Vườn Quốc gia Tà Đùng - Kỳ quan ấn tượng giữa đại ngàn Tây Nguyên

Tà Đùng đẹp như một bức tranh thủy mặc, mặt nước trong xanh phản chiếu trời mây bao la, hơn 40 cồn đảo xanh tươi nhô lên mặt nước với nhiều hình dáng, kích thước, tạo nên một cảnh quan đầy mê hoặc.

Vườn Quốc gia Tà Đùng - báu vật của mảnh đất Tây Nguyên về cả mặt kinh tế và tự nhiên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Khu Bảo tồn Quốc gia Tà Đùng (Vườn Quốc gia Tà Đùng), là một trong những thắng cảnh nổi tiếng thuộc xã Đắk P’lao và xã Đắk Som, huyện Đắk Glong, tỉnh Đắk Nông.

Sở hữu cảnh sắc thiên nhiên vừa hoang sơ vừa thơ mộng , nơi đây được coi là báu vật của mảnh đất Tây Nguyên về cả mặt kinh tế và tự nhiên.

Vườn Quốc gia Tà Đùng là khu du lịch sinh thái có diện tích hơn 26.000ha, tỷ lệ che phủ rừng đạt đến 85%, trong đó rừng nguyên sinh chiếm hơn 48%, và sở hữu hệ sinh thái vô cùng đa dạng.

Điểm nhấn của Vườn Quốc gia Tà Đùng là hồ Tà Đùng nằm trên nuiớ̉ độ cao 1.982m so với mực nước biển. Đây là một hồ nước ngọt nhân tạo, là hồ tích nước của công trình thủy điện Đồng Nai 3 xây dựng năm 2012.

Hoạt động ngăn dòng thủy điện đã tạo nên một kỳ quan tuyệt đẹp với hồ nước mênh mông rộng gần 6.000ha, điểm xuyết hàng chục hòn đảo lô nhô trên mặt hồ, được mệnh danh là phiên bản "Vịnh Hạ Long thu nhỏ" của Tây Nguyên.

Sự kết hợp tài tình giữa cảnh sắc thiên nhiên và bàn tay kiến tạo của con người đã tạo ra một cảnh quan diễm lệ.

Nhìn từ trên cao, Tà Đùng đẹp như một bức tranh thủy mặc, mặt nước trong xanh phản chiếu trời mây bao la, hơn 40 hòn đảo được kiến tạo từ đất đỏ bazan nhô lên mặt nước với nhiều hình dáng, kích thước, tạo nên một cảnh quan đầy mê hoặc.

Hồ Tà Đùng đẹp nhất vào thời điểm khoảng từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai. (Ảnh: TTXVN phát)

Vẻ đẹp của hồ Tà Đùng biến đổi linh hoạt ở nhiều thời điểm trong ngày. Vào những buổi sớm mai, Tà Đùng mờ ảo trong hơi sương bảng lảng như cảnh thần tiên thơ mộng.

Khi Mặt Trời lên, mặt nước sáng rực dưới ánh nắng, những cồn đảo xanh tươi tắm mình dưới ánh dương, mang một vẻ đẹp của sự trù phú.

Hoàng hôn xuống, Tà Đùng đẹp tuyệt vời khi những đám mây vội vã trôi về cuối trời, nhường lại ráng chiều đỏ ối nhuộm hồng mặt hồ, những cồn đảo đổ bóng xuống mặt nước thật thơ mộng và bình yên.

Khu vực Vườn Quốc gia Tà Đùng mang khí hậu đặc trưng của vùng Tây Nguyên với mùa khô và mùa mưa. Lượng nước trong hồ Tà Đùng thay đổi theo mỗi mùa, tạo nên những cảnh sắc thiên nhiên đa dạng.

Thời điểm lý tưởng để thưởng ngoạn vẻ đẹp của “Vịnh Hạ Long trên cạn" là vào mùa tích nước, khoảng từ tháng Bảy đến tháng Mười Hai. Thời gian này, không chỉ có thời tiết rất đẹp, ít mưa mà còn là lúc khung cảnh của Tà Đùng trở nên hoàn mỹ nhất.

Nước hồ dâng cao, trong vắt, những cơn mưa làm cây cối trên các cồn đảo xanh mướt, tràn trề nhựa sống, không khí tươi mát, trong lành. Bầu trời xanh cao vời vợi, những đám mây trắng muốt bồng bềnh trôi lững lờ, soi bóng xuống mặt nước trong veo. Núi rừng, sông hồ, mây trời hòa quyện thật hữu tình.

Du khách có thể đi thuyền luồn lách vào khu vực các đảo nổi, chiêm ngưỡng và khám phá trọn vẹn vẻ đẹp của bức tranh thủy mặc độc nhất ở xứ đại ngàn Tây Nguyên này. Dưới làn nước trong veo, tận mắt nhìn ngắm những chú cá vui vẻ bơi lội tung tăng quanh những cụm rong xanh mềm mại lả lướt theo sóng nước.

Trong Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng còn chứa đựng nhiều điểm hấp dẫn khác như suối Đắk N’teng, Đắk P’lao… chảy qua, tạo thành những ngọn thác hết sức hấp dẫn, kỳ bí như thác Đắk Plao, thác 7 tầng, thác Mặt Trời… sống động, là những điểm check-in ưa thích của nhiều du khách.

Lớp thảm thực vật rừng rộng lớn tạo điều kiện cho các loài động vật sinh sống và phát triển. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Không chỉ có vẻ đẹp tuyệt mỹ của hồ nước, cảnh sắc núi rừng bao la hùng vĩ, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng còn là nơi trú ngụ của hơn 1.000 loài động vật, trong đó có 37 trong số 88 loài thú quý hiếm cần được bảo vệ, chiếm gần một nửa số thú ở Tà Đùng.

Có nhiều loài nằm trong Sách Đỏ của Việt Nam và thế giới như nai, cà toong, báo hoa mai, các loài linh trưởng, công, trĩ…

Trong các loài quý hiếm, Tà Đùng có 3 loài thú đặc hữu của Việt Nam là Voọc bạc má, Vượn má cam, Voọc chà vá chân đen.

Đặc biệt, Tà Đùng là một trong ba khu bảo tồn của Việt Nam có Hươu vàng (hay còn gọi là Hươu đầm lầy), loài đặc hữu của Đông Dương và Thái Lan. Chúng đang có nguy cơ tuyệt chủng do giảm môi trường sống và bị săn bắt.

Vườn Quốc gia Tà Đùng cũng là 1 trong 4 vùng chim đặc hữu của Việt Nam, chiếm tới 1/8 số loài chim của Việt Nam và là một trong 222 vùng chim đặc hữu của thế giới.

Chim Bạc má mào sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Trong danh sách 202 loài chim, có 16 loài nằm trong Sách Đỏ. Các loài chim tiêu biểu như chim trĩ, chim công, chim cười đặc hữu và gà lôi lam mào trắng.

Nằm giữa vùng đất có bề dày lịch sử văn hóa với những giá trị văn hóa vật thể và phi vật thể như Không gian Văn hóa Cồng Chiêng Tây Nguyên, Sử thi Tây Nguyên, những giá trị văn hóa bản địa cũng là yếu tố khiến Tà Đùng trở thành điểm đến đáng khám phá.

Du khách có cơ hội được tìm hiểu về các giá trị văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc Mạ - những cư dân cư trú lâu đời ở vùng đất này.

Bao đời nay, người Mạ vẫn thường xuyên hát kể cho nhau nghe những sử thi về núi Tà Đùng hùng vĩ, về sự tích, cái tên của từng con suối, ngọn đồi và truyền dạy cho con cháu rằng việc bảo vệ rừng chính là bảo vệ sinh mệnh sống của dân làng.

Nhờ ý thức bảo vệ rừng của đồng bào Mạ mà bao năm qua, Khu Bảo tồn Thiên nhiên Tà Đùng luôn giữ được màu xanh bát ngát của một thiên đường chốn giới - báu vật thiên nhiên giữa đại ngàn Tây Nguyên hùng vĩ./.

Những hòn đảo lớn, nhỏ trong khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng tạo nên vẻ đẹp kỳ vĩ giữa núi rừng Tây Nguyên. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Với tổng diện tích tự nhiên hơn 21.000 ha, hệ sinh thái đa dạng, khu Bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có vai trò quan trọng trong phòng hộ đầu nguồn của hệ thống sông Sêrêpôk và sông Đồng Nai.

Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng có lớp thảm thực vật rừng rộng lớn, tỷ lệ che phủ đến 85% diện tích vùng lõi của khu bảo tồn, trong đó rừng nguyên sinh chiếm hơn 48%.

Tà Đùng hiện có hơn 574 loài động vật trong đó, có 37 loài thú thuộc diện quý hiếm như chà vá chân đen, vượn má hung, cu li nhỏ, hổ, báo hoa mai, trăn mốc, trăn gấm, rắn hổ chúa và 16 loài chim nằm trong Sách đỏ Việt Nam cùng hơn 1.400 loài thực vật.

Chim Bạc má mào sinh sống trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cây gỗ Bạch tùng có đường kính gốc gần 1m trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Lớp thảm thực vật rừng rộng lớn tạo điều kiện cho các loài động vật sinh sống và phát triển. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

Cây gỗ Xá xị có đường kính lớn trong Khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng. (Ảnh: Dương Giang/TTXVN)

(Vietnam+)

Nguồn VietnamPlus: http://www.vietnamplus.vn/vuon-quoc-gia-ta-dung-ky-quan-an-tuong-giua-dai-ngan-tay-nguyen/901940.vnp