Vướng bãi mìn dày đặc của Nga, lính Ukraine bỏ xe đi bộ

Bãi mìn dày đặc như '20 cây số địa ngục', khiến cuộc phản công của Ukraine gặp phải bài toán khó nhất, phải bỏ lại xe tăng tinh nhuệ của phương Tây và tiến công không có hỏa lực từ xe tăng và xe bọc thép.

Vào ngày 13/7, ông John Ratcliffe, Giám đốc Cơ quan tình báo quốc phòng Mỹ (DNI), cho biết, cuộc xung đột ở Ukraine đã đi đến "một chút bế tắc". Kể từ đầu tháng 6, Ukraine đã tiến hành hàng loạt cuộc phản công nhằm vào dọc chiến tuyến quân Nga từ Kherson đến Donetsk. Ảnh: CNN.

Nhưng 5 tuần sau khi cuộc phản công bắt đầu, quân đội Ukraine vẫn chưa chọc thủng được tuyến phòng thủ chính của Nga và chịu tổn thất nặng nề. Theo các chỉ huy và binh lính tiền tuyến Ukraine, "vấn đề khó khăn nhất" khiến cuộc phản công của Ukraine bị đình trệ, là không thể vượt qua các bãi mìn khổng lồ do quân đội Nga giăng ra. Ảnh: Feeti.

Theo thông tin mới nhất được CNBC đăng tải vào ngày 16/7, một lượng lớn mìn không chỉ khiến quân đội Ukraine mất 20% số xe tăng, xe thiết giáp trong hai tuần đầu của cuộc phản công; mà còn khiến chỉ huy quân đội Ukraine phải đình chỉ cuộc phản công và thay đổi chiến thuật. Ảnh: SVP.

Theo hãng tin Mỹ CNN dẫn lời binh lính Ukraine chiến đấu trực tiếp tại chiến trường Zaporizhia cho biết, họ đã buộc phải từ bỏ việc sử dụng xe tăng, thiết giáp do phương Tây cung cấp; thay vào đó là tổ chức rà phá mìn thủ công, đồng thời tiến chậm từng bước về phía trận địa phòng ngự của Nga. Ảnh: SVP.

Vào đầu tháng 6, quân đội Ukraine đã mở chiến dịch tấn công quân đội Nga từ ít nhất ba địa điểm ở miền nam Ukraine. Nhưng họ phát hiện ra rằng, một số lượng lớn mìn, vật cản và các thiết bị nổ ngẫu hứng được gài trong lòng đất, đã khiến họ mắc kẹt và không thể tiến lên, khiến một lượng lớn trang bị đã bị phá hủy. Ảnh: Geme.

Một số phương tiện truyền thông phương Tây dẫn lời các quan chức Mỹ và châu Âu trong các thông tin mới nhất cho biết, trong hai tuần đầu tiên của cuộc phản công, tổn thất của quân đội Ukraine đã lên đến mức cao nhất; có tới 20% số xe tăng và xe bọc thép bị phá hủy. Ảnh: SVP.

Thiệt hại nặng nhất là Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 47 của Ukraine, do NATO huấn luyện, đã mất 30% số xe chiến đấu Bradley trong vòng hai tuần. Trong khi Lữ đoàn bộ binh cơ giới số 33 mất gần 10 xe tăng Leopard của Đức trong vòng một tuần. Ảnh: SVP.

Theo dữ liệu từ tổ chức tình báo Oryx, ít nhất một phần ba số xe chiến đấu bộ binh Bradley (34 chiếc) do Mỹ viện trợ cho Ukraine đã "bị bỏ rơi, hỏng hóc hoặc bị phá hủy". Chỉ vào đầu tháng 1 năm nay, Lầu Năm Góc còn gọi Bradley là "sát thủ xe tăng"; ý nói rằng, vũ khí này sẽ "mang lại lợi thế trên chiến trường Ukraine". Các nhà phân tích phương Tây còn gọi nó là vũ khí "thay đổi cuộc chơi". Ảnh: Flickr.

Còn phân tích của CNN chỉ ra rằng, mặc dù cuộc xung đột Nga-Ukraine đã chứng minh một số công nghệ thời 4.0, từ UAV trên không và trên biển cho đến các hệ thống tác chiến điện tử tiên tiến. Nhưng theo thông tin của lính Ukraine, thì đạn pháo, mìn, vật cản, chiến hào của Thế chiến thứ nhất đang gây ra nhiều thiệt hại hơn trên chiến trường. Ảnh: Sina.

Do quá trình phản công của Ukraine phải "kéo dài", nên phía Nga có "nhiều thời gian" để tăng cường khả năng phòng thủ, họ đã bố trí dày đặc mìn và vật cản có chiều sâu từ 5 km đến 16 km trước các cứ điểm trọng yếu từ tháng 10 năm ngoái. Ảnh: Sina.

Để tiếp cận phòng tuyến của Nga, quân đội Ukraine phải vượt qua một khu vực được bố trí bằng hàng chục loại mìn làm bằng nhựa và kim loại có hình dạng giống như hộp kẹo hoặc lon nước ngọt, với nhiều loại khác nhau. Ảnh: UA.

Cựu Tướng Mỹ Mark Kimmitt cho rằng, việc cố gắng vượt qua tuyến phòng thủ của Nga, bao gồm chiến hào, bẫy chống tăng, bãi mìn và hàng rào thép gai, giống như cố gắng vượt qua "20 km địa ngục". Những người lính Ukraine đã tiến vào bãi mìn cũng cho biết, bãi mìn của Nga ở miền nam Ukraine rất lớn và phức tạp, vượt quá sự hiểu biết trước đây của họ. Ảnh: SVP.

Quân đội Ukraine cho biết, các biện pháp phòng thủ trên của Quân đội Nga đã thành công trong việc làm chậm bước tiến của quân đội Ukraine. Đồng thời, những bãi mìn này đã bộc lộ những hạn chế của các phương tiện cơ giới do phương Tây cung cấp. Ảnh: SVP.

Tổng tư lệnh quân đội Ukraine Zaluzhny cho biết trong cuộc phỏng vấn mới nhất vào ngày 15/7 rằng, các xe tăng phương Tây mới đến Ukraine có điểm yếu là chúng không thể một mình xuyên thủng hệ thống phòng thủ của Nga, được hỗ trợ bởi mìn chống tăng. Khi bị ùn tắc trước cửa mở vì mìn, những chiếc xe này biến thành mục tiêu bắn tập của quân Nga. Ảnh: Sina.

Số liệu mới nhất của Bộ Quốc phòng Nga cho thấy, quân đội Ukraine đã thiệt hại 26.000 quân và hơn 3.000 thiết bị quân sự khi đi qua các bãi mìn mà không có sự hỗ trợ của không quân. Theo Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 13/7, kể từ đầu tháng 6, quân đội Nga đã phá hủy tổng cộng 311 xe tăng của Ukraine, trong đó có ít nhất 1/3 do phương Tây sản xuất, bao gồm cả xe tăng Leopard. Ảnh: SVP.

"Tất cả chúng đều bị đốt cháy", một lính Ukraine chứng kiến ít nhất 6 xe bọc thép phương Tây bị phá hủy trong một đợt pháo kích của Nga cho biết. Một lính Ukraine khác nói rằng, xe chiến đấu bộ binh Bradley trong đơn vị của anh ta chạy qua bãi mìn chống tăng do quân đội Nga gài mỗi ngày. Trong khi những người lính bên trong thường sống sót, thì những chiếc Bradley đã phải nằm bất động, trước khi tiếp cận được phòng tuyến của quân Nga. Ảnh: Fox.

Do tổn thất nặng nề, hai tuần sau khi phát động cuộc phản công, buộc các chỉ huy Ukraine đã thay đổi chiến thuật, và tỷ lệ tổn thất sau đó giảm xuống còn 10%. "Nhưng tin tốt lành này che giấu một số thực tế nghiệt ngã" và tổn thất giảm bớt cũng là do cuộc phản công đã chậm lại và thậm chí ở một số nơi đã dừng lại. Ảnh: Skynews.

Các quan chức Mỹ cũng thừa nhận việc tạm dừng hoạt động và cho biết quân đội Ukraine đã bắt đầu nối lại hoạt động phản công, nhưng thận trọng hơn khi băng qua các bãi mìn. Trong khi đó các quan chức Ukraine trách phương Tây không cung cấp đủ thiết bị rà phá mìn như đã hứa. Ảnh: Oryx.

Một quan chức cấp cao của Ukraine, phát biểu với điều kiện giấu tên, cho biết, Ukraine đã nhận được ít hơn 15% thiết bị rà phá bom mìn mà nước này yêu cầu từ phương Tây. Có thông tin cho rằng, Ukraine đang sử dụng hệ thống rà phá bom mìn M58 (MICLIC) do Mỹ cung cấp; nhưng do bị tên lửa hoặc pháo binh Nga tấn công liên tục, nên tỷ lệ tổn thất thiết bị rà phá bom mìn cũng rất cao. Ảnh: Forxt.

Những người trong cuộc của quân đội Ukraine cho rằng, các bãi mìn dày đặc đã buộc quân đội Ukraine phải thay đổi chiến lược phản công. Hiện nay, quân đội Ukraine đã từ bỏ xe tăng chiến đấu chủ lực và xe chiến đấu bộ binh do các đồng minh phương Tây viện trợ, thay vào đó là tiến công bộ từ từ trên chiến trường. Ảnh: Flickr.

Đồng thời, do việc rà phá bom mìn đã trở thành "mục tiêu quan trọng số một" trong cuộc phản công, nên quân đội Ukraine đã phải điều lính công binh tự tay thực hiện công việc rà phá bom mìn thủ công, một công việc hết sức nguy hiểm đến tính mạng, trước các quả mìn và cả các tay súng bắn tỉa tầm xa của Nga. Ảnh: Sina.

Những người lính công binh làm nhiệm vụ rà phá bom mìn đã sử dụng các thiết bị tự chế vào máy dò mìn, để xác định và gỡ từng quả mìn, dọn sạch một con đường rộng khoảng 2 mét cho bộ binh, đủ để cho hai người lính có thể đi cạnh nhau khiêng cáng cùng một lúc. Tuy nhiên quân Nga lại cho UAV thả các quả mìn mới xuống khu vực, làm cho việc rà phá càng thêm khó khăn. Ảnh: Flickr.

Một bác sĩ quân y Ukraine cho biết, trong số những binh sĩ mà ông điều trị gần đây, mìn đã vượt qua đạn pháo và trở thành nguyên nhân chính gây thương tích cho binh sĩ Ukraine. Ảnh: Polaris.

Tiến Minh (theo CNN, CNBC, Sina)

Nguồn Tri Thức & Cuộc Sống: https://kienthuc.net.vn/quan-su/vuong-bai-min-day-dac-cua-nga-linh-ukraine-bo-xe-di-bo-1879899.html