.

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh

Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính và Ngân sách Lê Quang Mạnh cho biết, Luật Đầu tư công ban hành năm 2014 và được sửa đổi năm 2019. Tuy nhiên, Luật sửa đổi năm 2019 thì hoàn toàn không có nội dung liên quan đến vấn đề này. Bên cạnh đó, Luật Ngân sách nhà nước được ban hành năm 2015. Sau khi 2 Luật này có hiệu lực, Bộ Tài chính cũng đã ban hành rất nhiều thông tư hướng dẫn để tạo hành lang pháp lý rõ ràng cho các bộ, ngành và địa phương sử dụng nguồn chi thường xuyên thực hiện việc sửa chữa, bảo trì, cải tạo, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất.

Cụ thể, Thông tư số 52/2018/TT-BTC, Thông tư số 108/2021/TT-BTC và đặc biệt là Thông tư số 92/2017/TT-BTC ngày 18.9.2017 hướng dẫn chi tiết về việc lập dự toán phân bổ và quyết toán kinh phí để sửa chữa, bảo trì, nâng cấp, mở rộng cơ sở vật chất từ nguồn chi thường xuyên. Sau đó, ngày 29.7.2021, Bộ Tài chính ban hành Thông tư số 65/2021/TT-BTC quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công; đồng thời bãi bỏ Thông tư 92. Theo đó, Thông tư 65 không điều chỉnh các vấn đề về việc sử dụng nguồn chi thường xuyên cho xây dựng, cải tạo, nâng cấp, mở rộng tài sản công. “Mọi vướng mắc chỉ phát sinh bắt đầu từ ngày 15.9.2021 khi Thông tư 65 bắt đầu có hiệu lực và tại thời điểm này hoàn toàn không có các nội dung liên quan đến việc sửa đổi hay thêm các quy định trong Luật Đầu tư công, Luật Ngân sách nhà nước”, Chủ nhiệm Ủy ban Lê Quang Mạnh nhấn mạnh.

Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh cũng nêu thực tế, sau khi Thông tư 65 có hiệu lực, trong năm 2022, tất cả các địa phương, bộ, ngành đều gặp một vướng mắc chung là do không có cơ sở pháp lý, không có căn cứ để lập dự toán, thanh toán cũng như thực hiện các khoản liên quan đến chi từ nguồn thường xuyên cho các hạng mục có tính chất đầu tư như sửa chữa nhỏ, nâng cấp, mở rộng.

Dẫn ra nội dung cụ thể của quy định, Chủ nhiệm Lê Quang Mạnh nêu rõ, quy định tại Điều 6 "hoàn toàn chỉ để phân loại dự án theo tính chất của dự án là 2 loại: có cấu phần xây dựng và không có cấu phần xây dựng; không phải điều khoản để định nghĩa dự án đầu tư công là gì; còn khoản 2, Điều 6 thì phân loại theo tính chất quan trọng của dự án". Với ý nghĩa như vậy, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã khẳng định, các quy định này không cấm việc sử dụng kinh phí chi thường xuyên để chi cho các khoản chi có tính chất đầu tư.

Đại biểu Quốc hội Trần Hữu Hậu, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh

Tiếp tục tranh luận về nội dung này, Đại biểu Trần Hữu Hậu, đại biểu Quốc hội tỉnh Tây Ninh bày tỏ đồng tình với nhận định của Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách, đó là vướng mắc xuất phát từ Thông tư 65 của Bộ Tài chính ban hành năm 2021. Dẫn ra thực tế, là ngay tại thời điểm này là lúc các địa phương lập dự toán phân bổ ngân sách năm 2024, các công việc sửa chữa, nâng cấp tài sản công trên 500 triệu đồng đang phải thực hiện theo thủ tục đầu tư công. Nếu thực hiện chi thường xuyên thì gần như chắc chắn là phải “lách”. Do vậy, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, do Luật, Nghị định, Thông tư chưa thống nhất, dẫn đến tình trạng cán bộ sợ sai, không dám làm những việc cần phải làm.

Tuy nhiên, đại biểu Trần Hữu Hậu cũng chỉ rõ, Luật Ngân sách nhà nước năm 2014 đã bỏ nội dung “chi thường xuyên có tính chất đầu tư”. Do đó, đại biểu đề nghị, bên cạnh việc giải thích pháp luật, cũng cần xem xét sửa đổi, đưa nội dung “chi thường xuyên có tính chất đầu tư” vào Luật. Tuy nhiên, điều này cũng liên quan tới Luật Quản lý tài sản công và Luật Đầu tư công. Do đó, đại biểu Trần Hữu Hậu cho rằng, có thể đưa xem xét xây dựng một Luật sửa nhiều luật để các quy định đi ngay vào cuộc sống.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ

Với vấn đề này, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nêu rõ, Luật Ngân sách nhà nước có hiệu lực từ năm 2015 và cho đến nay không có vướng mắc. Luật Đầu tư công cũng đã ban hành khá lâu và qua một lần sửa đổi. Việc phân loại dự án đầu tư công khác với việc những loại nào phải làm danh mục đầu tư. Hàng năm, hàng khóa, Quốc hội được quyết định danh mục đầu tư công của cả Trung ương, ở địa phương thì quy định danh mục đầu tư công của địa phương. Chủ tịch Quốc hội đề nghị Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách có văn bản gửi các cơ quan liên quan; và trong những trường hợp các cơ quan thấy không đủ rõ và có yêu cầu giải thích thì Ủy ban Thường vụ Quốc hội mới thực hiện giải thích pháp luật. Còn nếu nghị định, thông tư không phù hợp với Luật thì phải sửa nghị định và thông tư.

Hải Yến

Nguồn Quốc Hội: https://quochoi.vn/hoatdongdbqh/pages/tin-hoat-dong-dai-bieu.aspx?itemid=81793