Vươn lên từ nghề gốm truyền thống

Đèn Shiva chất liệu đất nung của Hợp tác xã (HTX) gốm Chăm Bàu Trúc vừa được Bộ trưởng Bộ Công thương tôn vinh, trao Giấy chứng nhận và biểu trưng sản phẩm công nghiệp nông thôn (CNNT) tiêu biểu quốc gia năm 2023. Đây là sản phẩm gốm trang trí nội thất do anh Phú Hữu Minh Thuần thiết kế mẫu hướng dẫn các thành viên HTX thực hiện. Đồng thời, là sự kiện kinh tế có ý nghĩa quan trọng động viên HTX và bà con làng nghề gốm nỗ lực sáng tạo nhiều mẫu mã mới.

Anh Phú Hữu Minh Thuần tại lễ tôn vinh, trao chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 2023. Ảnh: Ngọc Ánh

Anh Phú Hữu Minh Thuần tại lễ tôn vinh, trao chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia 2023. Ảnh: Ngọc Ánh

Chúng tôi được biết, Phú Hữu Minh Thuần là một trong những người chuyên thiết kế, chế tác sản phẩm đèn trang trí bằng chất liệu đất nung truyền thống làng Bàu Trúc. Mẫu đèn Shiva có chiều cao 70cm, bao gồm ba phần là đầu, mình, chân, được các nghệ nhân HTX chế tác nung chín từng phần rồi gắn kết thành sản phẩm trang trí thống nhất. Phần đầu biểu tượng linga và yoni cách điệu trên nền chi tiết hoa văn ngọn lửa, phần thân biểu tượng thần Shiva, phần chân biểu hiện sóng biển. Sản phẩm đèn Shiva do Phú Hữu Katê và Đàng Tuấn Khang chạm khắc họa tiết theo mẫu thiết kế của Phú Hữu Minh Thuần. Những người thợ làm gốm có nhiều kinh nghiệm như Phú Thị Mỹ Hằng thực hiện phần thân đèn; Đàng Thi Lẻo làm láng; Đàng Thị Nhánh làm đất và nung gốm.

Sản phẩm đèn Shiva nung lộ thiên có màu đỏ au của đất sét Bàu Trúc và phần chân đèn có dấu vết đen láng của chất đốt. Đây là sản phẩm có họa tiết, sắc màu gốm nung độc bản, kết tinh giá trị văn hóa truyền thống do các nghệ nhân HTX gốm Chăm Bàu Trúc thực hiện. Với phương châm đổi mới để phát triển, anh Phú Hữu Minh Thuần nghiên cứu thiết kế trên 50 mẫu đèn trang trí nội, ngoại thất được người tiêu dùng yêu thích tin tưởng đặt hàng sản xuất với số lượng lớn. Trong đó có những sản phẩm tạo thế mạnh cho thương hiệu HTX gốm Chăm Bàu Trúc như đèn Shiva, đèn carô, đèn sóng, đèn trái bầu...

Với vai trò Giám đốc HTX gốm Chăm Bàu Trúc có 45 thành viên, anh Phú Hữu Minh Thuần tổ chức hoạt động hiệu quả trong lĩnh vực sản xuất tiểu thủ công nghiệp của huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận. HTX huy động các nguồn lực đầu tư nâng cao chuỗi giá trị sản phẩm, tăng thu nhập, bảo đảm cuộc sống người lao động gắn bó với làng nghề truyền thống. Đặc biệt, nghệ thuật làm gốm của người Chăm được UNESCO ghi danh vào danh mục “Di sản văn hóa phi vật thể cần bảo vệ khẩn cấp”, tạo động lực đưa sản phẩm gốm Chăm phát triển lên tầm cao mới. Anh vinh dự được Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận tặng Bằng khen đạt thành tích xuất sắc, tiêu biểu trong phong trào thi đua yêu nước nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra lời kêu gọi thi đua ái quốc (11/6/1948 - 11/6/2023).

Anh Phú Hữu Minh Thuần với các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc. Ảnh: Sơn Ngọc

Anh Phú Hữu Minh Thuần với các sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc. Ảnh: Sơn Ngọc

Anh Phú Hữu Minh Thuần đại diện HTX gốm Chăm Bàu Trúc có mặt tại buổi lễ tôn vinh, trao chứng nhận 173 sản phẩm CNNT cấp quốc gia tiêu biểu năm 2023 do Bộ Công thương tổ chức tại Thủ đô Hà Nội vào ngày 15/12/2023. Để đến với buổi lễ tôn vinh sản phẩm CNNT tiêu biểu cấp quốc gia, anh Phú Hữu Minh Thuần gửi tác phẩm đèn Shiva qua bình chọn đánh giá của 4 cấp, từ huyện đến tỉnh đến khu vực và cấp quốc gia. Bộ Công thương cử cán bộ về HTX gốm Chăm Bàu Trúc kiểm tra đánh giá chất lượng sản phẩm bảo đảm đạt các tiêu chí tốt về chất lượng, đẹp về hình thức, có giá trị sử dụng cao, có tiềm năng phát triển mở rộng sản xuất, đáp ứng tốt nhu cầu tiêu thụ gốm trang trí của thị trường trong và ngoài nước. Sản phẩm đèn Shiva chất liệu gốm Chăm đang được trưng bày tại Trung tâm Hội nghị quốc tế, Hà Nội.

“Tôi vinh dự đại diện HTX gốm Chăm Bàu Trúc được Bộ Công thương mời ra Thủ đô Hà Nội dự lễ tôn vinh, chứng nhận sản phẩm CNNT tiêu biểu quốc gia năm 2023 trao cho sản phẩm đèn Shiva. Dựa trên nền tảng văn hóa và nghệ thuật làm gốm truyền thống của người Chăm, tôi tiếp tục nghiên cứu thiết kế nhiều mẫu đèn trang trí mới đáp ứng nhu cầu của thị trường trong và ngoài nước. Qua đó, tạo việc làm, nâng cao giá trị sản phẩm, tăng thu nhập bảo đảm đời sống cho các hộ thành viên HTX, tích cực góp phần phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao vị thế sản phẩm gốm Chăm Bàu Trúc” - anh Phú Hữu Minh Thuần phấn khởi chia sẻ niềm vui.

Nghệ thuật làm gốm của người Chăm tỉnh Ninh Thuận là Di sản văn hóa phi vật thể thứ 15 của Việt Nam được UNESCO ghi danh. Điểm đặc biệt của nghề làm gốm ở Bàu Trúc chính là phương pháp làm gốm thủ công, mang tính nghệ thuật cao với sự tỉ mỉ, tinh tế trong từng nét chạm khắc. Ở nhiều làng nghề, người ta thường dùng các bàn xoay để nặn gốm. Tuy nhiên ở đây, các nghệ nhân gốm dùng chính đôi tay khéo léo của mình để tạo nên những sản phẩm giàu tính nghệ thuật.

Sơn Ngọc - Ngọc Ánh

Nguồn Biên Phòng: https://bienphong.com.vn/vuon-len-tu-nghe-gom-truyen-thong-post471546.html