Vướng mắc cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) – Trà Lĩnh (Cao Bằng)

Cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đang gặp phải một số vướng mắc khiến công tác triển khai bị chậm lại...

Khó khăn lớn của Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) là công tác giải phóng mặt bằng (GPMB).

Hiện nay, các sở, ban, ngành, UBND các huyện có tuyến cao tốc đi qua tích cực đẩy nhanh GPMB đáp ứng đúng theo kế hoạch của “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB của Dự án”;

Và thực hiện các nhiệm vụ liên quan cơ bản đảm bảo đúng tiến độ, như: Xác định nhu cầu sử dụng đất, chuyển mục đích và bổ sung quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đo đạc bản đồ địa chính phục vụ công tác GPMB; kiểm kê lập phương án bồi thường...

Một phối cảnh cầu vượt sông trong Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) (Ảnh: Báo Cao Bằng).

Một phối cảnh cầu vượt sông trong Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) (Ảnh: Báo Cao Bằng).

Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, UBND huyện Thạch An mới bàn giao cho dự án với chiều dài 2,939 km/21,63 km, diện tích 12,86 ha. Dự kiến ngày 29/2/2024, sẽ bàn giao đoạn xóm Bản Căm, xã Lê Lai (gồm 67 hộ, diện tích 8,2 ha, chiều dài tuyến khoảng 1,8 km) để phục vụ thi công dự án.

Tại huyện Quảng Hòa, công tác GPMB hoàn thành tại 4/4 xã, thị trấn. Kiểm đếm đất đai, tài sản, hoa màu trên đất và lập dự toán sơ bộ được 156/680 hộ. Đến nay, 25 hộ gia đình cụm dân cư xóm Lũng Tao có đất thu hồi cùng đại diện xóm Bản Tin - Lũng Tao ký kết bàn giao mặt bằng dự án.

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng các công trình giao thông tỉnh Cao Bằng đang phối hợp cùng các đơn vị được giao nhiệm vụ rà phá bom mìn theo quy định; phối hợp với UBND huyện: Thạch An, Quảng Hòa, Công ty Điện lực Cao Bằng tiến hành rà soát khối lượng hệ thống đường điện cần di chuyển; chỉ đạo đơn vị tư vấn khẩn trương thực hiện đảm bảo tiến độ GPMB của dự án.

Đáng chú ý, quá trình triển khai dự án còn gặp một số khó khăn, vướng mắc như: Chỉ tiêu sử dụng đất của dự án trên địa phận tỉnh Lạng Sơn chưa đủ; có sự sai lệch so với bản đồ chuyển mục đích sử dụng rừng đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, cần báo cáo cấp có thẩm quyền điều chỉnh lại; một số vị trí đoạn tuyến phải điều chỉnh để đảm bảo phù hợp với địa hình thực tế và giảm thiểu ảnh hưởng đến cuộc sống của nhân dân khu vực dự án đi qua.

Đối với kế hoạch triển khai dự án giai đoạn 2, hoàn thành công tác lựa chọn nhà đầu tư trong tháng 11/2023. Công tác GPMB dự kiến từ quý I - quý IV/2024, hoàn thành lập thiết kế kỹ thuật trong quý II/2024. Xây dựng dự án từ quý I/2024 - quý III/2026.

Để giải quyết những khó khăn của dự án, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Trần Hồng Minh đề nghị, các cá nhân, đơn vị được giao phối hợp chặt chẽ trong giải quyết các khó khăn, vướng mắc về công tác GPMB, chuyển mục đích sử dụng rừng, khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ dự án.

UBND tỉnh chỉ đạo các cơ quan giúp việc Ban chỉ đạo làm việc với tỉnh Lạng Sơn, Bộ Tài nguyên và Môi trường về những vướng mắc liên quan đến thủ tục đầu tư để hoàn chỉnh trong thời gian sớm nhất; khẩn trương điều chỉnh chủ trương đầu tư theo Nghị quyết 106 của Quốc hội và Nghị quyết 16 của Chính phủ;

“Hai huyện Thạch An, Quảng Hòa rà soát theo hồ sơ thiết kế thực hiện áp giá trong GPMB để tỉnh phê duyệt; đẩy mạnh thực hiện “Chiến dịch cao điểm 100 ngày đêm hoàn thành công tác GPMB của Dự án”; tăng cường tuyên truyền, vận động, tạo sự đồng thuận cao trong nhân dân;

Bên cạnh đó, những vấn đề bất cập liên quan đến cơ chế, chính sách ảnh hưởng trực tiếp đến người dân cần sớm được xem xét, điều chỉnh phù hợp để không làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện dự án”, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng chỉ đạo.

Vừa qua, Dự án đầu tư xây dựng tuyến cao tốc (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng) đã trình Thủ tướng điều chỉnh chủ trương đầu tư dự án.

Trong đó, cơ cấu nguồn vốn sau điều chỉnh, tổng mức đầu tư giai đoạn 1 khoảng 14.252 tỷ đồng. Vốn nhà đầu tư và các nguồn vốn khác 4.451,92 tỷ đồng, chiếm 31,24%.

Vốn ngân sách Nhà nước 9.800 tỷ đồng (tăng 3.220 tỷ đồng từ nguồn ngân sách Trung ương). Ngân sách địa phương 4.080 tỷ đồng, ngân sách Trung ương 5.720 tỷ đồng, chiếm 68,76%.

UBND tỉnh Cao Bằng ban hành văn bản chỉ đạo các sở, ngành triển khai các thủ tục khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường phục vụ thi công dự án sau khi Chính phủ ban hành Nghị quyết số 106/2023/QH15; quyết định giao kế hoạch vốn đầu tư công năm 2023 cho dự án 1.282,5 tỷ đồng, năm 2024 là 1.303,5 tỷ đồng.

Diệp Phan

Nguồn Dân Sinh: https://dansinh.dantri.com.vn/dien-dan-dan-sinh/vuong-mac-cao-toc-dong-dang-lang-son-tra-linh-cao-bang-20240223135305292.htm